Thái Nguyên có hơn 50 dân tộc thiểu số với trên 384 nghìn người, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, 7 dân tộc thiểu số đông dân nhất là: Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa.
Dự án 7 "Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 1 (2021 - 2025) được Thái Nguyên tích cực triển khai.
Dự án 7 được triển khai những gì?
Việc triển khai Dự án 7, trong đó tập trung cho các hoạt động nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bào DTTS và MN là hoạt động rất thuận lợi để nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bào DTTS và MN. Việc người dân nâng cao nhận thức, có kiến thức đầy đủ về dân số, sẽ thực hiện hoặc tham gia các dịch vụ về nâng cao chất lượng dân số, sẽ chủ động tìm hiểu các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình và thế hệ tương lai. Đó là những điều kiện hết sức thuận lợi trong triển khai chương trình dân số tại vùng đồng bào dân DTTS và MN hiện nay và thời gian tới.
Trong giai đoạn 1 (2021 - 2025), Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 có 25% nam, nữ tại các địa bàn vùng dân tộc thiểu số khám sức khỏe tiền hôn nhân; 20% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 30% trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh 5 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất.
Ngoài ra, Thái Nguyên phấn đấu, ít nhất 35% người cao tuổi thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; mỗi năm có 60% người sử dụng dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Việc thực hiện Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chính sách rất thiết thực, có ý nghĩa với đồng bào dân tộc thiểu số cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Trong nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6, khóa XII của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Nội dung xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nêu trong Dự án 7 có nhiều lĩnh vực, trong đó có đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho Trung tâm y tế huyện; đào tạo nhân lực y tế cho các huyện nghèo và cận nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về trạm y tế xã; đây cũng là một trong những chính sách góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số, vùng đồng bào khó khăn.
Dự án 7 quan trọng như thế nào?
Một trong những nội dung của Dự án 7 là nâng cao năng lực quản lý dân số ở cơ sở, tỉnh đã xác định đội ngũ dân số ở cơ sở hết sức quan trọng, đặc biệt là đội ngũ công tác viên dân số thôn bản, đây chính là lực lượng, những cánh tay nối dài của ngành từ tuyến cơ sở, họ chính là người truyền tải các thông tin, các chính sách, cũng như vận động người dân thực hiện chính sách dân số.
Thông qua các hoạt động về đào tạo, về tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tỉnh Thái Nguyên rất chú trọng trong công tác đào tạo cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở và đối với Trung tâm y tế cấp huyện cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ dân số ở cơ sở cho cộng tác viên dân số thôn, bản. Trong đó, hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang chú trọng đến vấn đề nâng cao chất lượng dân số, làm thế nào để người dân thay đổi nhận thức theo chiều hướng tích cực về những vấn đề thực hiện các dịch vụ để nâng cao chất lượng dân số.
Để nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và MN góp phần vào thực hiện các mục tiêu của Dự án 7, Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế Thái Nguyên sẽ thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện các nội dung về chất lượng dân số. Hiện nay hàng loạt hoạt động về công tác truyền thông, công tác giáo dục tuyên truyền, vấn đề truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình đang được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh.
Cùng với đó là việc tiếp tục tăng cường công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương. Mỗi địa phương có một đặc thù riêng, do đó các địa phương cần chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để phù hợp với địa bàn của mình. Bên cạnh đó cần tăng cường phối hợp liên ngành, tăng cường kiểm tra giám sát; kịp thời tháo gỡ nút thắt từ cơ sở để triển khai công tác này hiệu quả hơn.