Trong đợt tiêm chủng này, nhất là những ngày gần đây, một số người sau khi tiêm mũi 1 là vaccine AstraZeneca đã được tiêm mũi 2 là Pfizer.
Mặc dù Bộ Y tế đã cho phép tiêm phối hợp AstraZeneca cho mũi 1 và Pfizer cho mũi 2, nhưng nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn: Tiêm phối hợp 2 loại vaccine Covid-19 khác nhau có ảnh hưởng đến hiệu quả phòng dịch hay ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, một trong những vấn đề quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 chính là vaccine. Nếu tiêm sớm và đủ, tiến tới miễn dịch cộng đồng càng sớm chúng ta sẽ giải quyết vấn đề chống dịch nhanh hơn. Ông Hạnh khuyến cáo: Vaccine là quan trọng, là giải pháp căn cơ để phòng, chống dịch Covid-19. Cho nên khi có vaccine cần phải tiêm ngay, không nên lựa chọn, chờ đợi. Đồng thời không được nghĩ đã tiêm vaccine là an toàn tuyệt đối mà vẫn phải giữ mình, thực hiện nghiêm “5k”. Chỉ khi nào tất cả mọi người dân tự giác, cùng vào cuộc chống dịch thì mới chiến thắng được dịch bệnh.
Phối hợp vaccine trong quá trình tiêm chủng
Thực hiện chiến lược tiêm chủng của Chính phủ, từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận nhiều loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau như AstraZeneca, Pfizer, Moderna... Để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine từ các nguồn khác nhau, theo kinh nghiệm sử dụng vaccine của một số quốc gia, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế hướng dẫn những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vaccine đó.
Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vaccine do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine do AstraZeneca sản xuất nếu người được tiêm chủng đồng ý, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần. Bộ Y tế nêu rõ, không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca. Ngoài ra, những người đã tiêm vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Vậy tiêm kết hợp như vậy thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người tiêm.
Theo các chuyên gia y tế quốc tế, mặc dù kết hợp tiêm 2 loại vaccine xuất phát từ việc nguồn cung hiện nay còn thiếu, nhưng sự kết hợp các loại vaccine có công nghệ khác nhau có thể kích hoạt những khả năng khác nhau của hệ miễn dịch, từ đó bảo vệ cơ thể tốt hơn và tăng khả năng chống lại các biến thể. Hiện, Canada cho phép kết hợp giữa 2 mũi tiêm giữa vaccine Moderna và Pfizer. Hiện ở Thái Lan, mũi tiêm 1 là Sinovac, mũi 2 là AstraZeneca. Ở Anh cho phép trộn giữa AstraZeneca và Pfizer. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc trộn giữa 2 loại vaccine cũng cho kết quả tốt hơn hẳn bởi 2 loại vaccine này sử dụng cùng 1 loại nhận dạng giống nhau cho nên cơ thể vẫn có thể cảnh giác được.
Về vấn đề này, theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu chính thức nào chứng minh việc tiêm hai loại vaccine sẽ cho đáp ứng miễn dịch tốt hơn. Tuy nhiên, tiêm hai loại vaccine cũng không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêm hay hiệu quả phòng virus SARS-CoV-2.
Cùng với việc tiêm gộp 2 loại vaccine khác nhau, hiện không ít người lo lắng rằng họ đã được tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 từ lâu nhưng vẫn chưa có lịch tiêm mũi 2. Vậy việc tiêm mũi 2 không đúng khoảng cách, thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất liệu có ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của vaccine hay không?
Theo các chuyên gia y tế, về nguyên tắc khoảng cách giữa 2 liều vaccine nên được tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, do điều kiện dịch bệnh, việc cung cấp vaccine không được như ý muốn, do đó họ đã kéo dài khoảng cách 2 mũi tiêm. Thế nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu lực vaccine vẫn đạt kết quả tốt. Đặc biệt tại Anh, khi kéo dài khoảng cách tiêm giữa 2 liều lên 3 tháng của vaccine AstraZeneca và Pfizer thì đem lại kết quả bất ngờ. Với vaccine AstraZeneca, hiệu lực gia tăng lên 81% thay vì 55% tiêm đúng theo chỉ định.
4 mức dự báo nguy cơ
Trong một diễn biến khác, theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Bộ Y tế), dự báo nguy cơ theo 4 mức là: “Nguy cơ rất cao”, “nguy cơ cao”, “nguy cơ” và “bình thường mới” cho từng địa bàn, từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh, có tính tới các yếu tố khu vực liên xã, liên huyện, liên tỉnh để từ đó có giải pháp xét nghiệm, cách ly, phong tỏa, tiêm vaccine phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Việc dự báo nguy cơ theo 4 mức trên sẽ giúp bao vây thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”, bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu thấp nhất tử vong để sớm trở về trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, để việc dự báo nguy cơ theo 4 mức trên đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương. Bởi dự báo đúng với phòng chống tốt.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng: Việc dự báo 4 nguy cơ nhằm cụ thể hóa và chi tiết hơn Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ. Quy định chỉ ra các yếu tố dịch tễ cơ bản để xác định mức độ nguy cơ ban đầu, được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng các màu sắc gồm: Nguy cơ rất cao (vùng đỏ), nguy cơ cao (vùng cam), nguy cơ (vùng vàng) và mức độ bình thường mới (vùng xanh).
Theo ông Hạnh, dự báo nguy cơ tới từng địa bàn sẽ đi kèm với các giải pháp tương ứng liên quan đến bao nhiêu F0, tình hình F1 thế nào và khả năng đáp ứng phòng chống dịch. Việc phân loại theo mức độ sẽ giúp ích rất lớn cho khoanh vùng. Ví dụ tại nơi nguy cơ rất cao (vùng đỏ) thì việc xét nghiệm sẽ khác. Theo quy định của Bộ Y tế, nơi có F0, phong tỏa trong 14 ngày thì trong khu vực đó làm xét nghiệm liên tục để sàng lọc xét nghiệm đủ 3 lần. Nhưng nếu nằm trong vùng đỏ thì tần suất xét nghiệm sẽ khác, cứ 3 đến 4 ngày phải xét nghiệm 1 lần và số lượng mẫu xét nghiệm cũng phải 100%. Còn nếu là vùng nguy cơ cao (vùng cam) thì tần số xét nghiệm cũng sẽ khác. Tương ứng với đó là vùng nguy cơ (vùng vàng) và mức độ bình thường mới (vùng xanh).
Hiện Việt Nam đang sử dụng 5 loại vaccine Covid-19. Hầu hết vaccine Covid-19 hiện nay đều tiêm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cụ thể như vaccine AstraZeneca, mũi 1 cách mũi 2 từ 8-12 tuần; Vaccine Sputnik-V, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần; Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNtech, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần; Vaccine Vero Cell mũi 1 cách mũi 2 từ 3- 4 tuần; Vaccine Moderna, mũi 1 cách mũi 2 khoảng 4 tuần.