Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Chật vật thu, nộp

Phương Nguyên 09/01/2016 07:37

Nghị định 203/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/1/2014 quy định về việc các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Sau gần 2 năm triển khai, nhiều địa phương chật vật thực hiện chính sách này. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp khoáng sản “kêu” quá khó khăn về tài chính nên không nộp hoặc xin khất nợ.

Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Chật vật thu, nộp

Thời gian qua, việc quản lý khai thác khoáng sản còn những lỗ hổng, gây thất thoát nguồn thu. Theo quy định của luật, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có nghĩa vụ tự tính, tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm tính chính xác về số liệu do đơn vị lập và báo cáo. Lợi dụng quy định này, để giảm bớt khối lượng thực tế khai thác, nhiều chủ mỏ mà không thực hiện mở sổ sách kế toán theo quy định; không có kế toán trực tiếp xuất hóa đơn mua, bán tại mỏ hoặc nhập kho.

Bên cạnh đó, không ít DN chưa tuân thủ việc lập báo cáo hoạt động khai thác định kỳ, thông tin về khối lượng khai thác, trữ lượng còn lại... Trong khi đó, việc giám sát kê khai sản lượng của các DN khai thác khoáng sản còn bị buông lỏng. Ngành Thuế- đơn vị thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản- không có chức năng, không đủ lực lượng và thời gian, trang thiết bị để có thể giám sát tuyệt đối hoạt động khai thác của DN. Vì thế thất thoát nguồn thu ngân sách dễ xảy ra, nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản hạn chế.

Mới đây Sở Tài nguyên - Môi trường Hải Phòng đã có cuộc khảo sát, làm việc với 12 DN được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trên cơ sở khảo sát thực tế, căn cứ các hồ sơ tài liệu liên quan, Sở này cùng với Cục Thuế thành phố hoàn thành công thức tính toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Việc tính tiền cấp quyền khai thác dựa trên sản lượng khai thác thực tế của DN.

Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng DN khai thác nhiều nhưng khai báo ít, Sở TN-MT Hải Phòng và Cục Thuế lập tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra lượng thực tế làm căn cứ tính thuế. Đồng thời, ngành Thuế phối hợp Sở Tài nguyên - Môi trường, chính quyền địa phương, giám sát chặt lượng khoáng sản thành phẩm qua sổ sách kế toán của DN, sản lượng được cấp phép khai thác, năng suất khai thác.

Cũng theo thông tin từ Sở này, đến nay, UBND thành phố phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 16 DN, Bộ TN-MT phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 2 DN trên địa bàn thành phố. Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp theo quy định là 122,3 tỷ đồng. Trong đó, năm 2015, số tiền dự kiến thu là hơn 15,3 tỷ đồng.

Ở Yên Bái, cho đến thời điểm hiện tại, có 137 điểm mỏ của 117 DN được UBND tỉnh và Bộ TN-MT phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản, trong đó có 63 điểm mỏ đang khai thác, 27 điểm tạm dừng khai thác và 47 điểm mỏ chưa khai thác. Theo kế hoạch, năm 2014, tỉnh Yên Bái phải thu trên 89,5 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác mỏ và đến 31-12-2014, các DN nộp ngân sách trên 14,6 tỷ đồng, bằng 16,3%.

Năm 2015, các DN phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trên 98,5 tỷ đồng, trong đó hạn nộp quí I là 49 tỷ đồng, hạn nộp trong quí II là 49,561 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp năm 2015 gồm số nợ năm 2014 chuyển sang và phải thu trong năm đến nay là 172,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các DN mới nộp vào ngân sách 12,26 tỷ đồng, bằng 7% số phải nộp.

Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Chật vật thu, nộp - 1

Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện đang là vấn đề
hết sức khó khăn của nhiều địa phương.

Tại tỉnh Thái Nguyên, theo kế hoạch, năm 2015, tỉnh Thái Nguyên phải thu gần 300 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trong đó có gần 130 tỷ đồng của năm 2014 chuyển sang. Cho đến nay, toàn tỉnh mới thu được gần 39 tỷ đồng, bằng khoảng 13% kế hoạch.

Tính đến tháng 8-2015, nhiều địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản đều phản ánh tình trạng chung là không thu được tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như dự tính. Một ví dụ tại tỉnh Lâm Đồng, các đơn vị khai thác khoáng sản hầu hết là DN tư nhân hoặc DN cổ phần có tiềm lực tài chính hạn chế. Với khoản tiền cấp quyền KTKS phải đóng theo tính toán như quy định của Nghị định 203 thì không hề nhỏ, nhiều DN hoạt động KTKS đang trong tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Theo thống kê của Sở TN-MT, hiện Lâm Đồng có 193 DN đã được tính xong tiền cấp quyền KTKS (bao gồm cả những DN đã hết hạn khai thác, nhưng vẫn nằm trong thời hạn phải đóng tiền cấp quyền); trong đó, có 125 DN có giấy phép còn hiệu lực. Tổng số tiền phải thu là 66 tỷ đồng/năm (cho 2 năm 2014 và 2015), nhưng đến ngày 25-8-2015, theo số liệu được tổng hợp tại Cục Thuế Lâm Đồng mới thu được trên 26 tỷ đồng...

Đại diện của Sở TN-MT Lâm Đồng cho hay, thực tế công việc thu tiền cấp quyền KTKS đang gặp rất nhiều khó khăn. Số DN chậm nộp hoặc không thể nộp tăng lên, ảnh hưởng đến nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Sở TN-MT đã phối hợp với ngành thuế đi đến từng DN để đốc thu, nhưng cũng chỉ có thể ghi nhận tình hình khó khăn của DN. Đây không phải là khó khăn của riêng Lâm Đồng mà là tình hình chung của cả nước, nhưng vẫn chưa có địa phương nào có giải pháp giải quyết được vướng mắc này.

Làm thế nào để các DN tự giác nộp tiền cấp quyền KTKS, thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo đúng quy định đang là vấn đề không chỉ của riêng cơ quan chức năng mà của chính DN. Được biết, nhiều địa phương đã phải ra “tối hậu thư” thông báo đến DN khoáng sản đã được cấp phép KTKS trong đó kiên quyết sẽ xử phạt hành chính hoặc thu hồi lại mỏ nếu DN không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của Nghị định 203.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Chật vật thu, nộp