Hiện nay, cùng với mục tiêu “phủ” vaccine mũi hai, ba cho người từ 18 tuổi trở lên, Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự lo ngại khi tiêm vaccine cho con em mình ở lứa tuổi này.
Băn khoăn về tác dụng phụ
Một số trường học tại Hà Nội đang trưng cầu ý kiến phụ huynh về việc tiêm vaccine cho trẻ lứa tuổi dưới 12. Chị Bích Hương (Thanh Nhàn, Hà Nội) có hai con, 5 tuổi và 9 tuổi cho biết chị lo về phản ứng phụ, khi từng xảy ra một số trường hợp phản ứng nặng sau tiêm ở lứa tuổi học sinh. Chị đã trao đổi với ông xã và điền không đồng ý tiêm chủng khi được nhà trường khảo sát ý kiến. Trong khi đó, chị Ngọc Hà (Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ, do con gái 7 tuổi có bệnh nền, thể trạng yếu, lại dị ứng thuốc hạ sốt, lo ngại con gặp phản ứng phụ nghiêm trọng sau tiêm nên chị đang băn khoăn chưa quyết định có cho con tiêm hay không.
Một số phụ huynh khác cho biết, đọc được nhiều thông tin trên mạng xã hội nói rằng “vaccine mới được nghiên cứu thử nghiệm, có những thành phần ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, nội tiết... của trẻ sau này” nên rất băn khoăn, thậm chí đã từ chối cho con tiêm. Một số người thì cho rằng khoa học đã công bố trẻ 5-11 tuổi hầu như không tử vong vì Covid-19 nên chưa cần tiêm vaccine.
Thực tế cho thấy, hầu hết các bậc phụ huynh khi được hỏi ý kiến đều đề nghị Bộ Y tế thông tin rõ ràng, cụ thể các bằng chứng khoa học về loại vaccine sẽ tiêm cho con mình, liều lượng và việc này đã diễn ra ở các nước như thế nào. Bộ Y tế cần thực hiện và công bố nghiên cứu khoa học rõ ràng để người dân hiểu lợi ích và ảnh hưởng của vaccine lên nhóm trẻ 5-11 tuổi, trước khi quyết định tiêm chủng... để phụ huynh tham khảo, từ đó sẽ quyết định có hay không tiêm cho trẻ.
Theo trích dẫn từ trang web của hệ thống y tế Mayo Clinic, Mỹ, vaccine Covid-19 an toàn ở trẻ 5-11 tuổi (kể cả người bị dị ứng), các phản ứng phụ tương tự vaccine thông thường khác, tỷ lệ viêm cơ tim rất hiếm gặp. Hiện, không có bằng chứng cho thấy vaccine Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình dậy thì và khả năng sinh sản của trẻ nhỏ.
Lý do cần thận trọng, theo các bậc phụ huynh, vaccine Covid-19 hiện được sản xuất và dùng trong trường hợp khẩn cấp nên chưa thể biết hết những tác động lâu dài tới sức khỏe, trong khi đó trẻ 5-11 tuổi có tuyến nội tiết và các tuyến cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh. Thực tế tỷ lệ chuyển nặng và tử vong của trẻ dưới 11 tuổi nếu mắc biến chủng Delta là rất hiếm. Tỷ lệ này ở trẻ nhiễm biến thể Omicron lại càng ít. Trong khi đó, hiện trên 75% dân số Việt Nam đã tiêm vaccine, nguy cơ lây nhiễm ở trẻ nhỏ thấp.
Còn theo đại diện Bộ Y tế, qua khảo sát ý kiến phụ huynh cho thấy sơ bộ trên 50% đồng tình tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Theo Bộ Y tế, đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức cấp phép cho vaccine phòng Covid-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
BS Nguyễn Đình Tỉnh (giảng viên bộ môn Nhi, Đại học Y tế Công cộng) cho biết, đứng ở góc độ phụ huynh ông hiểu tâm trạng lo lắng của họ. Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn điều trị cho F0 ở độ tuổi này, bác sĩ nhận định hầu hết bệnh nhân ở mức độ nhẹ, tự khỏi; một số trường hợp sốt kéo dài hơn nhưng sau đó đều ổn định, hiếm có ca nào trở nặng, phải thở máy hay diễn biến khó lường như ở người lớn.
Còn dưới góc độ chuyên gia, BS Tỉnh cho rằng “người dân không nên hoang mang” bởi các nghiên cứu của thế giới cho thấy tỷ lệ phản ứng phụ do vaccine ở lứa tuổi 5-11 là rất thấp, về cơ bản an toàn. “Y tế Việt Nam còn yếu và thiếu rất nhiều, chưa thể so sánh với các nước phát triển, nên vaccine là biện pháp tốt để phòng ngừa nhiễm, lây lan Covid-19. Nó rất có lợi cho những trẻ nguy cơ cao như béo phì hoặc có bệnh nền, hạn chế nguy cơ biến chứng, chuyển nặng”, BS Tỉnh phân tích.
Sự đồng thuận của cha mẹ rất quan trọng khi thực hiện tiêm chủng. Phân tích cụ thể hơn, TS Phạm Quang Thái (Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương), khuyên cha mẹ nên tin tưởng vào thông tin khoa học.
Các cuộc thử nghiệm cho thấy vaccine an toàn với trẻ em do sử dụng liều lượng thấp, chỉ bằng 1/3 so với nhóm 12 tuổi trở lên. Tỷ lệ phản ứng thông thường như sốt, đau tại vùng tiêm, mỏi người... thấp hơn so với nhóm trẻ lớn tuổi hơn và ở người trưởng thành. Hiện, 42 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, hầu như không ghi nhận phản ứng phụ nặng hoặc bất thường như viêm cơ tim trên nhóm trẻ này.
Ích lợi của tiêm chủng lớn hơn nhiều so với rủi ro
Về vấn đề tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế đang tích cực chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả, thận trọng từng bước và đặt an toàn lên hàng đầu...
Bộ Y tế trao đổi chặt chẽ và thường xuyên tham khảo ý kiến với WHO, với các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới. WHO cũng đã chính thức cấp phép cho vaccine phòng Covid-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận 0,3% trẻ có phản ứng nhẹ sau tiêm; số ít trẻ dưới 18 tuổi sau tiêm vaccine bị phản vệ độ 4 - cơ thể phản ứng quá mức với vaccine, dẫn đến tử vong. Các ca này đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều phụ huynh và cả con trẻ.
Theo TS Phạm Quang Thái, ích lợi của tiêm chủng lớn hơn nhiều so với rủi ro. Tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi cũng giảm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, từ đó hạn chế sử dụng các biện pháp chống dịch như đóng cửa trường học. Tuy nhiên, ông Thái cũng khuyến cáo nhóm trẻ này cần được gia đình chăm sóc, theo dõi chặt sau tiêm vì khả năng tự nhận biết, thông báo triệu chứng kém hơn. “Dù tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vaccine ở trẻ thấp hơn rất nhiều so với ở trẻ lớn và người trưởng thành, phụ huynh vẫn cần đặc biệt lưu tâm, đề phòng các phản ứng bất lợi”, TS Thái nhấn mạnh.
Dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tác dụng phụ của vaccine Pfizer (loại vaccine được nhiều nước chấp thuận tiêm cho trẻ nhỏ) cũng giống với các vaccine cơ bản mà trẻ tiêm vào những tháng đầu đời. Phản ứng phổ biến nhất là mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ, sưng đỏ cánh tay. Những triệu chứng này sẽ biến mất sau vài ngày, không có báo cáo về tác dụng phụ lâu dài. Theo hướng dẫn từ hãng dược Pfizer, trẻ từ 5 đến 11 tuổi sử dụng vaccine với liều 10 micro-gam, bằng một phần ba so với người lớn và thanh thiếu niên. Liều thứ hai tiêm ít nhất 8 tuần sau liều đầu tiên.