Thời gian gần đây, trào lưu tiền Meme được lan truyền trên Internet đã tạo ra cơn sốt, kéo theo hàng loạt cái tên khác lần lượt xuất hiện trên thị trường như: MonaCoin, Elongate, Pirate Chain... Các chuyên gia đánh giá, một vài đồng trong số đó đã trở thành những trào lưu đầu tư mạo hiểm, còn số khác vẫn mãi mãi là trò đùa.
Thực tế, trào lưu tiền ảo có vẻ như đã len lỏi vào showbiz Việt. Điển hình như việc nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng viết trên Facebook quảng cáo cho các loại tiền ảo nhưng “vô tình” lại quảng bá cho các loại tiền ảo núp bóng đa cấp hết sức nguy hiểm.
Theo đánh giá của nhiều người chơi coin có kinh nghiệm lập tức phát hiện ra nội dung trên được cài cắm, quảng bá cho một đồng tiền ảo “lạ hoắc” có tên FXT và có thêm dấu hiệu quảng bá cho sàn tiền ảo. “Đây có thể là chiêu bài quảng cáo, 'quăng lưới' lùa cá bé của các cá lớn nhằm đẩy giá đồng FXT, tạo cơn sốt ảo để kiếm lời”, một chuyên gia nghiên cứu thị trường tiền ảo tiết lộ.
Các chuyên gia cảnh báo, loại hình Forex (Thị trường ngoại hối - Foreign Exchange Market) tiền điện tử không được cấp phép ở Việt Nam. Nhận thấy sau khi có sự bứt phá về giá trị của đồng tiền ảo Bitcoin, lên tới 1,3 tỷ đồng/1 Bitcoin, trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Twitter... xuất hiện nhiều nhóm trao đổi, thảo luận về cách khai thác các loại đồng tiền ảo Bitcoin, Ethereum, Dogecoin, Bitcoin Cash... mong tìm kiếm những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Nhiều người đào tiền ảo bằng cách săn lùng những trang web, app đào tiền ảo qua đám mây điện toán (cloud mining) nhằm giúp cho họ có được lượng tiền nhanh hơn mà không phải tốn nhiều chi phí.
Đơn cử như sàn giao dịch Coolcat tự nêu là công ty duy nhất bảo hiểm 100% vốn giao dịch ở Việt Nam nên "an toàn tuyệt đối, không sợ thua lỗ".
Coolcat có 2 website chính là https://www.coolcat.com.vn và https://coolcatvietnam.com (hiện các trang này đều không thể truy cập). Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã nhận hàng trăm đơn tố cáo của các nạn nhân trong vụ sập sàn đầu tư “ảo” Coolcat.
Bên cạnh đó, cơ quan Công an cũng phát đi thông tin cảnh báo những người tham gia đầu tư vào hoạt động của các trang Wefinex.net, Raidenbo.com, Bitono.io… để huy động vốn, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Các sàn đầu tư “ảo”, website, app điện thoại luôn là điểm ngắm săn lùng “con mồi” của tội phạm lừa đảo. Các sàn giao dịch tài chính đang nở rộ như “nấm mọc sau mưa”. Hàng trăm nhà đầu tư bị lừa đảo vì sàn “ma”, với số tiền hàng trăm tỷ đồng “bốc hơi”.
Một số ý kiến đặt ra khả năng, Facebook của những nghệ sĩ trên đã bị hack bởi một nhóm hacker chuyên đầu cơ tiền ảo, mà ở đây là những đồng "meme coin" lấy biểu tượng là chú chó Shiba Inu, điển hình trong số những đồng tiền mã hoá này có thể kể đến DogeCoin và theo sau nó là Shiba, Akita Token... Đây là những "meme coin" đang được cộng đồng bơm thổi giá trị "cực mạnh", giá trị của chúng có thể được nhân lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần chỉ sau một đêm nhờ vào hiệu ứng "FOMO" từ cộng đồng các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, có một giả thuyết khác, hợp lý hơn, đó là những kẻ đứng sau các sàn giao dịch lớn tại Việt Nam, thậm chí là đội ngũ phát triển của các đồng tiền số nói trên đã trực tiếp bỏ tiền ra, thuê các những người nổi tiếng này, để họ sử dụng ảnh hưởng của mình lên cộng đồng, đăng tải thông tin về sản phẩm của họ, nhờ đó đẩy nhu cầu thị trường lên cao.
Chính điều này đã làm dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội từ người hâm mộ cùng loạt nghệ sĩ Việt khác. Trong đó phải để đến bài đăng tố cáo của Hoa hậu Thu Hoài, ca sĩ Nathan Lee. Cả hai khẳng định đây đều là những chiêu trò, thương vụ "ảo lòi" và có "vấn đề", cảnh báo khán giả không tin tưởng nghe theo. Thực hư ra sao và tại sao các nghệ sĩ xóa bài chỉ họ mới biết. Khán giả cần một lời giải thích từ một bộ phận nghệ sĩ Việt. Và cần cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Theo đó, các sàn đầu tư tài chính trên đều không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, các tổ chức, cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính này đều có thể bị xử lý hình sự (xử phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam theo điều 217a bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp).
Cơn sốt ra đời từ Meme
Một là, tiền số mèo MonaCoin: Ra mắt vào năm 2014, MonaCoin hay MONA cũng phổ biến không khác gì Dogecoin. Đồng tiền này được tạo bởi một người dùng Internet có tên “Mr.Wantanabe”. Hiện nay, chỉ có khoảng 5 cửa hàng đã chấp nhận MonaCoin và một số máy ATM giao dịch bằng coin này. Theo Forbes, đây là loại tiền mã hóa được sử dụng rộng rãi nhất tại Nhật Bản.
MONA được đặt tên theo meme của chú mèo tạo từ văn bản ASCII - chuỗi các ký tự của ngôn ngữ lập trình. So sánh với Bitcoin và Litecoin, ưu điểm của đồng tiền này là thời gian thực hiện khối nhanh hơn Bitcoin 1,5 phút.
Do đó, MonaCoin sẽ có phí giao dịch thấp và ít tiêu tốn năng lượng máy đào hơn. Mặc dù vậy, dung lượng lưu trữ của đồng này khá hạn chế, người dùng chỉ có thể chứa trong ví của bên thứ ba như là Electrum MONA và Coinomi.
Hai là, tiền số phân PooCoin: PooCoin ra mắt vào tháng 3/2021. Đồng tiền này ra đời dựa trên nền tảng Binance Smart Chain. Nhà phát hành đã “chào hàng” và so sánh chúng như Dogecoin thứ hai.
Giống như các loại tiền mã hoá meme khác, PooCoin đã thu hút sự chú ý của rất nhiều dùng vì ý tưởng điên rồ lấy cảm hứng từ phân. Khối lượng giao dịch của đồng coin này ở mức rất thấp, chỉ khoảng 463.021 USD trong 24 giờ. Tuy nhiên, vào ngày 12/5 PooCoin đã đạt được mức giá 15.08 USD - tăng gần 7 lần so với giá khi phát hành.
Ba là, tiền số củ tỏi Garlicoin: Garlicoin hay GRLC, được bắt nguồn từ một bài đang trên Reddit vào năm 2013. Một tài khoản mang tên u/Digitalized Orange, đã có một bài đăng nói rằng nếu dự án này nhận được hơn 30.000 lượt ủng hộ, họ sẽ tạo ra đồng tiền mã hóa meme này.
GRLC được ra đời dựa trên đoạn mã của đồng Litecoin, thời gian thực hiện khối của nó là 40 giây. Nhóm phát triển tuyên bố rằng Garlicoin sẽ không được khai thác bằng các ứng dụng cụ thể. Họ đã nắm giữ phần lớn số tiền, sự khan hiếm của đồng tiền mã hóa này đã khiến giá trị của chúng trở nên cao hơn.
Bốn là, tiền số hải tặc Pirate Chain: Pirate Chain ra đời vào năm 2018. Coin này được giao dịch với tên là ARRR, phát hành dưới dạng tiền riêng tư, chỉ cho phép những giao dịch ngang hàng và ẩn danh.
Coin riêng tư bảo rằng không ai có thể xem người dùng đã mua gì và không thể xem họ có bao nhiêu đồng tiền này trong ví.
Năm là, tiền số chuối Banano: Giống như Pirate Chain, Banano hay BAN cũng đã được ra mắt vào năm 2018. Chúng được giới thiệu như một loại tiền meme vui nhộn.
Tiền mã hóa này được phát triển dựa trên công nghệ đồ thị định hướng không tuần hoàn (Directed Acyclic Graph), một dạng cấu trúc dữ liệu đồ thị trên khối. Banano đang được phân phát miễn phí trên các mạng xã hội lớn, người dùng có thể lưu trữ trong các ví như Kalium, Vault và Pippin Developer.
Sáu là, tiền số Elon Musk - Elongate: Có một loại tiền điện tử dành riêng cho tỷ phú Elon Musk. Nhà sáng lập Tesla đã có vài bài đăng trên Twitter về Dogecoin vài lần trong năm qua khiến mức giá của đồng tiền này tăng vọt.
Vào tháng 3/2021, Musk đã viết một dòng tweet yêu cầu giới truyền thông đặt tên cho bất kỳ vụ bê bối nào của ông là “Elongate”.
Không lâu sau, các nhà phát triển đã tung ra Elongate dựa trên nền tảng Binance Smart Chain. Trang web của đồng tiền mã hóa này cho rằng sự ra đời của chúng là cầu nối với các tổ chức từ thiện thông qua phí giao dịch thụ động và các khoản đóng góp tích cực.
Đồng Elongate thường được trao đổi trên các trang web như Pancakeswap, Blockfolio và lưu trữ trong ví MetaMask.
Bảy là, tiền số bánh mỳ - Baguette Token: Baguette Token hay còn được gọi là BGTT được phát hành vào năm 2020 nhằm mục đích kết nối thế giới ẩm thực và tiền mã hóa. Kể từ khi ra đời, chúng đã được giao dịch cho nhiều mục đích khác nhau bao gồm mua sắm trực tuyến, chơi game và khai thác thanh khoản để thu thêm lợi nhuận.
Đồng tiền mã hóa này hiện được trao đổi trên ATOMARS và ProBit, những thị trường trao đổi tiền điện tử hàng đầu thế giới. Người dùng có thể lưu trữ BGTT trên ví MetaMask như đồng Elongate.