Trong những ngày vừa qua, nhiều trường hợp mắc bệnh bạch hầu được ghi nhận tại tỉnh Đắk Nông.
Cụ thể, có 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Đắk Sor (huyện Krông Nô); 8 trường hợp mắc tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng (huyện Đắk Glong), trong đó có 1 trường hợp tử vong tại xã Quảng Hòa. Được biết, khu vực này có tỷ lệ tiêm chủng thấp (48-52%), các trường hợp mắc chưa được tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu.
Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Bệnh bạch hầu rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Nếu không được điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho thận, hệ thần kinh trung ương và tim. Tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu là khoảng 3% trong tổng số ca mắc bạch hầu.
Cũng theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, ngay sau khi ghi nhận thông tin các trường hợp mắc, Cục Y tế dự phòng đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cử đội đáp ứng nhanh hỗ trợ địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Đến nay các ổ dịch đã ổn định, tại huyện Krông Nô đã qua 16 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới và tại huyện Đắk Glong đã qua 4 ngày không ghi nhận thêm trường hợp dương tính với bạch hầu.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh.
Nguy hiểm không kém bệnh bạch hầu, và cũng vào mùa cao điểm từ tháng 5 đến tháng 7 là căn bệnh viêm não Nhật Bản. TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TƯ cho biết, cha mẹ cần hết sức cảnh giác trước căn bệnh này, vì mùa hè là mùa cao điểm của viêm não Nhật Bản.
Tại nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển, viêm não do virus herpes chiếm hàng đầu. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây cũng nổi lên nhiều bệnh nhân viêm não do herpes, tuy nhiên số liệu phân tích và nghiên cứu cho thấy viêm não Nhật Bản vẫn đứng hàng đầu.
TS Nguyễn Văn Lâm cảnh báo, với di chứng nhẹ, sau đó trẻ có thể phục hồi nhưng với di chứng nặng, nếu trẻ có thể phục hồi thì cũng chỉ đạt được mức độ trẻ tự phục vụ sinh hoạt cá nhân.
Hiện nay, có khoảng 50-60% ca viêm não có thể xác định được căn nguyên, còn lại tới 40% không tìm ra nguyên nhân. Di chứng cao nhất hiện nay gặp là di chứng trong viêm não herpes và viêm não Nhật Bản. Tỷ lệ tử vong do viêm não là 5-7%. Với viêm não herpes, hiện đã có thuốc điều trị, nên nếu bệnh nhi đến sớm sẽ được điều trị tốt nhất, hạn chế tối đa di chứng. Với viêm não Nhật Bản, hiện chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu nhưng đã có vaccine phòng bệnh, vì thế cần cho trẻ đi tiêm chủng đúng và đủ thời gian. Điều đáng nói trong những năm gần đây ghi nhận bệnh ở một số trẻ lớn, tình trạng nặng. Qua khai thác, hầu hết trẻ đều chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Có trường hợp trẻ lớn tuổi đã tiêm 3 mũi nhưng chưa tiêm nhắc lại.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm, thường sau khi tiêm đủ ba mũi phòng viêm não Nhật Bản, trẻ phải tiêm nhắc lại 3-5 năm cho đến khi 15 tuổi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đã lớn lại bỏ qua mũi tiêm nhắc lại này.