Tới thời điểm này, Saudi Arabia và Nga- hai quốc gia được cho là khơi mào cuộc chiến giá dầu, đã đồng ý cắt giảm sản lượng để kéo giá dầu đang rớt thê thảm lên cao với điều kiện Mỹ và các nước khác cũng phải nhập cuộc. Đây được coi là động thái tích cực, làm lóe lên hy vọng khi mà giá dầu đã “phá đáy”.
Một biếm họa trên báo Mỹ cho thấy giá dầu đang rơi tự do, khi mà chiếc dù quá nhỏ bé so với sức nặng của thùng dầu.
Theo CNN Mỹ, thỏa thuận đạt được sau một cuộc họp trực tuyến căng thẳng giữa Nga và các thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tối 9/4. Nhóm này được gọi chung là OPEC+. Theo đó, biết thỏa thuận này sẽ mở đường cho việc giá dầu tăng trở lại. Nga, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất ngoài OPEC và Saudi Arabia - quốc gia dẫn dắt OPEC, đồng ý cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 5 và tháng 6 tới.
Tiếp đó, từ tháng 7 tới tháng 12/2020, mức cắt giảm sẽ còn 8 triệu thùng/ngày và từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022 là 6 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Iran, Libya và Venezuela sẽ được miễn cắt giảm sản lượng do lệnh trừng phạt hoặc các khó khăn nội tại.
Với “thông tin tốt lành” này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với hai người đồng cấp Nga và Saudi Arabia đồng thời mô tả bầu không khí trong suốt buổi nói chuyện là “rất tốt”. Ông Trump lập luận việc cắt giảm là cần thiết bởi “dầu thô đã thừa mứa tới mức không ai biết nên dùng vào việc gì và các kho dự trữ đều đã đầy”.
Trong cuộc chiến dầu mỏ này, Mỹ- quốc gia sản xuất dầu đá phiến lớn nhất thế giới - cũng đã được kêu gọi tham gia các nỗ lực cắt giảm của OPEC+. Ông Trump khẳng định các công ty Mỹ đã cắt giảm sản lượng dầu đá phiến chứ không phải là không.
Cuộc chiến dầu mỏ đã được cho là “khởi động” từ đầu năm 2020, chủ yếu là giữa Nga và OPEC+, trong đó có liên quan trực tiếp tới Mỹ với lượng dầu đá phiến khổng lồ. Tới hồi đầu tháng 3, “cầm lòng không đặng”, Saudi Arabia đã thay đổi thái độ và chấm dứt 4 năm “mặn nồng” với Nga, sau hàng loạt thất bại trong việc thuyết phục Nga cắt giảm sản lượng dầu thô để đẩy giá dầu lên cao. Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman (MbS) - người cai trị vương quốc trên thực tế - đã bật đèn xanh cho phép Tập đoàn Aramco tăng mức sản xuất dầu thô lên 13 triệu thùng/ngày, tức mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Để cạnh tranh với Nga, Saudi Arabia cũng đề nghị mức chiết khấu hấp dẫn cho các khách hàng và tất nhiên là cạnh tranh hơn so với mức của Nga- theo báo The Guardian. Lo sợ bị mất thị phần vào tay đối thủ, Nga quyết định không giảm thị phần nhưng theo các chuyên gia, các công ty dầu đá phiến của Mỹ đang ngập trong nợ mới là người bị ảnh hưởng nhiều nhất sau cuộc chiến lần này.
Cho tới ngày cuối cùng của tháng 3 năm nay, giá dầu thô Mỹ rớt xuống dưới 20 USD/thùng, thấp nhất trong vòng 18 năm. Theo tờ Financial Times, giá dầu lao dốc liên tục chủ yếu do nhà đầu tư nhận định sản lượng khai thác sẽ giảm mạnh do đại dịch Covid-19, khiến nhu cầu sử dụng bị đóng băng.
“Đây là cú lao dốc lịch sử của giá dầu, và chưa dừng lại... Cú sốc đối với dầu đá phiến sẽ rất nặng nề, chúng ta sẽ chứng kiến sản lượng khai thác giảm nhanh”- ông Jason Bordoff, cựu Cố vấn năng lượng dưới thời Tổng thống Mỹ Obama, nhận định.
Vì thế, chính Mỹ lại là quốc gia nôn nóng nhất trong việc mong các đại gia dầu mỏ sớm tìm được tiếng nói chung. Ông Trump từng nói sẵn sàng làm trung gian hoặc có cách nào đó can thiệp vào “cuộc chiến giá dầu” giữa Nga và Saudi Arabia khi cần. Một nhóm 6 Thượng nghị sĩ Mỹ đã viết thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo, nói rằng Saudi Arabia và Nga “đã bắt đầu chiến tranh kinh tế chống lại nước Mỹ” và đã đe dọa “sự thống trị năng lượng” của Mỹ.
Trong khi đó, người đứng đầu Quỹ đầu tư quốc gia Nga Kirill Dmitriev cho rằng chỉ OPEC và Nga thôi thì không đủ, cần thêm sự hợp tác của các nhà sản xuất khác - một cách gián tiếp nhắc tới Mỹ, nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới nhưng không tham gia việc cắt giảm sản lượng.
Trong phát biểu mới đây tại một diễn đàn ở Nga, Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin dự đoán thị trường dầu mỏ có thể cân bằng trở lại trong ít nhất một năm.
Tuy nhiên, với thỏa thuận mới đạt được giữa Nga và OPEC+, cùng với “thái độ thiện chí” từ phía Mỹ, hy vọng cũng đã lóe lên trong cuộc chiến giá dầu.