Một nông dân ở Nam Định kể rằng, trong cơn bão số 7 vừa qua, chị cũng như nhiều nông dân khác ở địa phương như “ngồi trên đống lửa” khi liên tục được cảnh báo bão sẽ vào quê chị, mà lại vào đúng lúc lúa mùa sắp đến kỳ thu hoạch. “Xanh nhà hơn già đồng”, nghĩ vậy chị cũng như nhiều bà con khác hối hả đi thuê máy gặt.
Tình trạng ruộng đất manh mún đã và đang khiến nông dân ở nhiều nơi
không thể đoạn tuyệt với phương thức sản xuất nhỏ lẻ.
Khổ nỗi, ruộng đất quê chị manh mún, mỗi nhà chỉ vài sào nhưng nằm rải rác ở mấy nơi, thành thử trong làng trong xã chẳng có ai đầu tư mua máy gặt làm dịch vụ, phải chờ người ở nơi khác mang máy đến. Lúc “nước sôi lửa bỏng” mà lại phải chờ, quá sốt ruột, vợ chồng con cái chị đành phải gặt bằng tay, gặt thông đến đêm mới mới kịp chạy bão…
Câu chuyện trên chỉ là một trong nhiều ví dụ về sự bất cập của tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún-“đặc trưng” của nền nông nghiệp (NN) nước ta hiện nay, mà rõ nhất là ở hai khu vực miền Bắc và miền Trung.
Thực tế cho thấy, tình trạng ruộng đất manh mún đã và đang khiến nông dân ở nhiều nơi không thể đoạn tuyệt với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, từ đó không thể nâng cao hơn được năng suất, cũng không thể sản xuất ra được những sản phẩm có số lượng lớn, chất lượng cao theo yêu cầu của thị trường. Vất vả nhưng thu nhập thấp, bấp bênh, ở nhiều nơi đã có tình trạng nông dân chán ruộng, bỏ đồng.
Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh hiện nay, nền NN nước nhà mà đại diện là 11 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ được ví như những chiến binh nhỏ bé, đơn lẻ nhưng phải “đương đầu” với những binh đoàn, sư đoàn hùng mạnh đến từ những quốc gia có nền NN phát triển ở những thang bậc cao hơn hẳn.
Chính vì vậy, trong nhiều yêu cầu đặt ra đối với ngành NN nước ta hiện nay, thực hiện tích tụ ruộng đất, mở đường cho phương thức sản xuất tập trung, hiện đại, có tính liên kết, với sự tham gia hiệu quả, tích cực của các DN, các HTX nông nghiệp kiểu mới được xem là giải pháp cơ bản. Ngày 20/10 vừa qua, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu rõ, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu NN gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.
Có chính sách phù hợp để khuyến khích tích tụ ruộng đất gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Thực hiện hiệu quả quy hoạch các khu, vùng NN ứng dụng công nghệ cao. Thu hút mạnh DN đầu tư vào NN, nông thôn; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Nhìn vào bức tranh ”tam nông” nước ta hiện nay thì thấy đang có những điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất. Rõ nhất là có khá nhiều lao động ở khu vực nông nghiệp chuyển sang lao động, làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Trên thực tế ruộng đất không còn là nhu cầu thiết yếu của một bộ phận nông dân hiện nay. Về lý thuyết, đây là điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất, mở đường cho các mô hình, dự án sản xuất NN tập trung, hiện đại, quy mô lớn. Tuy nhiên, những ai hiểu đời sống tam nông lại thấy chuyện không đơn giản như vậy.
Như đã biết, ruộng đất, dù ở thời kỳ nào cũng luôn gắn bó máu thịt với người nông dân. ”Cùng đinh”, không một tấc đất cắm dùi từng là nỗi thống khổ của nhiều thế hệ nông dân Việt Nam trước cách mạng Tháng Tám. Vậy nên, ngày nay, dù nhiều người không còn gắn bó với ruộng đất, chuyển đổi, sinh sống bằng nhiều công việc, ngành nghề khác nhưng vẫn có tâm lý phải giữ cho bằng được ruộng đất, với suy nghĩ nếu gặp thất bại, rủi ro vẫn còn ”đường lùi” về quê làm ruộng...
Chính vì vậy, sau chủ trương, định hướng rất cần những chính sách cụ thể, hơn thế phải là những chính sách có tính động lực, giúp đông đảo nông dân tin tưởng rằng tích tụ ruộng đất là con đường phát triển của NN. Theo nhiều chuyên gia, để thực hiện được mong muốn này, quan trọng và trước hết phải giải quyết được vấn đề đầu ra của số lao động khu vực NN khi họ rời bỏ khu vực này. Thực tế cho thấy phần nhiều mới chỉ chuyển sang khu vực lao động không chính thức (lái tắc-xi, chạy xe ôm, giúp việc nhà, bán hàng rong...), thiếu tính ổn định về việc làm, thu nhập. Chỉ khi nào gia nhập được vào khu vực lao động chính thức (có hợp đồng lao động, được trả lương, đóng các loại bảo hiểm) họ mới yên tâm, có nhu cầu cho thuê, sang nhượng hay góp vốn, cổ phần bằng ruộng đất...
Mặt khác đã đến lúc Nhà nước phải tạo điều kiện, thúc đẩy thị trường về ruộng đất vận hành. Cụ thể là cho phép, tạo điều kiện, khuyến khích những người làm ăn giỏi được mua ruộng đất; khuyến khích, tạo điều kiện cho những DN có điều kiện, khả năng thuê được ruộng đất với điều kiện sau đó đất đai chỉ được sử dụng cho mục đích sản xuất NN. Các DN cũng cần kêu gọi nông dân góp vốn, góp cổ phần bằng ruộng đất; tạo điều kiện để những người có đủ điều kiện, khả năng được vào làm việc tại các dự án NN, được trả lương và được đóng các loại bảo hiểm. Cũng cần phải nói thêm, ở nước ta thực trạng tam nông của mỗi vùng miền có những đặc điểm khác nhau, về cả thói quen lẫn tư duy, tâm lý, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khác với khu vực Đồng bằng sông Hồng, khác với vùng Tây Nguyên. Chính vì vậy, chính sách tích tụ ruộng đất cần được thực hiện có lộ trình, mức độ, quy mô phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi vùng miền...
Sự cần thiết phải tích tụ ruộng đất thì đã rõ nhưng cảnh báo việc lợi dụng chính sách này để trục lợi cũng không thừa. Không ít ý kiến đã thể hiện sự lo lắng, cho rằng nếu chính sách được thiết kế không chặt chẽ sẽ dẫn tới việc hình thành một tầng lớp địa chủ mới, đẩy nhiều nông dân lâm cảnh bần cùng khi họ không còn tư liệu sản xuất là ruộng đất, rất dễ trở thành những ”anh Pha”, ”chị Dậu”. Cũng không dễ tin tình trạng đầu cơ đất NN, chờ cơ hội chuyển đổi sang mục đích công nghiệp để trục lợi không xảy ra. Khi đó, việc tích tụ ruộng đất không còn mang những ý nghĩa tốt đẹp ban đầu...
Cuối cùng, quá trình tích tụ ruộng đất không thể thiếu vai trò của chính quyền các địa phương. Xin nêu một ví dụ, ở tỉnh Hà Nam hiện đã quy hoạch được gần 964 ha ruộng đất để xây dựng thành các vùng sản xuất NN công nghệ cao. Thông qua hình thức nông dân cho một số DN, có cả DN đến từ Nhật Bản thuê để đầu tư sản xuất, việc tích tụ ruộng đất ở địa phương này đã diễn ra. Những nông dân cho thuê đất có đủ điều kiện, nhu cầu được DN tuyển dụng làm công nhân NN. Bước đầu mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả tích cực cho các bên tham gia liên kết.
Đáng nói là, đây không phải là kết quả từ những hoạt động tự phát mà là “sản phẩm” của đề án về tích tụ ruộng đất, được chỉ đạo thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Quá trình thực hiện, đại diện chính quyền các cấp trong tỉnh, trong đó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đối thoại với nông dân vùng dự án để trao đổi,giải đáp những kiến nghị, thắc mắc của nông dân. Chính cam kết, khẳng định của chính quyền về việc tỉnh không ép mà chỉ khuyến khích người dân tự nguyện tích tụ ruộng đất, liên kết làm ăn với DN đã giúp nông dân tin tưởng, hưởng ứng chủ trương này...