Kinh tế

Tiến độ giải ngân dự án ứng phó với biến đổi khí hậu bị chậm

Thái Nhung 29/03/2024 14:05

Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu của TP. Đồng Hới - Quảng Bình và TP. Hội An - Quảng Nam, vay vốn ADB nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện các biện pháp quản lý lũ lụt cho 2 thành phố Đồng Hới và Hội An; nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý và thực hiện dự án…Tuy nhiên tiến độ giải ngân mỗi dự án thành phần chỉ đạt 34-55%.

445-202405171746441.jpg
Hồ Pháp Bảo - một trong các hạng mục của Dự án thành phần phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP. Hội An. Ảnh: ST

Nhiều mục tiêu

Mục tiêu chính của Dự án là xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện các biện pháp quản lý lũ lụt cho 2 thành phố Đồng Hới và Hội An; nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý và thực hiện dự án, nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường năng lực quản lý vận hành, giám sát, bảo trì công trình cho một số cơ quan cấp tỉnh và thành phố nhằm đảm bảo Dự án hoạt động có hiệu quả và bền vững, giúp các địa phương giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường đô thị và giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Hoạt động chính của Dự án là xây dựng hệ thống thoát nước cho 2 thành phố: Đồng Hới - Quảng Bình và Hội An - Quảng Nam; cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng để thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý lũ lụt và cơ sở hạ tầng khác, cũng như tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, thực hiện và vận hành dự án, đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan, chính quyền và các đơn vị dịch vụ công ích địa phương trong lĩnh vực môi trường đô thị.

Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2015-2022, với tổng mức đầu tư 126,57 triệu USD, gồm: Vốn vay ADB 100 triệu USD, vốn viện trợ 4 triệu USD, vốn đối ứng 22,57 triệu USD được bố trí từ nguồn ngân sách của tỉnh Quảng Bình và Quảng Nam. Trong đó, tổng mức đầu tư Dự án tại tỉnh Quảng Bình là 38,8 triệu USD (vốn vay ADB 30 triệu USD, vốn viện trợ 1 triệu USD và vốn đối ứng 7,8 triệu USD); tổng mức đầu tư Dự án tại tỉnh Quảng Nam là 88,5 triệu USD (vốn vay ADB 70 triệu USD, vốn viện trợ 3 triệu USD, vốn đối ứng 15,5 triệu USD).

Theo số liệu báo cáo, giá trị giải ngân Dự án đến ngày 30/6/2022 là 904,11 tỷ đồng, gồm: Vốn vay ODA là 582,3 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại là 48,51 tỷ đồng; vốn đối ứng gần 264,45 tỷ đồng và vốn khác là 8,85 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) xác nhận không có sự chênh lệch về nguồn vốn đầu tư giữa số báo cáo với số kiểm toán. Tuy nhiên, về chi phí đầu tư thực hiện, giữa giá trị được kiểm toán với số kiểm toán có sự chênh lệch và KTNN đã kiến nghị giảm 1,43 tỷ đồng. Tương tự, với giá trị hợp đồng còn lại cũng có sự chênh lệch giữa giá trị được kiểm toán với số kiểm toán và KTNN đã kiến nghị giảm 6,49 tỷ đồng. Kinh phí đề nghị quyết toán cũng được KTNN kiến nghị giảm gần 187 triệu đồng.

Tính đến ngày 31/12/2021, lãi vay và phí cam kết được gốc hóa trong thời gian thực hiện Dự án là 22,26 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn vay được KTNN đánh giá là thấp (tổng số vốn đã giải ngân của dự án thành phần Hội An tính đến ngày 30/6/2022 là 689,7 tỷ đồng, đạt 55,36% kế hoạch vốn được giao; còn với dự án thành phần Đồng Hới, tổng số vốn đã giải ngân là 214,41 tỷ đồng, chỉ đạt 34% kế hoạch vốn được giao).

Tiến độ giải ngân chậm

Qua kiểm toán, KTNN ghi nhận Ủy ban nhân dân các tỉnh đã tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án thành phần Hội An, Đồng Hới, trong đó mục tiêu của các dự án thành phần được xác định căn cứ vào kết quả nghiên cứu khảo sát hiện trạng về điều kiện tự nhiên, xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đối với cuộc sống của người dân sống tại TP. Đồng Hới và TP. Hội An, cũng như các quy hoạch có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mục tiêu của các dự án thành phần phù hợp với mục tiêu chung của Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định phê duyệt danh mục dự án, là cơ sở để đàm phán, ký kết Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và ADB. Trong quá trình thực hiện, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã có một số lần điều chỉnh các dự án thành phần hoặc các hợp phần của các dự án thành phần, song về cơ bản mục tiêu của các dự án thành phần vẫn đảm bảo phù hợp với mục tiêu chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nội dung của Hiệp định tài trợ.

Tuy nhiên, liên quan đến việc chấp hành Luật Ngân sách nhà nước, chế độ tài chính kế toán, phòng, chống tham nhũng, KTNN nêu rõ, giá trị khoản vay theo Hiệp định ký kết là 100 triệu USD, tính đến ngày 30/6/2022, tổng giá trị các hợp đồng đã ký kết tại các dự án thành phần là 76,272 triệu USD, đạt 76% giá trị. Cụ thể, với tỉnh Quảng Bình, vốn vay được sử dụng tại các Hợp đồng đã ký là 16,858 triệu USD. Nếu tính cả chi phí tài chính trong quá trình thực hiện Dự án thì số vốn vay được sử dụng dự kiến khoảng 21,272 triệu USD, khoản vay chưa được sử dụng khoảng 8,728 triệu USD. Vốn viện trợ theo Hiệp định là 1 triệu USD, số được sử dụng theo Hợp đồng đã ký là 935.872 USD. Số chưa được sử dụng theo Hiệp định viện trợ khoảng 64.128 USD.

Còn với tỉnh Quảng Nam, vốn vay được sử dụng tại các Hợp đồng đã ký là 50,909 triệu USD. Nếu tính cả chi phí tài chính trong quá trình thực hiện Dự án thì số vốn vay được sử dụng dự kiến khoảng 55 triệu USD, khoản vay chưa được sử dụng khoảng 15 triệu USD. Vốn viện trợ được sử dụng theo Hợp đồng đã ký là 2,178 triệu USD. Số chưa được sử dụng theo Hiệp định viện trợ khoảng 800.000 USD.

KTNN chỉ rõ, kết quả giải ngân vốn vay thấp sẽ làm tăng phí cam kết phải trả, do số dư vốn chưa giải ngân vẫn phải chịu phí cam kết hằng năm. Thẳng thắn nêu trách nhiệm này thuộc về Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam và Ban Quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP.Đồng Hới; hệ lụy kéo theo làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Trong khi đó, những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, Chính phủ luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, chú trọng phát triển môi trường theo hướng bền vững, không làm phương hại đến kinh tế và xã hội, đặc biệt là quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Nhờ vậy, nhiều dự án đã được triển khai nhằm nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, gia tăng các biện pháp bảo vệ môi trường cho các khu vực có nguy cơ cao. Tuy nhiên, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của mỗi dự án đều phụ thuộc rất nhiều vào thực tế triển khai của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến độ giải ngân dự án ứng phó với biến đổi khí hậu bị chậm