Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), bên cạnh giải pháp tranh thủ giai đoạn 90 ngày thuế quan 10% đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tính tới phương án chuyển hướng và đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Tìm cơ hội trong thách thức
Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Vasep, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang với các mức thuế chưa từng có (Mỹ áp 125% cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Trung Quốc trả đũa với mức thuế 84% cho hàng Mỹ) là cơ hội để Việt Nam củng cố vị thế tại Mỹ, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn từ sự chuyển hướng của Trung Quốc.
Với vị thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ mất thị phần tại Mỹ, buộc họ phải chuyển hướng sang các thị trường khác. Sự dịch chuyển của Trung Quốc làm thay đổi dòng chảy thương mại thủy sản. Giá nguyên liệu có thể biến động khi Trung Quốc giảm nhập khẩu (4,4 triệu tấn năm 2024, giảm từ 4,6 triệu tấn năm 2023). Các nhà cung cấp lớn như Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn để chiếm thị phần tại Mỹ và EU.
Sự suy giảm của Trung Quốc tại Mỹ mở ra cơ hội cho Việt Nam gia tăng thị phần. Với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ khoảng 1,8-2 tỷ USD/năm (20% tổng kim ngạch), Việt Nam có thể tận dụng nhu cầu ổn định từ người tiêu dùng Mỹ để đẩy mạnh xuất khẩu tôm và cá tra. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức rất lớn cho ngành thủy sản Việt Nam khi Trung Quốc tăng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản (nơi Việt Nam chiếm lần lượt15-17% và 14-15% kim ngạch).
Phát triển chuỗi cung ứng bền vững
Theo bà Lê Hằng, để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, ngành thủy sản cần tăng cường xuất khẩu sang Mỹ, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ và chế biến giá trị gia tăng nhằm lấp khoảng trống Trung Quốc để lại; đàm phán với Mỹ để tránh thuế chống bán phá giá, cung cấp dữ liệu minh bạch về nguồn gốc và giá thành.
Bên cạnh đó, chuyển hướng và đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ hoặc Trung Quốc, đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, qua các FTA (EVFTA, CPTPP, RCEP). Chẳng hạn, tôm Việt Nam vào EU được miễn thuế, trong khi hàng Trung Quốc chịu 12-20%. Khai thác thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ để phân tán rủi ro. Tăng cường kiểm soát hải quan, kiểm soát xuất xứ, minh bạch truy xuất nguồn để đảm bảo thủy sản xuất khẩu là 100% từ Việt Nam.
Trước những biến động về thuế quan, Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng vừa có văn bản chỉ đạo gửi các Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố ven biển và các tỉnh, thành phố nội đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tăng cường chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản. Trong đó, người dân, doanh nghiệp thủy sản cần tránh tâm lý lo sợ dẫn đến tình trạng thu hoạch ồ ạt thủy sản nuôi hoặc hạn chế sản xuất, xuống giống... làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và mục tiêu tăng trưởng của ngành. Để chuẩn bị phương án chuyển hướng tích cực, các địa phương thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình, cung cấp thông tin thị trường đến người dân và doanh nghiệp yên tâm, ổn định sản xuất trong thời gian các bộ, ban, ngành chức năng đàm phán với Hoa Kỳ.
“Tối ưu hóa chuỗi sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng triệt để các biện pháp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, quan tâm xây dựng thương hiệu, đảm bảo kiểm soát và truy xuất nguồn gốc xuất xứ để tránh bị Hoa Kỳ áp gian lận nguồn gốc hàng hóa và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Sẵn sàng cho kịch bản không thể đàm phán, nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời tìm kiếm thị trường mới” - văn bản Cục Thủy sản và Kiểm ngư nêu rõ.
Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, mục tiêu tăng trưởng ngành thủy sản năm nay với 4,35% sẽ là con số thách thức lớn trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều bất định. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực từ hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra - đặc biệt tôm tăng trưởng trên 37,8% trong quý I đã tạo nền tảng lạc quan cho kế hoạch cả năm. Theo đó, sản lượng thủy sản cả nước trong quý I đạt gần 2 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác đạt khoảng 880.000 tấn, gần như đi ngang (+0,1%) trong khi sản lượng nuôi trồng đạt hơn 1,1 triệu tấn, tăng 5,1%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,29 tỷ USD, tăng tới 18,1% so với cùng kỳ 2024.