Viết một bài đưa tiễn nhà báo Hữu Thọ, thật ra tôi không đủ tư cách, bởi tiếp xúc và hiểu ông không nhiều, nhất là vài chục năm nay. Nhưng nói về tài hoa, phẩm chất một nhà báo của ông, tôi luôn trung thành với cái mà tôi kính trọng và cảm phục ông. Tôi viết về ông với tình cảm một đứa em, một người đồng nghiệp bé nhỏ theo đúng nghĩa của từ này.
Nhà báo Hữu Thọ.
Ông hơn tôi 8 tuổi, về làm việc ở báo Nhân Dân năm 1957, trước tôi 10 năm. Nêu ra con số về thời gian như vậy để nói nhà báo Hữu Thọ là đàn anh về tuổi tác và nghề nghiệp. Những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, báo Nhân Dân có nhiều cây bút nổi tiếng như các nhà báo Hoàng Tùng, Thép Mới, Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang, Trần Kiên, Quang Thái, Lê Bình, Diệu Bình... và nhiều cây bút tài hoa khác.
Trong cuốn Hồi ký “Nhớ một thời làm báo Nhân Dân”, cách đây gần 20 năm, nhà báo Hữu Thọ viết: “Dấu chân của người làm báo Đảng đã in trên mọi nẻo đường đất nước, có mặt ở các chiến trường nóng bỏng, trong các phong trào quần chúng sôi động, mừng lo một nhịp với vận mệnh dân tộc, vững vàng trong mọi tình thế, sống và chiến đấu cùng với đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp, phấn đấu để xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng như Bác Hồ đã dạy…”.
Những dòng ông viết trên đây, tôi chắc có hình bóng ông trong đó. Lúc sinh thời, ông thường nói, nghề báo đã cuốn hút ông, khiến ông đam mê, nhưng ông vẫn hay gọi đó là “nghiệp báo” bởi lẽ nghề này lúc nào cũng có thể sơ xuất, sai phạm, có những sai phạm “chết người” từ những điều tưởng như nhỏ nhặt, hoặc vô tình không để ý đến.
Ông kể, Tết Kỷ Dậu 1969, ông được đi cùng Bác Hồ về trồng cây ở Vật Lại (Hà Tây). Ông ghi chép rất kỹ việc Bác trồng cây. Xong việc, Bác cùng mọi người quây quần trên thảm có xanh dưới tán cây bạch đàn. Bác hỏi chuyện từng người một. Trong bài báo, ông viết rất tỷ mỉ việc Bác hỏi chuyện hết người này sang người khác, rất cảm động.
Ông đặt tên bài báo: “Tết trồng cây của Bác Hồ” nhưng lại không chủ yếu nói chuyện trồng cây mà nói về “trồng người” trong ngày trồng cây đầu năm. Những chi tiết trong cuộc nói chuyện của Bác với mọi người trong không khí đầm ấm gia đình trên thảm cỏ là sự kiện trọng tâm của bài tường thuật…
Bài báo đăng lên, anh Vũ Kỳ, Thư ký của Bác chuyển lời Bác tới cơ quan báo Nhân Dân: “Chú Thọ viết bài ấy được, nói trồng cây nhưng lại nói “trồng người”. Không ngờ đó là Tết trồng cây cuối cùng có Bác, nhưng lời nhắn nhủ của Bác thì ông nhớ suốt đời.
Đời cầm bút của nhà báo Hữu Thọ đã nếm đủ mùi. Viết về chiến đấu, viết về xây dựng, viết nhiều lĩnh vực, có nhiều kỷ niệm. Nhưng lý thú nhất có lẽ là thời kỳ đổi mới, là lúc cuộc sống bắt đầu nhen nhóm, cựa quậy để tháo gỡ thế bí, nhiều ý kiến khác nhau tranh luận gay gắt cần có kết luận trong vấn đề hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn mà có một thời gian dài ông làm Trưởng ban Nông nghiệp của báo Nhân Dân.
Ông kể: Một hôm anh Hoàng Tùng (Tổng Biên tập) gặp mình và bảo: Thực tiễn nông thôn bây giờ rất phong phú, phức tạp, phải đi mà viết bài, nhưng đăng lên một vài bài cũng không ăn thua gì đâu. Cần bắt đầu từ thực tiễn bức xúc nhất để tổ chức thảo luận... Anh Hoàng Tùng gợi ý cho một chủ đề nóng hổi và có lẽ hiền lành: “Làm gì và làm thế nào giải quyết vấn đề ăn của xã hội?”.
Cuối cùng thì ngày 11/6/1980, báo bắt đầu mở mục trao đổi ý kiến theo chủ đề đó. Và Ban Biên tập quyết định thái độ của báo là: Ủng hộ khoán mới! Đến ngày 13/1/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng mới ra Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm đến người lao động.
Trong cuộc đời làm báo của mình, trong 5 năm đấu tranh cho cơ chế mới trong nông nghiệp, Hữu Thọ đã viết tới 36 bài điều tra về khoán để ủng hộ chủ trương đó. Trong Hồi ký, ông đã ghi lại những kỷ niệm tâm đắc ấy. Mới đây thôi, tháng trước, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bạn đọc và bạn nghe đài trong cả nước có thể thuộc câu chuyện do nhà báo Hữu Thọ kể đi kể lại một sự kiện quan trọng của báo chí thời kỳ đổi mới mà may mắn ông trở thành một chứng nhân.
Nói là may mắn vì hôm đồng chí Nguyễn Văn Linh đích thân đến báo Nhân Dân gửi bài cho người bảo vệ (chiều 24/5/1987) là đúng phiên Hữu Thọ trực với vai trò Ủy viên Ban Biên tập. Nghe đồng chí thường trực kể lại, ông đã linh cảm đó là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Thư không có dấu “hỏa tốc”, nhưng vì phong bì đề chữ Văn phòng Trung ương nên ông bóc ra ngay.
Trong thư có bài báo viết tay, tựa đề “Những việc cần làm ngay”, kèm theo bức thư cũng viết tay gửi Ban Biên tập. Lúc đó ông hội ý với Phó Tổng biên tập Hồ Dưỡng để bài đăng ngay vào số ra hôm sau, ngày 25/5/1987. Loạt bài của đồng chí Nguyễn Văn Linh phê phán một số cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp lợi dụng chức quyền tham nhũng và phê phán cả một số cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài vì đất nước còn nghèo mà lại lãng phí…
Đã là nhà báo thì không bao giờ được nghĩ rằng mình đã biết đủ rồi. Nhà báo Hữu Thọ không bao giờ dạy cấp dưới thành lời. Bản thân ông luôn dành thời giờ để thu nhận thông tin, đọc và ghi chép. Đó là “nghi lễ” hàng ngày. Ông thường nói: Báo chí là một thứ biên niên sử thì kinh nghiệm của những người viết báo cũng có tính thời gian đậm nét. Người ta không thể đem cách làm việc ngày nay để phán xét cách làm việc trước đây vì mỗi thời một khác. Kỹ thuật và phương tiện làm báo hôm nay thay đổi, phát triển theo hướng hiện đại hóa rất nhanh, nhưng tấm lòng trung thực, tinh thần không mệt mỏi, tác phong cẩn thận, chu đáo của người làm báo với nghiệp báo và nghề báo thì mãi mãi trường tồn.
Ông còn nói: Một con người ra đời là chuyện bình thường, nhưng sống cho xứng đáng ở trên đời mới là chuyện khó. Đó là một người. Còn cuộc đời của một tờ báo thì phải hơn thế.
Có lần, một nhà báo nước ngoài hỏi ông: Báo chí ở Việt Nam có vùng cấm không? Hữu Thọ trả lời: Không! Tất cả nội dung và hình thức do Tổng Biên tập của tờ báo ấy quyết định. Một lần trong câu chuyện vui, ông nói riêng với từng người “trong nhà” rằng: Đành rằng báo chí là một công trình sáng tạo tập thể, nhưng ta cũng thường nói tờ báo là bức tranh phản ảnh rất trung thực bản lĩnh chính trị và tài nghệ của Tổng Biên tập.
Nếu Tổng Biên tập là người muốn luôn “phải đạo”, cốt cho báo không phạm sai sót, cấp trên “không thổi còi” thì sẽ có một tờ báo ở mức trung bình, có đủ tin bài cho các mảng, các đề mục, nhưng không có bài hay, không có bài được dư luận chú ý. Một nhà báo phải có nhiều kinh nghiệm lắm, có bản lĩnh lắm mới nói ra những “gan ruột” của một nghề không dễ chút nào!
Năm tháng qua đi, mỗi thế hệ, mỗi đời người, mỗi nghề nghiệp đều có một thời để nhớ, để hàm ơn. Trong làng báo nước ta, những người như nhà báo Hữu Thọ không nhiều. Tiếc thương ông và tự hào về ông, thế hệ nhà báo trẻ hôm nay sẽ tiếp bước ông, như trong thơ Hoàng Trung Thông:
Con lớn lên viết tiếp thay cha
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Ngày hôm nay viết tiếp ngày hôm qua...