Thông tin trên được ông Trần Thế Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần TIE (TIE) cho biết tại buổi Lễ trao tặng 28 suất học bổng tiếp sức đến trường cho toàn bộ học sinh lớp 10 đầu tiên của phân hiệu Trường THPT Cần Thạnh, học tại Trường THCS Thạnh An, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, được tổ chức ngày 31/8.
Ông Trần Thế Vinh, Chủ tịch HĐQT TIE trao học bổng
cho học sinh lớp 10 đầu tiên tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Theo đó, mỗi suất học bổng trị giá 1 triệu đồng, các năm tiếp theo, tùy theo tình hình, công ty sẽ tiếp tục tài trợ. Cùng ngày, TIE đã trao tặng tiếp 6.650 quyển vở cho 5 trường tiểu học: Thạnh An, Cần Thạnh, Đồng Hòa, Hòa Hiệp và Long Thạnh. Trước đó, vào ngày 16/8, TIE đã trao 25.000 quyển vở cho gần 2.500 học sinh tiểu học toàn huyện. Bên cạnh đó, ba trường tiểu học có khó khăn về cơ sở vật chất cũng được TIE tài trợ 300 triệu đồng tiền mặt.
Ông Trần Thế Vinh nhấn mạnh, với thông điệp “hợp tác – chia sẻ - phát triển”, hơn 26 năm hình thành và phát triển, TIE nhận thức và xem việc đóng góp cho xã hội là một phần trách nhiệm của doanh nghiệp. Trong năm 2016, chúng tôi dành khoảng 4 tỷ đồng tiền lợi nhuận để tài trợ cho các chương trình học bổng, tặng tập vở cho học sinh nghèo trên cả nước, số tập vở này cũng là một trong những sản phẩm chính của công ty chúng tôi sản xuẩt.
Lớp 10 đầu tiên tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ,TP HCM.
“Chương trình “Đồng hành tiếp sức đến trường” của Công ty TIE đến với các học sinh nghèo của huyện Cần Giờ, có ý nghĩa hết sức thiết thực. Chương trình này đã góp phần chăm lo cho các em học sinh nghèo, học sinh khó khăn của huyện, để các em có điều kiện học tập được tốt hơn. Mong rằng trong thời gian tới, ngành giáo dục huyện Cần Giờ sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía TIE, cũng như các tập thể cá nhân tiếp tục đồng hành chương trình tiếp sức đến trường”- ông Dương Văn Thư, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giờ nhấn mạnh.
Xã đảo Thạnh An nằm hoàn toàn tách biệt với huyện Cần Giờ, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 100 km về phía Đông và cũng là xã đảo duy nhất của thành phố. Do cách trở về mặt địa lý nên cuộc sống người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Người dân xã đảo nghèo này vẫn phải sống dựa hoàn toàn vào nghề đánh bắt hải sản, làm muối.