Để trường học nhanh chóng được mở cửa trở lại, các địa phương đang chuẩn bị các điều kiện triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em.
Theo kế hoạch, từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc. Với tinh thần an toàn là trên hết, ngành y tế và ngành giáo dục phối hợp rà soát các quy định; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện tổ chức tiêm vaccine cho học sinh bảo đảm an toàn, khoa học.
Vận động sự đồng thuận của phụ huynh
Trẻ em tại huyện Củ Chi và Quận 1, TP Hồ Chí Minh đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong ngày 27/10. Đây là 2 địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành việc tiêm chủng vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi.
Theo đánh giá sơ bộ, công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra chặt chẽ từ khâu đảm bảo giãn cách phòng chống dịch đến tư vấn, tiếp nhận, khám sàng lọc, chích ngừa đến theo dõi sau tiêm. Hiện tại chưa ghi nhận trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Sau ngày đầu tiên diễn ra thuận lợi, TP Hồ Chí Minh sẽ đồng loạt triển khai tiêm vaccine cho trẻ em ở các quận, huyện từ hôm nay, 28/10.
Theo lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, Củ Chi là địa phương có tỷ lệ phụ huynh đồng thuận rất cao với trên 99% đồng ý chích ngừa cho trẻ. Với những địa phương có tỷ lệ đồng thuận chưa cao, thành phố vừa triển khai chích ngừa vừa tiếp tục tư vấn, vận động trên tinh thần vaccine là miễn phí và tự nguyện. Công tác tiêm chủng được thực hiện trên nguyên tắc, những điểm tiêm đã đảm bảo đầy đủ an toàn và có kế hoạch tiêm chu đáo, đảm bảo quy định thì mới cho tiêm với tinh thần khẩn trương nhưng không vội, phải an toàn cao.
Tại Quảng Ninh, dự kiến trong hai ngày 30-31/10, địa phương sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Việc tiêm chủng lần này được triển khai trên diện rộng, tiêm đồng loạt tại tất cả các địa phương theo khu vực trên địa bàn.
Đây là động thái tích cực nhằm thực hiện mục tiêu trong tháng 10, 11 là toàn tỉnh hoàn thành tiêm mũi hai cho người dân từ 18 tuổi trở lên và tổ chức tiêm chủng cho nhóm đối tượng trẻ em đảm bảo bao phủ miễn dịch cộng đồng cho tất cả nhóm đối tượng, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” và giữ vững “vùng xanh” an toàn.
Cụ thể, dự kiến, trên 95% trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn đủ điều kiện được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Việc tiêm chủng này đòi hỏi có sự đồng thuận, đồng ý của gia đình, người giám hộ cho trẻ em tham gia tiêm chủng.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Hiện cả nước có hơn 8 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi, với số lượng vaccine cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho hơn 95% trẻ em thuộc đối tượng này.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn. Bộ yêu cầu sở y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định của Bộ.
Nằm trong độ tuổi sẽ tiêm đợt này, em Hoàng Minh Châu, học sinh lớp 9, Trường THCS Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Chứng kiến những ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 vừa gây ra ở thành phố, em nghĩ tiêm vaccine là giải pháp tốt nhất lúc này. Tuy có lo lắng, nhưng qua tìm hiểu, em thấy học sinh ở nhiều nước cũng đã bắt đầu tiêm vaccine nên phần nào yên tâm hơn”.
Học sinh Hà Nội đang phải học trực tuyến từ đầu năm học tới nay, khiến công việc của không ít gia đình bị xáo trộn. Cũng như hầu hết các gia đình, chị Vũ Kim Chi (quận Hai Bà Trưng) mong con sớm được tiêm vaccine để được quay trở lại trường học trực tiếp.
Tuy nhiên, chị Chi băn khoăn: “Chúng tôi được tiếp cận quá ít thông tin về tác động của vaccine phòng Covid-19 đối với trẻ em; không biết việc tiêm phòng có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con trong tương lai hay không? Tôi rất mong cơ quan chuyên môn là Bộ Y tế có những thông tin rõ ràng hơn về việc này, để những phụ huynh như tôi có thể yên tâm cho con tiêm vaccine, từ đó việc học tập có thể nhanh chóng trở lại bình thường”.
Cũng như TP Hồ Chí Minh, theo chỉ đạo của Sở GDĐT Hà Nội, các đơn vị, trường học tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học tập khi điều kiện cho phép, chủ động phối hợp với cơ quan y tế địa phương để hoàn thành việc tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, có phương án chuẩn bị tổ chức tiêm vaccine cho học sinh trong độ tuổi khi có hướng dẫn và phân giao vaccine của cơ quan y tế. Thành phố hiện có gần 1 triệu trẻ từ 12-17 tuổi.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) cho biết, hiện trường chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tiêm vaccine cho học sinh. Theo cô Nhiếp, việc tiêm vaccine cho học sinh, về phân cấp trạm y tế thực hiện chức năng nhiệm vụ, còn nếu tiêm ở trường thầy cô có thể quản lý, biết chính xác hơn danh sách tiêm. Tuy nhiên việc này chỉ có ý nghĩa với lớp 11, 12, còn học sinh lớp 10 nhà trường vẫn chưa có điều kiện biết mặt do các em học trực tuyến ngay từ đầu năm học.
“Mới đây, nhà trường có khảo sát về tâm lý học sinh trong thời gian học trực tuyến, 54% số học sinh của trường cho biết các em cảm thấy chịu nhiều áp lực, căng thẳng. Giáo viên cũng đang phải căng mình, xoay xở các cách để dạy trực tuyến. Vì thế, nói mong muốn thôi có lẽ chưa thể hiện được hết khao khát được trở lại trường của cả thầy và trò”, cô Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, việc tiêm vaccine cho trẻ em là cấp thiết bởi trẻ là đối tượng dễ bị mắc bệnh.
Một yếu tố nữa xét về góc độ xã hội thì việc tiêm vaccine giúp trẻ duy trì các quan hệ tiếp xúc trực tiếp như trong trường học. Trẻ không thể ở nhà mãi, trẻ cần được đến trường và tham gia các hoạt động vui chơi, thể chất khác. Khi nghỉ học, học sinh không chỉ khiếm khuyết về kiến thức mà còn bị ảnh hưởng tới phát triển thể chất và tinh thần.
PGS,TS Trần Đắc Phu cũng gợi ý, khi trường học mở cửa trở lại từng trường học phải tuân thủ triệt để nguyên tắc: Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc giữa các lớp. Bởi nếu một em bị nhiễm bệnh thì ta chỉ cần cách ly, khoanh vùng lớp đó, lớp khác học bình thường.