Thủy điện ảnh hưởng sinh kế người dân lưu vực sông Mê Công

Phương Linh 03/11/2015 08:10

Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia khi nghiên cứu về tác động của thủy điện đối với dòng sông Mê Công. Làm thế nào để dung hòa giữa nhu cầu phát triển thủy điện với bảo vệ môi sinh và an ninh lương thực, đó là bài toán ngày càng nan giải đối với các quốc gia lưu vực sông Mê Công.

Thủy điện ảnh hưởng sinh kế người dân lưu vực sông Mê Công

Ảnh minh họa.

Phần lãnh thổ của Việt Nam nằm trong lưu vực sông Mê Công gồm có thượng nguồn sông Nậm Rốm (Điện Biên), thượng nguồn sông Sê Kông và Sê Bang Hiêng (Quảng trị và Thừa thiên Huế), toàn bộ khu vực sông Sê San và Srêpốk (thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông) và gần như toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

ĐBSCL là một trong những vùng trọng điểm kinh tế, nơi sản xuất lúa lớn nhất cả nước nằm ở phần cuối của lưu vực sông Mê Công. Mọi hoạt động kinh tế xã hội liên quan đến tài nguyên nước sông Mê Công từ các nước thượng lưu ở những mức độ khác nhau đều tác động đến nguồn nước, cả số lượng và chất lượng đến ĐBSCL.

Theo đánh giá của Ủy hội Sông Mê Công, tiềm năng thủy điện toàn lưu vực sông Mê Công có thể khai thác vào khoảng 53.900 MW, trong đó phần thượng lưu sông Mê Công thuộc lãnh thổ Trung Quốc – sông Lang Thương là 23.000 MW. Phần hạ lưu thuộc 4 quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia và VN là 30.900 MW.

Kế hoạch đã được Chính phủ Trung Quốc thông qua, đến 2020, trên sông Lang Thương sẽ có 8 nhà máy thủy điện được đưa vào vận hành với tổng công suất 15.000 MW gồm những hồ chứa có dung tích khoảng trên 40 tỉ m3 nước để đáp ứng nhu cầu điện năng các tỉnh Đông Nam Trung Quốc và xuất khẩu điện sang Thái Lan. Dự kiến đến 2040 xây thêm 6-7 nhà máy thủy điện nữa.

Ở hạ lưu Mê Công, các quốc gia cũng có kế hoạch xây dựng 11 thủy điện dòng chính trong đó có 9 đập được dự kiến xây dựng ở Lào và 2 đập ở Campuchia. Theo chuyên gia sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện, nếu tất cả 11 đập ở hạ nguồn được xây dựng, tác động được dự đoán rất nghiêm trọng và vĩnh viễn đối với ĐBSCL về phù sa, dòng chảy, thủy sản, cùng các hệ lụy kéo theo về kinh tế, xã hội, sinh thái.

Ông Jake Bruner (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế) chia sẻ: Những người phản đối đập thủy điện thường khó có thể chứng minh rằng đập sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng. Những tổn thất này thường bị coi nhẹ và lờ đi. Trong đó, có rất nhiều tác động ảnh hưởng nghiêm trọng như suy giảm phù sa, sụt lún đồng bằng và mất đất nông nghiệp.

Những ảnh hưởng này không phải là điều dễ dàng nhận thấy, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Yếu tố khác cũng bị suy giảm như sản lượng đánh bắt cá – nguồn sinh kế của người nghèo…

Đối với Việt Nam, giảm sản lượng cá còn đe dọa ngành xuất khẩu cá da trơn có giá trị nhiều tỉ đô do loài cá này phụ thuộc nguồn thức ăn là cá trắng di cư.

Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Hồng Vân (Mạng lưới sông ngòi VN) cho rằng: ĐBSCL là nơi mất mát nhiều nhất so với các nước ở tiểu vùng. Bởi vì nếu như thật sự phát triển 11 đập thủy điện trên dòng chính Mê Công thì sẽ giảm thiểu 50% lượng cá, và 50% lượng nước, như vậy phù sa chảy về chúng ta sẽ rất hạn chế.

“Khi mà chúng tôi nói chuyện với một số người dân sống ở ĐBSCL, thì năm nay mực nước chảy về ĐBSCL đã thấp hơn nửa mét so với mùa lũ năm ngoái. Hiện tại chưa khởi động hết 11 đập trên dòng chính Mê Công nhưng một thực tế đã xảy ra là ĐBSCL đã bị thiếu nước”, bà Vân chia sẻ.

Vậy cần có chính sách ứng phó như thế nào cho VN để giải quyết vấn đề Mê Công? Theo ông Đào Trọng Tứ - nguyên Phó Tổng thư ký Ủy Ban sông Mê Công VN: Chúng ta cần phải tích cực đấu tranh tăng cường cơ chế hợp tác Mê Công để thực hiện hiệp định Mê Công 1995. Đây là biện pháp vô cùng quan trọng để giúp bảo vệ quyền lợi của VN, là quốc gia nằm ở cuối nguồn. Việc lồng ghép hợp tác Mê Công vào các hợp tác khu vực (ASEAN, GMS…), các diễn đàn, chương trình hợp tác song phương là một biện pháp cần được thực hiện nhất quán và liên tục.

Việc tiếp tục theo dõi các hoạt động phát triển các quốc gia thượng lưu liên quan đến sông Mê Công và tiến hành tiếp những nghiên cứu về dự báo trước những tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường ĐBSCL là vô cùng cần thiết…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủy điện ảnh hưởng sinh kế người dân lưu vực sông Mê Công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO