Trong khi Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất từ trước tới nay, vẫn còn bộ phận người dân có tâm lý “né” tiêm chờ đợi những loại vaccine Covid-19 mà họ cho là tốt hơn.
Để làm rõ vấn đề này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
PV: Xin ông cho biết những nhận định về tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (TP HCM) trong những ngày qua và dự báo trong những ngày sắp tới?
PGS. TS Nguyễn Huy Nga: Đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát về tổng thể. Tại Hà Nội, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát và đã bắt đầu ổn định. Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Đà Nẵng và một số địa phương đã rất nỗ lực để nhanh chóng kiểm soát được tình hình.
Riêng tại TP HCM và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp và tiếp tục ghi nhận số lượng lớn các ca nhiễm mới do mầm bệnh đã lưu hành một thời gian dài tại nhiều nơi, trong đó một số khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch, như các nhà máy, khu công nghiệp, chợ dân sinh...
Thủ đô Hà Nội đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh, việc cần làm nhất của Hà Nội hiện nay là ngăn chặn dịch bệnh từ các tỉnh khác xâm nhập vào địa bàn. Theo tôi, khả năng mắc các ca Covid-19 trong cộng đồng tại Hà Nội là thấp.
Dự báo trong những ngày tới, TP HCM và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ vẫn sẽ ghi nhận dịch bệnh tăng nhanh, cả về số lượng ca mắc mới, số ca tử vong. Theo biểu đồ dịch bệnh, khả năng 10-15 ngày tới TP HCM sẽ đạt tới đỉnh dịch, tuy nhiên, đó chỉ là những dự báo.
Hiện nay có một bộ phận người dân “sợ” tiêm vaccine Covid-19, vì sợ sốc phản vệ. Đánh giá của ông thế nào? Tỷ lệ phản vệ của các loại vaccine Covid-19 so với những vaccine khác ra sao?
- Việc sốc phản vệ khi tiêm vaccine không phải chỉ xảy ra đối với vaccine Covid-19, hiện tượng này có thể xảy ra đối với mọi loại vaccine. Theo kinh nghiệm của tôi, kể cả những loại vaccine dành cho trẻ nhỏ cũng có khả năng khiến người tiêm gặp phải sốc phản vệ. Đây là do cơ địa của từng người, điều này là không thể tránh khỏi. Nhưng việc tiêm vaccine là cần thiết và cấp bách.
Về bản chất, để phòng, chống dịch Covid-19 bền vững và triệt để, chúng ta cần thiết phải thực hiện tiêm vaccine, bởi lẽ, không ai có thể đảm bảo tuyệt đối mọi người dân tuân thủ quy tắc 5K, cũng không thể cấm hoàn toàn việc tiếp xúc giữa người với người để phòng dịch, vì còn phải phát triển kinh tế.
Đương nhiên, so với những loại vaccine đã phổ biến từ lâu như vaccine cúm mùa, vaccine sởi…, những loại vaccine đã được nghiên cứu kỹ lưỡng với thời gian 10, 20 năm cùng nhiều năm tiêm thử nghiệm thì các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay có tỷ lệ sốc phản vệ cao hơn. Bên cạnh đó, những loại vaccine trước đây được tiêm chủ yếu cho đối tượng trẻ em, còn vaccine phòng Covid-19 được tiêm cho người trưởng thành, người lớn tuổi nên tỷ lệ tai biến cũng lớn hơn.
Chúng ta cần hiểu rõ, về nguyên tắc trẻ em có thể thích ứng nhanh hơn với các loại vaccine được tiêm vào cơ thể, nên tỷ lệ sốc phản vệ cũng ít hơn. Còn đối với vaccine phòng Covid-19, đối tượng người trưởng thành, người lớn tuổi – có hệ miễn dịch kém hơn, nhiều bệnh nền, dị ứng, độ mẫn cảm với vaccine cũng cao hơn.
Một bộ phận khác lại có tâm lý chờ đợi để được tiêm loại vaccine tốt hơn, an toàn hơn. Ý kiến của ông? Những loại vaccine hiện nay có điểm giống và khác nhau thế nào về công nghệ sản xuất?
- Tổ chức WHO không so sánh các vaccine phòng Covid-19 với nhau. Các vaccine được WHO cấp phép đều đạt yêu cầu về tính an toàn và hiệu lực bảo vệ. Để đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine không cho phép so sánh với vaccine không cùng công nghệ.
Mỗi một loại vaccine phòng Covid-19 đều có khoảng thời gian thử nghiệm lâm sàng trên các nhóm đối tượng khác nhau, cỡ mẫu quần thể khác nhau và trên khoảng thời gian khác nhau. Do vậy, việc so sánh giữa các loại vaccine là không thực tế.
Có thể hiểu, các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay có thể khác nhau về công nghệ sản xuất, nhưng hiệu quả bảo vệ người dân khỏi Covid-19 đều giống nhau.
Tâm lý chờ đợi vaccine tốt hơn, an toàn hơn để tiêm là rất nguy hiểm, bởi lẽ, người dân có thể mắc Covid-19 trong thời gian chờ đợi. Điều này khiến nguy cơ đến với người thân của chính họ và cả cộng đồng.
Bởi vậy, việc người dân đi tiêm chủng là cần thiết, đặc biệt, Việt Nam đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên cao hơn so với các nước khác nên người dân có thể yên tâm khi đi tiêm vaccine phòng Covid-19
Ông có khuyến cáo gì đối với người dân?
- Trước khi đi tiêm chủng, người dân cần chuẩn bị tâm lý, giấy tờ có liên quan. Đồng thời cần trung thực trong khai báo, khám sàng lọc và cần thực hiện nghiêm túc việc theo dõi sau khi tiêm.
Hiện vaccine là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus, giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh, vaccine phòng Covid-19 còn giúp giảm số bệnh nhân phải nhập viện điều trị và số ca tử vong.
Để đạt được mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, chúng ta cần thiết phải đạt được tỷ lệ tiêm vaccine 70-80% để tạo được miễn dịch cộng đồng.Bởi vậy, tiêm vaccine phòng Covid-19 không chỉ là biện pháp để bảo vệ sức khoẻ cho mỗi người dân mà còn là vì toàn xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!