Xét nghiệm nhanh là một biện pháp rất hữu hiệu để sàng lọc người có virus HIV để chuyển họ sang diện phải được quản lý và điều trị, từ đó có thể đẩy nhanh tiến độ tiệm cận đến mục tiêu 90% số người dân biết được tình trạng lây nhiễm HIV.
Tư vấn cho người có H tại Trạm y tế xã Chiềng Sơn,
huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Trần Ngọc Kha).
Theo BS Cao Kim Thoa - Phó Trưởng Phòng truyền thông, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đây là một việc rất dễ làm và không đòi hỏi phải có nhiều, nhân lực, kinh phí. Tuy nhiên, hiện trên cả nước mới có hơn 500 cơ sở y tế các cấp từ thôn bảo đến các Trung tâm Y tế huyện, tỉnh của 2 tỉnh là Thanh Hóa và Thái Nguyên triển khai.
Được hỏi về việc áp dụng phương thức nói trên tại địa bàn huyện nhà, BS Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho hay: “Biết đây là cách hữu hiệu để có thể sàng lọc, phát hiện tình trạng nhiễm HIV của người dân nhưng chúng tôi chưa nhận được chủ trương từ trên chứ không phải huyện không muốn triển khai”.
Trưởng trạm Y tế xã Chiềng Sơn Trần Thị Vân cho biết, mỗi khi tổ chức một đoàn xét nghiệm tình trạng HIV thường phải cùng các cán bộ y tế thôn bản gom cho được ít nhất 10 đối tượng có nguy cơ cao trên địa bàn rồi mời cán bộ có chuyên môn của Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu về đi cùng. Thường phải đợi từ 2-3 tháng mới có một đợt như vậy.
Kết quả là trong năm 2015, huyện Mộc Châu mới chỉ xét nghiệm được 1.434 trường hợp trong hơn 2.000 đối tượng nghiện chích ma tuý, phát hiện được 55 trường hợp dương tính với virus HIV. Trong việc thực hiện mục tiêu này, hiện các huyện vẫn phải đem mẫu xét nghiệm lên Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS để kiểm định.
Do đường xa, nhiều khi 20 ngày sau mới có kết quả xét nghiệm nên nhiều lúc không chỉ bệnh nhân mà cán bộ y tế ở đây cũng nản. BS Nguyễn Quốc Tuấn cho hay, ông hy vọng tại đây sớm có một phòng khẳng định cấp 2 để khắc phục những khó khăn nói trên.
Mộc Châu là một trong những huyện miền núi có 12 huyện, thị trấn, được liệt vào diện có nhiều nguy cơ cao trong tiêm chích ma tuý do có đường biên giới Việt - Lào, người dân còn nghèo và nhận thức còn thấp. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cũng như biên chế cán bộ ở đây có phần eo hẹp, khoảng cách từ trung tâm đến các xã rất xa, có khi đến 60 km, lại là những nơi có nhiều người nhiễm HIV (ví dụ: 2 xã Quy Hướng người vãng lai sông nước gây mại dâm, ma tuý và Tân Hợp có khai thác quặng).
Ít nhiều ở đây người dân vẫn còn kỳ thị với các đối tượng nhiễm HIV. Một số người có H chưa nhận thức được lợi ích của việc điều trị thuốc ARV. Hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở đây chủ yếu vẫn chỉ là tăng cường truyền thông, phát thanh, đến từng nhà vận động, lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác... Trong số hơn 660 người có H còn sống, 11 tháng đầu năm 2015 ở đây mới huy động được 205 trường hợp dùng ARV.
Trong bối cảnh như vậy, BS Tuấn cho biết thêm, nhất định tới đây huyện sẽ phải triển khai phải phân cấp xuống xã, thậm chí xuống tận thôn, bản trong việc cấp thuốc và làm xét nghiệm lưu động. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có sự trợ giúp của tỉnh như tập huấn nghiệp vụ và bổ sung cán bộ cũng như tăng phần trợ cấp cho họ. Vấn đề là ở chỗ, tư duy nhận thức của cả hệ thống phải được đổi mới.