Ba tôi nói ba đi làm cách mạng vì trách nhiệm công dân. Cũng như nhiều trí thức cùng thời, ba từ bỏ cuộc sống dễ dàng, những hoài bão tuổi trẻ, để cầm súng, không màng danh lợi, chỉ mong được chứng kiến đất nước thống nhất. Tôi luôn luôn ấn tượng về sự kiên nhẫn vô hạn, về một con người khao khát hòa bình mãnh liệt nhưng chưa bao giờ được chạm tới hòa bình đích thực.
Tác giả Cao Thị Bảo Vân - con gái của Trung tướng Cao Văn Khánh. (Ảnh: Tạp chí Sông Hương).
Hồng Thanh Quang:Có một thực tế như thế này, đánh giá là vui hay buồn thì tuỳ theo góc nhìn thôi. Số là, có một số dòng họ ở ta, bây giờ có những bậc hậu sinh ăn nên làm ra trong thời đại mới, bỗng nhiên lại muốn trở thành cao quý ngay cả trong quá khứ xa xưa. Và họ đi nhờ các nhà nghiên cứu lịch sử lục tìm lại cổ thư xem trong “bảng vàng xã tắc” có những ai từng mang họ giống họ rồi thuê các tài danh giàu bút lực xây dựng huyền thoại mới để những danh nhân thời cổ trở thành tằng tổ của họ. Tuy nhiên, người tự trọng thì không làm thế, vì như một câu hát vui, chỉ cần “ta là con của bố ta mẹ ta” là đủ rồi, đủ kiêu hãnh với cuộc đời, đủ động lực để phấn đấu làm người đàng hoàng. Xin phép được hỏi TS-BS Cao Thị Bảo Vân, chị có cảm giác thế nào khi nghe ai đó dựa trên những đồn đại cứ quả quyết là họ của chị cùng một dòng tộc gần gũi với những người cũng mang chữ “Cao Văn” khác, cũng có những câu chuyện được quan tâm, nhưng thực ra lại không hề liên quan về huyết thống với gia đình chị?
TS-BS Cao Thị Bảo Vân (thứ nữ của Trung tướng Cao Văn Khánh, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam): Chuyện anh nói về “một số dòng họ ở ta”, tôi thấy có thể nhìn theo hai góc độ. Trước hết, có thể thấy từ sau 1986 (đổi mới), ngày càng nhiều người Việt Nam ta thoát khỏi cảnh vật lộn với cái ăn cái mặc hàng ngày và số người có cuộc sống no đủ, phong lưu ngày càng tăng. Việc họ ngày càng mơ ước vươn lên những tầng tháp cao hơn (theo lý thuyết Maslow) là điều rất tự nhiên. Đối với tôi, đó là một tin vui. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và xây đắp các giá trị tinh thần như thế nào thì lại rất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn trình độ văn hóa, nhận thức… của mỗi người, kể cả phong tục, tập quán của cộng đồng. Tôi có một đồng nghiệp cao niên người Pháp, sau khi về hưu đã bỏ ra rất nhiều năm tháng và tiền bạc để tìm cho được một nhà hát giao hưởng, tổ chức biểu diễn một buổi hòa nhạc các tác phẩm của cụ thân sinh của ông ta, một nhạc sĩ đã bị lãng quên từ đầu thế kỷ XX. Từ những lăng mộ đủ màu sắc sặc sỡ hay những gia phả sáng tác vụng về ở ta đến cách thức tưởng niệm, vinh danh người xưa ở những đất nước khác, có thể thấy là còn một khoảng cách rất xa để vượt qua. Còn ý anh hỏi về những lời “đồn đại” thì sự nhìn nhận của tôi cũng khác dần theo năm tháng. Trước kia hồi tôi còn nhỏ, đó chỉ là sự khó chịu, thậm chí đôi khi tức giận vì nó dường như là ác ý gắng làm hạ thấp mình bằng sự việc không có thật. Lớn lên, qua kinh nghiệm của bản thân, qua chuyện chồng tôi kể lại là trước khi bổ nhiệm tôi, người ta đến cơ quan anh để xác mình lý lịch, hỏi về những “lời đồn”, tôi hiểu rằng những lời đồn đại này có thể được sử dụng như một công cụ rất hiệu quả để giải thích cho quần chúng vốn ít thông tin và cả tin về những quyết định bất công đối với một ai đó, chính vì thế mà nó được duy trì dai dẳng, trong khi thật ra để cải chính là một việc quá dễ dàng đối với nhũng người có thẩm quyền!
Chị có thể cho biết thêm về gia tộc Cao Văn ở Huế không?
- Về các thế hệ trước thì tôi không có thông tin gì, vì ba tôi mất sớm, lúc đó tôi còn trẻ quá. Tôi chỉ biết một vài nét chính về ông nội, các bác các o. Ông nội tôi là cụ Cao Văn Nhuận, mất khoảng năm 1928, sinh thời là một nhà nho dạy học, bất đắc chí như nhiều nhà nho ưu thời mẫn thế thời kỳ đó. Bà nội tôi họ Phan, quê ở Quảng Trị, là con gái một võ tướng đi theo vua Hàm Nghi nên sau này bị cách chức về quê. Giờ ở Huế, bên nội tôi chỉ còn gia đình mấy người cháu ruột. Sau cuộc chiến 30 năm, con cháu bên nội đã ra nước ngoài phần lớn.
Số phận những người anh em ruột của cha chị thế nào? Sau này chị có gặp được ai trong số họ không? Kỷ niệm của chị về họ như thế nào?
- Ba tôi luôn luôn gắn với tin đồn là anh ruột tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH. Giai thoại hai ông tướng anh em một nhà cầm quân Nam Bắc đánh nhau được truyền miệng suốt mấy chục năm chiến tranh và tới cả bây giờ. Khi còn học cấp 1, chỗ tôi ngồi thường được “đánh dấu” bằng dòng chữ mực tím nguệch ngoạc: “Cháu của chó săn Cao Văn Viên”.
Sự thực thì ba tôi có 3 anh trai ruột, đều là nhà giáo từ những năm 1934-1935. Tuy tốt nghiệp trường Luật nhưng các bác cũng như ba tôi đều chọn những nghề tự do, không hành nghề Luật mà chọn đi dạy, hoặc mở trường tư vì không muốn phục vụ Nam Triều hay làm công chức cho nhà nước của chính quyền bảo hộ Pháp. Những năm 1930s-1940s là thời điểm vô cùng đặc biệt, dồn dập thông tin về chiến tranh thế giới, ở châu Á thì Nhật bắt đầu xâm chiếm Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, tầng lớp trí thức yêu nước đều tự hỏi “Nước Việt Nam ta rồi sẽ ra sao?” (như một câu trong sách bác tôi viết những năm 1940 ở Huế). Các bác tôi, như những trí thức trách nhiệm thời đó, tự thấy không thể thờ ơ với thời cuộc và đã tích cực tham gia chính trường. Bác Cao Văn Chiểu từng là dân biểu Trung kỳ ở Huế từ 1935. Ông từng giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Giáo dục Hạ nghị viện VNCH. Từ năm 1974, ông được cử là sứ thần của chính phủ VNCH tại Rome (Italy) từ 1974. Luật sư Cao Văn Tường, anh thứ hai, từng ba lần đắc cử dân biểu lập hiến và lập pháp cộng hòa 1956-1963, đệ Nhất Phó chủ tịch Quốc hội VNCH. Ngày 2-9-1969, nhận lời mời của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông ra giữ chức Bộ trưởng đặc trách liên lạc Quốc hội. Tháng 4-1975, bác đang là Thượng nghị sĩ quốc hội của VNCH, nhận giấy triệu tập đi “học tập cải tạo” tại miền Bắc nhiều năm. Các anh chị con bác trải qua những thảm cảnh vượt biên tồi tệ nhất, có người đã bỏ xác ngoài biển. Lần đầu được gặp các bác các o năm 1975, tôi cảm nhận ở các bác sự lịch lãm, thâm trầm rất giống ba tôi. Dù trải qua cơn bể dâu với rất nhiều mất mát, các bác vẫn tràn đầy sự gần gũi máu mủ, thân tình, dù không đồng chí hướng. Gần đây, tôi gặp con bác Tường, người đã xa đất nước mấy chục năm. Chúng tôi nhanh chóng cảm nhận sự gắn bó ruột thịt thân tình. Thật ngạc nhiên là anh ấy, một kỹ sư thuần túy không hề tham gia chính trị, cũng đau đáu với câu hỏi “Nước Việt Nam ra rồi sẽ ra sao?”. Sau mấy chục năm chiến tranh, câu hỏi băn khoăn đó vẫn còn nguyên tính thời sự.
Mẹ chị cũng xuất thân từ một gia đình trong hoàng tộc? Chị có thể kể vì về gia tộc đàng ngoại của mình?
- Đây là một câu chuyện dài. Ông ngoại tôi là cụ Tôn Thất Đàn, sinh thời là thượng thư bộ hình của triều vua Khải Định rồi Bảo Đại. Khi vua Khải Định mất, trong nhật ký triều chính, ông tôi viết “tôi kêu trời khóc lớn, và khóc mãi không thôi. Được tin, quan công sứ (Pháp) đến thăm và bảo: “Thiểm chức chưa thấy người nào yêu vua như quan lớn. Tại sao ngài lại khóc than thống thiết như vậy?” Tôi nói: “Yêu vua thì có hạn, nhưng yêu nước thì vô cùng. Nước tôi xưa nay nhiều lần bị cái nạn vua trẻ nước nguy. Hoàng đế Khải Định lên ngôi, trước đây cũng có những sai sót, nhưng gần đây đã tỉnh ngộ, hỏi ý kiến triều thần và các quan ở ngoài, để mong cải thiện vận nước, không ngờ nay đã băng hà. Bọn gian tà sẽ nhân dịp này để thực hiện âm mưu, làm phương hại đến vận nước; tôi biết vậy mà không có cách nào bổ cứu, nên tôi đau xót vậy”…
Từ nhỏ tôi đã thích đọc bản dịch nhật ký triều chính ông tôi để lại. Từng dòng chữ trong đó toát lên nhân cách của một vị quan rất cần mẫn, trung thực, liêm khiết, thương dân. Nên không có gì lạ là con cái trong gia đình đều đi theo, ủng hộ cách mạng, chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp. Nhà ông bà tôi từng là chỗ họp hành ẩn náu an toàn của nhiều cán bộ thành Huế. Cậu ruột tôi là Tôn Thất Long, bị Pháp đến tận nhà lôi đi trước mặt các em, bị tra tấn đến thổ huyết chết. Các dì cậu tuy nhỏ đều tham gia hướng đạo, phục vụ tha nhân, giúp đỡ người nghèo khổ. Mẹ tôi mới mười mấy tuổi hoạt động tích cực trong phong trào học sinh sinh viên nên ba lần bị Pháp bắt bỏ tù. Mỗi lần trong nhà có ai bị Pháp bắt, bà ngoại tôi lại vào cung vua, xin hoàng thái hậu Từ Cung giúp tác động xin thả con ra, để rồi các dì cậu lại hoạt động cách mạng, lại bị bắt. Năm 1951, bà ngoại tôi đã quyết định bỏ hết nhà cửa vườn tược ở Huế, bỏ hết tài sản dẫn các con đi bộ sáu tháng ra chiến khu, đi theo biểu tượng của tinh thần yêu nước không chịu nhục nô lệ, “theo Cụ Hồ”. Trong phim “Việt Nam trên đường cách mạng”, anh có thể thấy rất nhiều dì cậu tôi hồi đó ở chiến khu Việt Bắc, đều còn rất trẻ.
Bắt đầu từ những năm 1950-1952, ở Việt Nam bắt đầu cải cách ruộng đất, chỉnh huấn chỉnh quân. Như hầu hết trí thức, hoặc gia đình quan lại, các dì cậu tôi trải qua cơn chấn động ghê gớm về tinh thần. Nhật ký mẹ tôi kể bà bị yêu cầu phải lên án, tố khổ bố làm quan là bóc lột, là xấu xa, là “kẻ thù của nhân dân”, mà ông tôi còn làm đến chức thượng thư! Vốn quen với truyền thống gia phong, con cái hiếu đễ với cha mẹ, các dì tôi tất cả bị sốc, mẹ tôi bị trầm cảm nặng một thời gian… Chấn thương tâm lý, bị hạn chế trong cuộc sống và sự nghiệp cũng là tình cảnh chung của nhiều gia đình hoàng tộc, quan lại đi theo cách mạng..
Vì sao sau này mẹ chị lại không ghi là Tôn Nữ mà chỉ ghi là họ Nguyễn?
- Hoàng tộc nhà Nguyễn thì tất nhiên là họ Nguyễn. Tôn Thất không phải là một họ. Nó gần như một tước hiệu và nó chỉ có giá trị khi vương triều đó còn trị vì. Ngoài ra, mẹ tôi công tác trong môi trường quân đội, đã trải qua cơn bão chỉnh huấn chỉnh quân liên miên. Loại bỏ tước hiệu Tôn thất (Tôn nữ), ngoài việc để khẳng định mình một lòng đi theo cách mạng, không vương vấn gì với vương triều cũ, việc này còn làm bà cảm thấy được “hòa mình với quần chúng” hơn.
Bây giờ nhớ lại thời chiến tranh, điều gì trong quá khứ đã tạo ra ấn tượng mạnh mẽ nhất của chị về cha chị, tướng Cao Văn Khánh?
- Ba tôi nói ba đi làm cách mạng vì trách nhiệm công dân. Cũng như nhiều trí thức cùng thời, ba từ bỏ cuộc sống dễ dàng, những hoài bão tuổi trẻ, để cầm súng, không màng danh lợi, chỉ mong được chứng kiến đất nước thống nhất. Tôi luôn luôn ấn tượng về sự kiên nhẫn vô hạn, về một con người khao khát hòa bình mãnh liệt nhưng chưa bao giờ được chạm tới hòa bình đích thực. Ngày 30-4-1975, ba tôi từ Bộ Tổng Tham mưu về, ôm mẹ tôi nói “sẽ không bao giờ phải xa nhau nữa”. Nhưng rồi chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc lại nổ ra. Âu đó cũng là số phận đất nước. Nghĩ về ba, tôi luôn luôn vô cùng đau lòng và thương ba chưa được hưởng nhiều hạnh phúc gia đình.
Cha chị hồi trẻ từng học Luật. Theo chị, điều đó có ảnh hưởng thế nào tới cách tư duy và hành xử của ông sau này?
- Học Luật chắc chắn đã để lai dấu ấn trong tính cách chặt chẽ, trung thực, tôn trọng công lý, chứng cứ, khách quan, trong nhận định về sự việc, về con người của ba tôi. Nhưng không chỉ có thế. Sự giáo dục gia đình từ ấu thơ và những hoạt động giáo dục thanh thiếu niên tinh thần trách nhiệm với xã hội trong phong trào hướng đạo cũng đóng vai trò không nhỏ. Cha tôi ham thích thể thao, dã ngoại, từng là huynh trưởng hướng đạo, giỏi kỹ năng sinh tồn. Học luật, nhưng ông không hành nghề luật sư vì không thích làm cho chế độ thuộc địa, mà chọn dạy toán, vì yêu thích và giỏi toán. Ông còn chơi đàn violon, có tư chất nghệ sĩ, rung động với những góc cạnh tâm hồn con người. Khi làm chỉ huy quân sự, tất cả những tố chất đó phát huy trong con người chỉ huy của ông.
Ba tôi luôn công bằng trong nhận định về sự việc, về con người. Trong bức thư gửi cho đại tướng Võ Nguyên Giáp, báo cáo diễn biến trận phố Lu từ năm 1949, ông thẳng thắn đánh giá viên quan hai chỉ huy Pháp trưởng đồn một cách công bằng, tôn trọng phẩm chất nhà binh của đối thủ: “Anh ta đã giữ phố Lu đến chết”. Sự khách quan giúp ông tỉnh táo đánh giá chính xác tình hình mặt trận, tương quan lưc lượng, có lẽ đó cũng là lý do dẫn đến thành công trong nhiều trận ông tham gia tổ chức, như binh pháp Tôn Tử “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Trung tướng Cao Văn Khánh và vợ năm 1955.
Cha chị đã tham gia học ở trường Quân sự Thanh niên Tiền tuyến. Cùng học với ông có nhiều người sau này cũng trở thành tướng lĩnh hoặc sĩ quan cao cấp QĐNDVN. Chị có biết những ai trong số họ? Cuộc đời của họ sau này như thế nào?
- Trường Quân sự Thanh niên Tiền tuyến (TNTT) chỉ tổ chức một khóa với 43 học viên, do ba tôi là lớp trưởng. Có thể coi đây là trường Võ bị đầu tiên của Việt Nam được thành lập năm 1945, với mục tiêu chuẩn bị những sĩ quan quân đội cho một nước Việt Nam độc lập, “lập ra các đạo TNTT, để một ngày kia thành những đội quân có tinh thần mạnh mẽ”. Tiêu chí chọn phải là những thanh niên xuất sắc, trình độ ít nhất phải xong tú tài để có khả năng lĩnh hội kiến thức quân sự nhanh nhất. Nhiều học viên là hậu duệ của các gia đình quý tộc hay đại thần triều Nguyễn như Đặng Văn Việt (hiện vẫn còn sống) - con Tổng đốc Nghệ An Đặng Văn Hướng, ba lần giữ chức Thượng thư; Tôn Thất Hoàng - con Thượng thư Tôn Thất Quảng, Võ Sum - con Án sát Võ Chuẩn; Lê Quang Long - “cành vàng lá ngọc” cháu ngoại vua Thành Thái… Hầu hết đều là cựu học sinh trường Quốc học Huế, đỗ tú tài, hoặc đang là sinh viên Đại học Đông dương. “Đây là lớp thanh niên trí thức trẻ vào loại ưu tú nhất của miền Trung”. Một số học viên nổi tiếng xuất sắc như Hoàng Xuân Bình, em ruột Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, hay Lê Thiệu Huy - được mệnh danh “Thần đồng Đông Dương” với các môn thi đều đạt điểm tuyệt đối 20/20, con trai của Giải nguyên Hán học Lê Thước và là anh em họ với Giáo sư Lê Văn Thiêm. Những sinh viên giỏi nhất của trường Tây lại trở thành nòng cốt trong ngôi trường đào tạo những tướng lĩnh chống Pháp cho đất nước.
Sự sáng suốt của những trí thức sáng lập Trường, luật sư Phan Anh (Bộ trưởng Bộ Thanh niên của chính phủ Trần Trọng Kim) và ông Tạ Quang Bửu khi đặt tiêu chuẩn tuyển người có học vấn đã được khẳng định, từ khi đất nước bước vào giai đoạn toàn quốc kháng chiến năm 1946. Ngoài hai vị trí thức sáng lập trường, sau trở thành hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước VNDCCH, đây còn là nơi đào tạo ra 8 vị tướng, trong đó 2 người được phong trước năm 1975 và hàng chục sĩ quan cấp tá giữ vai trò trọng yếu trong quân đội, nhưng suốt mấy chục năm ròng, hầu như không ai nhắc đến nó
Tôi may mắn biết khá nhiều người trong số đó, như chú Tôn Thất Hoàng - nguyên Trung đoàn trưởng công pháo Điên Biên Phủ; hai anh em ông Phan Hàm, Phan Hạo - đều làm Cục phó Cục Tác chiến BTTM; ông Đặng Văn Việt - ”hùm xám đường số 4”; ông Mai Xuân Tần - Cục Phó Cục Tác chiến; ông Cao Pha - Cục Phó Cục Quân báo, v.v… Hiện nay còn ông Lâm Quang Minh, hiện sống ở Đà Nẵng, người nổi tiếng với việc bán căn nhà đang ở để làm từ thiện.
Cha chị là một vị tướng nhưng cũng là một người chồng rất dịu dàng, chiều vợ và “nhịn” vợ. Có nhận xét như vậy. Chị có đồng tình với nhận xét này không? Chị có nhớ những kỷ niệm về cha mẹ mình khi chị còn nhỏ không?
- Ba tôi từng có thời gian dài không định lấy vợ, vì đời binh nghiệp nay sống mai chết, không muốn làm khổ ai. Sau này, ba tôi gặp rồi cưới mẹ tôi, có một gia đình, nên ba nâng niu hạnh phúc ấy. Mẹ tôi cũng là phụ nữ có cá tính mạnh, nên việc phải chiều và “nhịn” vợ là chuyện đương nhiên.
Tướng Cao Văn Khánh là một người cha như thế nào trong mắt của con mình?
- Mẹ tôi vẫn nói ba cưng chiều con gái nhất nhà. Ngày ba ra chiến trường, tôi mới hơn ba tuổi. Trong thư cũ, ba kể trên đường ra mặt trận cứ lấy ảnh con ra ngắm mãi không thôi. Còn tôi thì cứ hỏi mẹ là ba đi đâu lâu quá không về ăn cơm, sợ ba đói bụng! Tuy xa nhau có khi hàng năm trời, nhưng trẻ con trong nhà có cảm giác ba luôn luôn có mặt, vì mẹ nhắc đến ba hàng ngày, và thư ba gửi về nhà thường xuyên, ngập tràn thương nhớ. Ngày tôi tròn 4 tuổi, ba gửi về tặng tôi món đồ chơi trẻ con hiếm hoi - một con chó nhựa đã cũ - tìm được ở mặt trận. Món quà sinh nhật bất ngờ làm tôi mừng chảy nước mắt. Trước khi bước vào một trận chiến cân não năm 1972, ba đã viết một bức thư riêng cho em trai tôi lúc đó mới gần 3 tuổi, để mẹ đọc cho nó, để lớn lên nó biết ba đã nhớ nó ra sao trong những giây phút khó khăn và dặn dò những điều ba mong mỏi ở nó khi khôn lớn. Dù ở rất xa, ba luôn luôn làm chúng tôi hiểu gia đình là phần quý nhất của cuộc đời ông.
Tuy rất tình cảm, ba tôi lại rất nghiêm khắc với con cái trong học hành, trong những quan niệm đạo đức. Từ chiến trường về, ba rất ngạc nhiên với tính cẩu thả, cũng như cung cách trẻ con chúng tôi được đào tạo và ứng xử. Ông ngạc nhiên thấy mẹ cho tôi tham gia đội “nghi thức” của Câu lạc bộ thiếu nhi thành phố, suốt ngày đi tặng hoa lãnh đạo và các hội nghị. Hồi đó, tiêu chuẩn được chọn đi tặng hoa phải là học khá, ưu tiên “con cán bộ đi B”. Ba tôi thì nói những việc đó thật vô bổ, hình thức, “rẻ tiền, mất thời gian”.
Từ khi ra Bắc năm 1974, dù bận thế nào ba luôn thu xếp đi họp phụ huynh cho chị em tôi. Kỳ thi sử, tôi đem sách nhờ ba đoán hộ bài tủ. Ba ngạc nhiên nói phải học hết chứ ba không bao giờ học tủ. Đến ngày họp phụ huynh, đang chầu chực ngoài hành lang, tôi giật thót người thấy ba đứng dậy phát biểu. Giữa những bàn ghế học trò, bóng ba cao lừng lững trong bộ quân phục, khác các phụ huynh khác, làm tôi rất ngại ngùng. Rồi ba rành rọt kể ngay chuyện tôi học tủ, lười lao động ở nhà. Hồi đó tôi là học sinh giỏi, lại có “chức sắc” lớp phó. Tôi không thể ngờ ba có thể “vạch áo cho người xem lưng” như vậy. Tính thẳng thắn của ông làm tôi rất e ngại vì nó khác hẳn ứng xử đời thường ở Hà Nội mà tôi đã quen.
Mẹ tôi cứ tiếc các con không được ở gần nhiều để được ba dạy dỗ. Còn chúng tôi thì quen nhìn những việc ba làm, cách ba ứng xử để học cách đánh giá đúng sai trong cuộc sống.
Khi biên soạn cuốn sách về cha mình, chị muốn gửi gắm những suy tư gì tới người đọc?
- Dù tham gia thiết kế, chỉ huy rất nhiều chiến dịch và trận đánh chủ chốt suốt 30 năm chiến tranh, rất nhiều người không biết ông là ai, kể cả tôi, sau khi ông mất nhiều năm cũng không biết ba tôi đã ở đâu, làm gì. Khi gia đình kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông vào năm 2007, ngồi nghe những đồng đội còn sống kể về ông, tôi hiểu là câu chuyện về ông trong tôi mới chỉ bắt đầu. Từ đó, 10 năm ròng rã đi tìm tư liệu. Việc tìm hiểu tài liệu về cha mình cũng giúp tôi hiểu cuộc chiến của đất nước sâu hơn, toàn diện hơn. Tôi nhận ra cuộc đời cha mình gắn chặt với lịch sử đất nước.
Càng trưởng thành tôi càng hiểu ba mình hơn, hiểu những thử thách, thăng trầm ghê gớm ba tôi đã phải vượt qua, hiểu những điều ông nói ra và cả những điều ông im lặng không nói ra. Viết ra một cuốn sách cũng là cách làm dịu đi nỗi lòng, là cố gắng nối sợi dây thương nhớ tâm linh của những con người không thể chia lìa dù đã thuộc về hai thế giới. Đi sâu vào góc cạnh của những cá nhân và sự kiện của cuộc chiến đã qua cũng phần nào đóng góp cho xã hội, đồng cảm với khát vọng của cha ông, trân trọng sự hy sinh của các thế hệ đi trước để giành độc lập thống nhất đất nước.
Xin cảm ơn bác sĩ, TS-BS Cao Thị Bảo Vân!
* Trung tướng Cao Văn Khánh (1917-1980), nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tham gia cách mạng ngay từ mùa thu năm 1945 với cương vị Phó Chủ tịch Giải phóng quân Huế (sau này sáp nhập với Việt Minh). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông từng nhiều năm ở chiến trường. Mùa xuân năm 1975, ông là tổ trưởng tổ thương thực chỉ đạo tác chiến chiến lược do Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thành lập ngày 12/4, đề xuất phương án tác chiến trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
TS-BS Cao Thị Bảo Vân là tác giả cuốn sách hồi ức lịch sử về cha mình, Trung tướng Cao Văn Khánh, vừa ra mắt độc giả cả nước.