Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ: 'Không ít trí thức bị lôi kéo vào hiệu ứng đám đông'

Quỳnh Trang (thực hiện) 24/09/2018 10:05

Khi người ta có thể phát ngôn mà không cần chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình thì ta sẽ thấy sự nhiễu loạn thông tin là điều tất yếu xảy ra.

Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ: 'Không ít trí thức bị lôi kéo vào hiệu ứng đám đông'

1. “Tôi thấy rằng, phần nhiều các ý kiến chỉ bộc lộ theo cách cảm tính, và đa phần mọi người chưa có được sự bình tĩnh để đánh giá vấn đề một cách khách quan hoặc ít ra phải dựa trên những thước đo, những thông số có tính khoa học. Sở dĩ có điều này, một phần lớn cũng bởi sự hiện đại của kỷ nguyên 4.0, khi mà ai ai cũng có khả năng dễ dàng bày tỏ ý kiến của mình trên các tài khoản cá nhân, điều này dẫn tới nhiễu loạn thông tin – một hệ lụy tất yếu của thời hiện đại mà dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải gánh chịu.”

“Chúng ta không thể đòi hỏi tất cả mọi người trong cộng đồng đều là những nhà chuyên môn. Ở đây có một vấn đề về hiệu ứng đám đông, tâm lí đám đông. Chúng ta đã từng biết đến những câu chuyện kinh điển về việc đám đông ném đá vào một người phụ nữ - câu chuyện trong Kinh Thánh, hay là câu chuyện một gã vì lí do chảy máu cam phải ngửa mặt lên trời, thế là đám đông cũng ngửa mặt lên trời theo vì tưởng rằng có đĩa bay. Cái này, người trong cuộc đủ tự tin thì tôi cho rằng họ vô cùng bình thản, người ta sẽ lên tiếng vào thời điểm cần thiết. Phần còn lại thuộc về trách nhiệm của những Bộ, ban ngành, những cơ quan có thẩm quyền liên quan trực tiếp đến vấn đề đang đặt ra. Cùng với báo chí, nhà cầm quyền phải thể hiện được chức năng điều tiết xã hội, định hướng dư luận xã hội. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, bên cạnh hai người không bình tĩnh vẫn có thể có một người bình tĩnh, không phản ứng một cách hồ đồ và thiếu chín chắn”.

2. “Giới trí thức hay người làm báo đều thuộc về tầng lớp tri thức nói chung, được đào tạo bài bản, cẩn thận ở một chuyên ngành nào đó. Nhưng họ chỉ am hiểu ở lĩnh vực của họ thôi, không thể giỏi tất cả mọi lĩnh vực được. Và vấn đề rất nóng chúng ta đang quan tâm trong những ngày qua thuộc về một lĩnh vực chuyên môn hẹp, đó là ngôn ngữ học, mà cụ thể hơn nữa là vấn đề ngữ âm - âm vị học của ngôn ngữ học, cùng với những vấn đề liên ngành về giáo dục học, văn tự học. Nó quả là một chuỗi những vấn đề không hề đơn giản. Tôi cho rằng có không ít những tri thức bị lôi kéo bởi hiệu ứng đám đông, và họ chưa có sự bình tĩnh để nhìn nhận cũng như phân tích vấn đề một cách công bằng”.

“Khi người ta có thể phát ngôn mà không cần chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình thì ta sẽ thấy sự nhiễu loạn thông tin là điều tất yếu xảy ra. Người Việt Nam như GS Đào Duy Anh trong công trình “Việt Nam văn hóa sử cương” (1938) từ nửa đầu thế kỷ trước đã tổng kết, là những người rất ưa thích bài bác, chế nhạo, chế giễu. Thế nên xoay quanh hai sự kiện của PGS Bùi Hiền và GS Hồ Ngọc Đại, ta thấy có rất nhiều những clip, những câu chuyện, hình ảnh được tạo ra theo kiểu “chế”, cốt để đùa vui, để tạo ra hài hước, mà họ không cần phải cân nhắc gì về những hiệu ứng tiêu cực khác mà những “sản phẩm” ấy gây nên. Chẳng có chế tài nào cho việc xử phạt đám đông và ý kiến của đám đông, tôi cho rằng đây cũng là một câu chuyện tất lẽ dĩ ngẫu của đời sống đương đại mà ta phải chấp nhận”.

Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ: 'Không ít trí thức bị lôi kéo vào hiệu ứng đám đông' - 1

3. “Là một nhà nghiên cứu, tôi thấy thái độ, tinh thần làm việc vì khoa học luôn cần nhận được sự tôn trọng dù ở bất kỳ thời nào, trong xã hội nào. Có điều, những nghiên cứu ấy có thể nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, có thể không. Và cộng đồng cũng có quyền nhận xét, đưa ra chính kiến của mình trước những công trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng có những nghiên cứu được tác giả đổ rất nhiều thời gian tâm sức vào, nhưng nếu nghiên cứu ấy không có giá trị thực tiễn, không ứng dụng và giúp ích gì được cho đời sống, thì ta vẫn phải công bằng sòng phẳng mà thừa nhận điều đó là có thật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ: 'Không ít trí thức bị lôi kéo vào hiệu ứng đám đông'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO