Có đèn lồng trang hoàng lung linh trên sóng nước. Có những bụi mưa nhè nhẹ bay cho không gian thêm lắng dịu. Có những thanh âm ngân nga từ các nhạc cụ của dân tộc. Những phần ngâm thơ lôi cuốn, gợi nhớ về hình ảnh đời sống nho sĩ thời xưa. Và hương trầm phảng phất . Và trà…
Đó là không gian ấn tượng tại chương trình “Tiệc trà đêm trăng” vừa diễn ra tại khu vực Hồ Văn của Văn miếu Quốc Tử Giám vào tối 2/4/2023. Sự kiện này nằm trong mục tiêu "Vun đắp hệ giá trị quốc gia, văn hóa gia đình Việt Nam” thông qua dự án hồi sinh di sản Hồ Văn bằng các hoạt động giáo dục di sản, gắn kết với gia đình, cộng đồng.
Chương trình có sự tham gia của nhiều nhà văn hóa, nghệ nhân trà, các doanh nhân, nghệ sĩ, đơn vị lữ hành và đại diện các dòng họ. Nhiều câu chuyện về trà cùng văn hóa Việt đã được chia sẻ, kết nối, tạo nên một không khí ngày hội được ví không kém phần long trọng như thời kinh thành Thăng Long xưa.
Có mặt tại chương trình, Nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ: Thăng Long xưa thường xuyên có những đêm hội như thế này: Đèn hoa đăng, cờ quạt, gió xuân, và những gương mặt văn nhân tài tử.“Chỗ này là Hồ Văn, bên kia Văn Miếu, xa hơn nữa là làng Văn Chương… Những chữ Văn như thế vượt lên trên của những bài thơ, những tác phẩm văn học. Nó thăng hoa, tỏa sáng, vươn tới chỗ văn hiến – văn hóa – văn minh. Và thế là một bản sắc, bản lĩnh của Thăng Long xưa truyền lưu cho tới bây giờ để hôm nay lại được tái hiện, phục hiện lộng lẫy huy hoàng – có phần còn hơn cả xưa” – Ông Lan nhận định.
Còn ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội gợi mở: “Tiến tới không chỉ có trà, mà nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác nữa để chúng ta trình diễn và hấp dẫn du khách”
Theo Ban tổ chức thì chuỗi sự kiện hoạt động nhằm hồi sinh di sản Hồ Văn mong muốn trở thành một sản phẩm văn hóa, điểm đến dành cho người dân Hà Nội, du khách trong nước, quốc tế, mang đến một trải nghiệm mới: Hồ Văn – một không gian văn hóa sáng tạo mới trong lòng Thủ đô.