Thủy sản tiến mạnh vào thị trường tiềm năng

Lê Bảo 19/04/2023 06:48

Ảnh hưởng của lạm phát những thị trường chủ lực giảm mạnh, ngành thủy sản đang nỗ lực hướng đến các thị trường tiềm năng ở Trung Đông, Mỹ Latinh khai mở thị trường, tìm cơ hội mới.

Xuất khẩu thủy sản sang Isarel là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của ngành này. Ảnh: Quang Vinh.

Khó khăn bủa vây

Tính chung quý I/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,83 tỷ USD giảm 27,3% so với quý I/2022. Bước sang quý II, giới chuyên gia đánh giá, bức tranh xuất khẩu thủy sản khó có sự đột phá.

Về bức tranh xuất khẩu thủy sản trong quý II, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, quý II/2023 xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ dự báo tiếp tục giảm. Tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản vẫn chưa được như kỳ vọng, tiếp tục giảm 36,8% trong tháng 3/2023, đạt 112,76 triệu USD. Tính chung quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm 25,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 238,37 triệu USD.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng cho biết, quý I/2023, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường và khối thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, theo Vasep, Mỹ đã mất vị trí số 1 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với mức giảm 50%. Các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU cũng lần lượt giảm 11%, 22%, 13% và 29%. “Trong bối cảnh lạm phát, nhập khẩu và tiêu thụ thủy sản của Hoa Kỳ đang tăng tỷ trọng đối với phân khúc hàng đông lạnh và giảm nhiều hơn ở phân khúc hàng chế biến giá trị gia tăng, do vậy sẽ khó có sự bứt phá mạnh mẽ trong những tháng tới” - Vasep nhận định.

Tìm thị trường mới

Cũng theo Vasep, lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến thị trường thế giới khiến nhu cầu nhập khẩu thủy sản chịu tác động sụt giảm từ ngay trong quý 1/2023. Chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu đứt gãy, đặc biệt là suy thoái kinh tế đang ngấm sâu vào đời sống của nhiều quốc gia trên thế giới khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản có nguy cơ giảm sút trong năm 2023 này.

Mặc dù vậy, theo Vasep dự báo thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần từ quý III/2023.

Đây cũng là dự báo của Bộ Công thương. Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thông thường cuối năm cũng là giai đoạn chu kỳ xuất khẩu tăng hơn so với 2 quý đầu năm do đó chúng ta hy vọng có sức bật từ quý III để kéo kim ngạch của cả năm tăng lên. “Trước ảnh hưởng của lạm phát, những thị trường chủ lực giảm, ngành chức năng và DN đang nỗ lực hướng đến các thị trường tiềm năng ở Trung Đông, Mỹ Latinh; sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn để ký kết, đưa vào thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel. Bắt tay vào triển khai đàm phán FTA với UAE; thúc đẩy đàm phán FTA với các nước khối Mercosur để khai mở thị trường Mỹ Latinh. Với những giải pháp này chúng ta kỳ vọng xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi từ quý III” - bà Trang cho biết.

Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính đều ghi nhận đà giảm thì xuất khẩu thủy sản sang Israel lại tăng tới 40% trong tháng 3/2023, đạt 6,5 triệu USD. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Israel đạt 19,49 triệu USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2022, là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, mặc dù là thị trường nhỏ, nhưng trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường lớn, truyền thống đều đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát, việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường Israel tăng là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu thủy sản.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep nhận định, hiện nay trong cơ cấu xuất khẩu, thị trường Isarel mặc dù chiếm tỷ trọng chưa nhiều nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng bởi có sức mua, khả năng thanh toán cao. Bên cạnh đó, Israel là nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, dù là nước nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các DN thủy sản Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.

Thời gian qua, nhiều DN xuất khẩu thủy sản quy mô lớn cũng đã thay đổi chiến lược xuất khẩu như tìm kiếm thị trường mới, thị trường ngách; thay đổi sản phẩm xuất khẩu có giá tốt, phù hợp trong tình hình lạm phát... nên bước đầu đã cho kết quả khả quan.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, công ty cũng có những chiến lược sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh mới như chấp nhận bán với giá thấp hơn để giữ thị trường với hy vọng vượt qua thách thức đang diễn ra.

Mặc dù dự báo vẫn có nhiều lạc quan song để ngành thủy sản đạt được tăng trưởng như mục tiêu đề ra, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Vasep cho rằng, DN rất trông chờ các cơ quan quản lý giúp tháo gỡ những khó khăn bất cập trước mắt cho DN để ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là chính sách và triển khai lãi suất ưu đãi cho bà con nông, ngư dân và DN chế biến thủy sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủy sản tiến mạnh vào thị trường tiềm năng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO