“Tôi biết rằng nhiều người cho tới bây giờ vẫn chưa thể hình dung được vệc Trump sẽ là một Tổng thống như thế nào. Nhưng mọi sự sẽ ổn thỏa thôi,” – tỉ phú Donald Trump đã nói như vậy trong bài trả lời phỏng vấn mới đây cho tờ The New York Times. Hiện nay ông không còn nhiều thời gian để cải thiện tâm trạng trong chính đảng Cộng hòa của mình và thiết kế chiến dịch chống lại ứng cử viên của đảng Dân chủ. Từ nay tới ngày bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 chỉ còn khoảng trên dưới 6 tháng.
Hãy tin đi, tôi là người duy nhất có thể thiết lập lại trật tự cho thế giới…”.
Tờ The Finalcial Times trong bài viết của bình luận viên Philip Stevens cho rằng, dù muốn hay không vẫn phải thấy rõ rằng, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Washington vẫn tiếp tục là một trong những đảm bảo không thể thiếu của trật tự toàn cầu, nên diễn tiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có ý nghĩa hết sức quan trọng cho phần còn lại của thế giới, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi ứng cử viên đảng Cộng hòa gần như chắc chắn sẽ là tỉ phú Donald Trump. Theo Stevens, Trump thực ra không phải là một người theo chủ nghĩa bảo thủ và thậm chí cũng không phải là một người Cộng hòa. Học thuyết đối ngoại của tỉ phú này là chủ nghĩa biệt lập hiếu chiến.
Trump luôn miệng tuyên bố rằng, ông muốn lấy lại hào quang vĩ đại cho nước Mỹ. Tuy nhiên, theo Stevens, có lẽ Trump nếu đắc cử sẽ chủ yếu pha chế chủ nghĩa biệt lập đã lỗi thời với một dân tộc chủ nghĩa rõ rệt. Trump muốn các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á đã thanh toán chi phí cho các đơn vị quân đội Mỹ đồn trú tại đó, khác đi ông ta sẽ cho thực hiện chính sách ai ở nhà nấy: “Ông ấy không hề quan tâm tới việc những quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ chế tạo ra bom nguyên tử của họ để tự đối phó với tình hình nguy hiểm ở Đông Á. Theo những câu nói cửa miệng của mình, Trump là một người hâm mộ tổng thống Nga Putin. Những hiệp ước thương mại bị coi là có hại cho nền thương mại Mỹ và việc tạo ra chỗ làm sẽ bị hủy bỏ và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sẽ bị áp thêm các khoản thuế mới…
Trong thực tế, Trump đề xuất để tháo dỡ các cấu trúc toàn cầu, được xây dựng bởi Hoa Kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai, “như thể Pax Americana (học thuyết về sự thống trị ở nước ngoài của Mỹ) chỉ là một tư tưởng mang tính hỉ xả vô bổ. Trong khi đó thực ra, “những quy tắc và định chế đó hòa đồng các lợi ích quốc gia của Mỹ vào hệ thống quốc tế” và “sự thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ không thể tách rời khỏi tiềm lực toàn cầu vượt trội của nó”.
Theo nhận xét của Dan Henninger trên tờ “The Wall Street Jourrnal, “hầu hết các cử tri đảng Cộng hòa đã từ chối hết các ứng cử viên mạnh để dồn phiếu cho một doanh nhân hầu như không có một quan điểm rõ ràng và kiến thức chính trị nào...” "Phương án giàu hy vọng nhất của tình trạng này cho rằng, các cử tri Cộng hòa nhìn thấy ở Trump hình ảnh người sẽ làm hồi sinh nước Mỹ. Họ là những phần tử dân tộc chủ nghĩa trong sâu thẳm tâm hồn nên nhận ra một điều là: nước Mỹ đang bị lép vế trên trường quốc tế và thực trạng nền kinh tế không cho phép tăng lương. Và khác với những người Pháp hoặc những người Nhật, họ sẽ không chịu ngoan ngoãn khoanh tay thúc thủ chấp nhận thực trạng này.
Tác giả Dan Henninger không loại trừ rằng “cơ hội tăng trưởng kinh tế có nhiều khả năng trở thành hiện thực khi Tổng thống Trump hơn nếu như bà Hillary vào làm chủ Nhà trắng”, nhưng ông cũng cho rằng, “những bản năng vẫy vùng đối ngoại (của Trump) sẽ gây ra những rắc rối hơn nhiều…” Trump chia sẻ mong muốn của đương kim tổng thống Barack Obama rút bỏ khỏi vai trò thủ lĩnh toàn cầu, thậm chí ngay cả trong tình thế mặc trang phục ghi dòng chữ “Nước Mỹ trên hết” chỉ huy cuộc rút lui trong quần áo và tăng ngân sách quốc phòng.
Nhà báo Heninger cho rằng, để cản bước IS, Trump sẽ cần gửi ra chiến trường nhiều quân nhân hơn. Và Trump cũng có vẻ chưa thấu hiểu hết sức mạnh của Vladimir Putin đối với việc thiết kế chính trường châu Âu theo ý phương Tây. Chính sách thương mại của Trump có vẻ như vô tư lự và chắc chắn sẽ tạo ra những phản kháng trên toàn thế giới hoặc sẽ dẫn tới tình trạng trì trệ toàn cầu…
Những lý do trên đang khiến cho nhiều người trong chính đảng Cộng hòa cảm thấy khó chịu đến mức tức tối trước triển vọng gần như không ai cản nổi của việc tỉ phú Trump sẽ trở thành ứng cử viên duy nhất đối kháng với nữ ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng cuối năm nay. Nội bộ đảng Cộng hòa đã trở nên bối rối. Nhiều người không thể hiểu nổi tại sao một nhân vật trong suốt một thời gian dài chà đạp lên mọi nguyên tắc đảng lại có thể trở thành gương mặt đại diện, duy nhất, cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới? Tạp chí Đức Der Spiegel trong bài viết của hai nhà báo Veit Medick và Roland Nellls, cho rằng, nhiều đảng viên Cộng hòa thậm chí lo sợ rằng nếu kẻ chọc trời khuấy nước như Trump là ứng cử viên thì nguy cơ thất cử của đảng Cộng hòa là cầm chắc trong tay…
Hiện nay một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với Trump là lựa chọn ra được nhân vật thích ứng vào vai ứng cử viên phó tổng thống. Nhân vật này phải có đủ những phẩm chất bổ sung những gì mà bản thân Trump đang thiếu: độ tin cậy và kinh nghiệm. Thống đốc bang Ohio John Keysik hoặc Thống đốc Florida, Rick Scott là hai người có thể bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm chính trị của Trump. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, một số chính trị gia, thí dụ như Thống đốc bang New Mexico Susana Martinez (mà với sự hợp tác của nhân vật này, Trump có thể thu hút thêm được sự ủng hộ từ phía các cử tri và cử tri gốc Tây Ban Nha) đã úp mở tỏ ra rằng bà không phải là quá thích vai trò làm nhân vật thứ hai dưới chướng Tổng thống Trump.
Liên quan tới chiến lược trong vận động tranh cử của bà Hillary Clinton, tỉ phú Trump tin rằng, gót chân Asin của nó là những gì liên quan tới thương mại thế giới. Ông tuyên bố là đang có kế hoạch xem xét các cơ chế quan hệ thương mại với Trung Quốc và các nước khác. Hai nhà báo Veit Medick và Roland Nellls nhận xét: “Không ai tin rằng Trump sẽ từ chối giọng điệu dùi đục chấm mắm cáy trong cuộc chiến cuối cùng với bà Hillary Clinton. Chắc chắn ông sẽ diễn giải bà cựu ngoại trưởng như một phần của giới thượng lưu ngập sâu vào tham nhũng ở Washington. Ngoài ra, ông có thể sẽ xử dụng thêm những ngón đòn hiểm như các vụ tai tiếng tình dục của phu quân ứng cử viên Dân chủ, cựu tổng thống Bill Clinton…”
Trên tạp chí Le Fiagaro, nhà báo Philipe Gelie đã cho biết, tạp chí Economist đã phê phán và xếp chủ nghĩa biệt lập thương mại của Trump vào vị trí thứ 6 trong nấc thang các mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu. Các chính phủ ở nhiều nước vẫn chưa tin hẳn nhưng đang lo sợ những hệ lụy có thể xảy ra nếu một tỉ phú ngông cuồng như Trump lọt vào trong Nhà Trắng.
Ngày 4-5 vừa qua, Donald Trump trong một nỗ lực đưa hình ảnh của mình tới gần hơn với cách hình dung chung về một Tổng thống, đã đưa ra các câu trả lời trước một số câu hỏi trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại. Trump nhấn mạnh rằng ông tin thế giới được tổ chức phù hợp với nguyên tắc nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết” (America First). Thực ra nói thế là hơi bị hớ vì đó chính là câu khẩu hiệu được đưa ra năm 1941 của phong trào bài Do Thái và ủng hộ chủ nghĩa biệt lập, lực lượng ủng hộ hòa giải với Hitler. Nhà báo Jelie nhận xét, “sự cố này có thể giải thích bởi sự thiếu kinh nghiệm của Trump. Ông ấy mới chỉ bắt đầu thu hút các chuyên gia tới với mình vì cho đến gần đây, Trump vẫn đơn thương độc mã hành sự và tự mình làm cố vấn cho riêng mình…
Ở thời điểm hiện tại, mục tiêu và phương pháp của Trump vẫn là những câu chuyện chưa rõ ràng. Cùng một lúc ông muốn rời xa cả chủ nghĩa can thiệp quốc tế của George W. Bush lẫn phép hành xử tương đối mềm mỏng của đương kim Tổng thống Barack Obama. Ông lớn tiếng tuyên bố: “Hãy tin đi, tôi là người duy nhất có thể thiết lập lại trật tự cho thế giới…” Không rõ những lời này có đủ sức mạnh trấn tĩnh đến đâu đối với những người đang lo sợ vì việc một tài phiệt bất động sản có thể đứng lên vị trí lãnh đạo siêu cường có quân đội hùng hậu nhất thế giới với một kho tàng vũ khí hạt nhận cũng vào loại “khủng” nhất năm châu? Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã phản ứng lại lời tuyên bố của Trump, và nói thêm rằng, không có vị Tổng thống Mỹ nào có thể bỏ qua những thực tế mới trên trường quốc tế và khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” sẽ không giúp đưa ra các câu trả lời cho tất cả mọi câu hỏi.
Bản thân cá tính của Trump cũng đang làm nhiều người dị ứng. Ông Peter Mandelson, cựu Bộ trưởng Anh dưới thời Thủ tướng Tony Blair và Thủ tướng Gordon Brown nhận xét về Trump: “Ông ấy không ngốc nghếch, nhưng lại tràn đầy sự khinh rẻ và hoàn toàn vô lương tâm.” Người ta không thể hình dung điều gì sẽ diễn ra với “tuần trăng mật” của một Tổng thống Mỹ như Trump sau cuộc gặp gỡ trực tiếp với một chính trị gia cũng đầy tự tôn như Tổng thống Nga Vladimir Putin? Trump trong những bài diễn thuyết vận động tranh cử cũng đã kịp ném đá Bắc Kinh sau khi ông nói, người Hoa chỉ hiểu được ngôn ngữ của vũ lực. Và có lẽ ông cũng khó xoa dịu được nhà vua của Arab Saudi, người mà ông gọi là “cụ ngố”…