Tiếc thương nhạc sĩ An Thuyên

Trần Hường 05/07/2015 09:39

Không thể ngờ nhạc sĩ An Thuyên đã rời xa chúng ta. Nhạc sĩ của những bài hát giàu âm hưởng dân ca, của những tác phẩm sống động trong lòng công chúng và được giới chuyên nghiệp nể trọng đã không còn nữa, chỉ sau một cơn đau tim. Sự ra đi của ông đã để lại một khoảng trống lớn trong gia đình riêng, trong cộng đồng yêu nhạc và trong lòng bè bạn.

Tiếc thương nhạc sĩ An Thuyên

Nhạc sĩ An Thuyên

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Mới đấy thôi, ông còn nói với chúng tôi về những dự định đầy nhân bản của mình trong hoạt động của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp mà ông là Chủ tịch. Hiệp hội của ông đặt ở số 117 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội. Nhạc sĩ Phó Đức Phương là một người rất khó khen vậy mà khi đến thăm trụ sở này của An Thuyên, đã nói rằng, “quả là có “gu” thẩm mỹ”. An Thuyên là thế, không chỉ âm nhạc, từ ăn mặc đến giao tiếp ông luôn giữ phong cách của người hào hoa, phong nhã, nhưng lại duyên dáng dễ gần, cởi mở.

Tuy đã nghỉ hưu ở Trường Nghệ thuật quân đội nhưng hầu như ông không nghỉ ngày nào, từ ngày Hiệp hội hoạt động, ông tâm đắc với câu: “Nền kinh tế mạnh là tổng hợp được sức mạnh doanh nghiệp và doanh nhan có văn hóa”. Ông đề xuất ý tưởng phát động phong trào “Doanh nghiệp văn hóa” với nội dung “3 không, 3 có”: Không buôn lậu, không trốn thuế, không hàng giả hàng nhái; Có trách nhiệm với người lao động, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, có lòng tự tôn dân tộc.

Ông tâm đắc với việc phát triển văn hóa cộng đồng, mở định kỳ các lớp sáng tác nghệ thuật. Không thể ngờ được, một người có bề dày sáng tạo, có một danh mục tác phẩm được yêu thích rất lớn trong lòng công chúng lại dành tâm huyết cho những hoạt động xã hội như An Thuyên, một hoạt động mất nhiều công sức, và tâm huyết.

Khi nghe tin ông mất, tôi mở máy, nghe “Ca dao em và tôi”, thấy hình ảnh An Thuyên ở đó. Tác giả như đầy cảm thông với mối tình tuyệt vọng của chàng Trương với nàng Mỵ Nương thuở nào. Nghe tiếp đến 2 ca khúc mà ông viết khi mới ngoài 20 tuổi: “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”. Nhớ ra rằng, có lần ông bảo, đó là những cảm xúc mãnh liệt và trong trẻo nhất trong cuộc đời âm nhạc của ông. Đây là những ca khúc khiến ông bồi hồi khi nhớ về thuở ban đầu đáng yêu nhất, nó sống động nhất trong cuộc đời sáng tạo của ông. Cũng như những người yêu nhạc, những cảm xúc khi nghe: “Huế thương”, “Mẹ Việt Nam Anh hùng” lại ùa về trong tâm trí, làm gương mặt hiền hậu của An Thuyên hiện ra trước mắt tôi.

Tôi cũng nhớ đến 20 năm ông làm Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (VHNTQĐ), gắn bó và cống hiến, An Thuyên đã góp phần trong việc đưa các ca sĩ “bỡ ngỡ thuở ban đầu” lên thành “sao”, đưa VHNTQĐ thành một địa chỉ đào tạo có uy tín trong ngành âm nhạc. Hào hoa, đẹp tướng, nhiều bài hát hay An Thuyên không chỉ được công chúng mến mộ mà nhiều người yêu quý, tin tưởng đến mức sẵn lòng đi theo ông trong nhiều kế hoạch hoạt động xã hội mà ông đặt ra, trong đó có lẽ có không ít những “chân dài” trẻ trung xinh đẹp luôn nhìn thày với đôi mắt… diễm tình. Nhưng, với An Thuyên, gia đình là tất cả. Gia đình ông, vợ và con cái đều làm nghệ thuật, đều là những người ghi dấu trong lòng công chúng. Ông bảo, cứ về với gia đình là thấy ở đó tâm tình của quê hương, núi sông xứ Nghệ.

Làm việc không biết mệt mỏi. Tận tình với bạn bè, với đồng nghiệp, với những gì mà ông tâm đắc. Những ngày nắng nóng, tuy đã từng được bác sĩ nhắc nhở về sức khỏe, nhưng bản tính ham công tiếc việc, ông vẫn đến cơ quan, rồi thấy choáng mệt. Căn bệnh nhồi máu cơ tim đã khiến ông choáng váng, ông gọi con gái, ca sĩ Bông Mai, và nhập viện (Bệnh viện Quân đội 108, Hà Nội) vào ngày 3-7. Ai ngờ, chiều đó là chiều cuối cùng ông nhìn thấy Hà Nội và từ giã chúng ta.

Nhạc sĩ An Thuyên sinh ngày 15-8-1949 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ dân gian, sáng tác đầu tay từ năm 14 tuổi với bài “Nối gót anh hùng”. Mang cấp bậc Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành khóa V, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VI, Phó Chủ tịch thường trực, Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VII, nhưng ít ai thấy ông trong cái vẻ “xênh sang áo mũ”. Giản dị trong cuộc sống, nhưng không dễ dãi trong sang tác, rất chú trọng đến sự nghiệp đào tạo và có tâm nâng đỡ những người trẻ nên An Thuyên được nhiều người yêu quý.

Ông từng công tác ở Ty Văn hóa Nghệ An khi 18 tuổi, rồi vào bộ đội. Năm 28 tuổi là nhạc công ở Đoàn Văn công Quân khu 4. Ngoài 30 tuổi ông được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội, môn Sáng tác âm nhạc bậc Đại học. Sau khi tốt nghiệp, ông về Phòng Văn nghệ quân đội rồi làm Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho đến khi nghỉ hưu.

Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ An Thuyên đạt nhiều giải thưởng ở thể loại ca khúc, như giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc; Giải thưởng Bộ Quốc phòng; Giải Nhất của Bộ VH-TT và Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Các giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam với những bài còn ít người được nghe như: Chín bậc tình yêu (1992, giải Nhì), Bài ca người tình báo (2000, giải Nhất), Đi tìm bóng núi (2004, giải Nhất), Phật bà nghìn mắt nghìn tay (giải Nhì 2004), hợp xướng Chào Việt Nam thênh thang mùa Xuân (2004, giải Nhì). Năm 2007, nhạc sĩ An Thuyên được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Không chỉ viết ca khúc An Thuyên cũng thành công trong khí nhạc với bản Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng, cùng các thể loại như khí nhạc khác cho nhạc phim, nhạc múa và viết nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếc thương nhạc sĩ An Thuyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO