Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ: Bóng đao ánh kiếm chạnh niềm thiên thu

Phùng Văn Khai 01/05/2020 09:16

Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ là một người khá nổi tiếng trong giới nghiên cứu lịch sử. Ông còn nổi tiếng khi chủ trì các diễn đàn, câu lạc bộ về thơ Đường, một điều có phần lãng phí thời gian và sức lực, nhưng với ông nào có hề gì.

Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ: Bóng đao ánh kiếm chạnh niềm thiên thu

Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ.

Với các dòng họ trong đó có họ Phùng, ông đặc biệt bởi trong các cuộc Hội thảo Khoa học cấp toàn quốc do các dòng họ khởi xướng và đồng chủ trì với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các cơ quan có liên quan, theo đặc thù mỗi Hội thảo, thì Đinh Công Vỹ, với cái duyên gắn kết họ tộc luôn là người đi tiên phong, bộ đội chủ lực, con át chủ bài, cây đại đao hiệu quả và thuyết phục nhất trong những chương trình tầm vóc ấy.

Tôi là hậu duệ sinh sau ông ba mươi năm, không phải trải qua những đắng cay cơ cực của các cuộc chiến tranh, không phải chịu sự khốn khó về vật chất, cũng khác xa về lối sống, môi trường công tác… vậy mà không hiểu tại sao lại vô cùng gắn bó với vị Tiến sĩ họ Đinh. Có thể chỉ nhìn vào mắt nhau là hiểu sẽ nói gì, sẽ làm gì. Chúng tôi luôn tin tưởng nhau một cách tuyệt đối. Ngay cả những sự mờ khuất của lịch sử chẳng dễ gì vén được ra thì cũng mau chóng nhất trí ở các phán đoán khoa học, lấy sự nhân văn, đạo đức, tiến bộ làm đầu. Nghĩa là ở những khoảng mờ ấy, hậu nhân hãy học cách ứng xử của tiền nhân, hãy biết quên đi những nhỏ nhen mà cùng chung tay góp sức cho nghĩa lớn, cho những dài rộng của tương lai.

Khi tiến hành các hội thảo khoa học, chúng tôi luôn trân trọng mời và tạo điều kiện để ông thể hiện mọi sở trường sở đoản của mình. Đinh Công Vỹ có thể làm việc thâu đêm suốt sáng, có thể đi điền dã hàng tuần, thậm chí hàng tháng vừa học hỏi cầu thị vừa hăm hở say mê. Ông từng tham gia làm việc với nhiều dòng họ, có không ít thành công và nhận được sự quý mến của mọi người, nhưng như ông từng tâm sự, chỉ khi đến với họ Phùng ông mới phát huy được hết những phẩm chất và năng lực nổi trội nhất, mới có những trang viết khoát hoạt nhất, khắc họa ở mức sâu nhất những nhân vật lịch sử mà ông hằng yêu thích. Bố Cái Đại vương Phùng Hưng được Đinh Công Vỹ nghiền ngẫm từ hàng chục năm, ông sinh sống cách Đường Lâm một khoảng ngắn, thường xuyên trò chuyện với các cụ thủ từ nơi đền miếu ở đây nên rất thuận lợi trong công tác nghiên cứu, tìm tòi cái mới từ thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của đức vua. Lần nào trình bày tham luận trong các hội thảo, Đinh Công Vỹ cũng đều cháy hết mình, khẩn thiết và nghiêm cẩn một cách thái quá khiến người tham dự không khỏi cho ông là lên gân.

Tôi luôn thấy bộ ba Đinh Công Vỹ - Hoàng Quốc Hải - Đặng Văn Sinh gắn kết, trăn trở, xét lên xét xuống từng câu từng chữ ở trong quốc sử, văn bia, sắc phong, gia phả rồi đối xét cùng đông tây kim cổ để soi rọi những tồn nghi mà do lười nhác của các thế hệ làm công tác nghiên cứu lịch sử đã lãng quên đi. Đây cũng là bài học lớn đối với người làm công tác nghiên cứu lịch sử.

Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ có một đặc tính nổi trội hơn người đó là sự say mê nghiên cứu lịch sử đến tận cùng. Đã nhiều lần tôi e ngại, thậm chí còn hãi sợ khi ông với nhiệt huyết và lòng tôn trọng lịch sử, đã quả quyết và dốc sức chứng minh những khuất khúc tày trời của lịch sử. Ở các công trình nghiên cứu lịch sử của Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ luôn hàm chứa không chỉ câu chuyện lịch sử hấp dẫn, tường minh và phản biện, truy vấn, làm rõ đến tận cùng. Ông đã đặt ra những vấn đề lớn, câu hỏi lớn trong dòng chảy lịch sử.

Tôi thấy Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ lúc nào cũng sôi sùng sục. Ở ông không có khái niệm nghỉ ngơi. Kể cả đã cùng nhau tranh luận chán chê, đã đi ròng rã nhiều ngày, nhưng bữa sáng, bữa trưa, bữa tối khi đang ăn, Đinh Công Vỹ cũng hăng say thao thiết nói về lịch sử. Tôi có cảm giác rằng, nếu có cách nào đó để ông nhảy vào trong thùng mực rồi lăn ra trên mặt giấy với đủ các câu chuyện lịch sử của mình được hiện hình thì mới thỏa chí bình sinh để ông giải quyết bao ấp ủ.

Đinh Công Vỹ cũng là người rất biết tiếp thu. Phản biện nhau, thậm chí là cãi cọ cũng phải từ khoa học lịch sử, cũng phải bằng tác phẩm. Những tác phẩm, công trình của Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ rất phong phú, bao hàm nhiều lĩnh vực. Ông không chỉ hay nói ngoài đời, thao thao trong điện thoại mà còn viết rất rành mạch, khúc triết, kỹ lưỡng, muôn hồng ngàn tía trong hàng chục cuốn sách đủ mọi thể loại của ông. Ở đâu ra sức lực và nguồn năng lượng chừng như vô tận đó? Lão tiến sĩ cũng đã ngót nghét tám mươi vẫn luôn có mặt ở tuyến đầu. Chỉ riêng với họ Phùng, các cuộc hội thảo khoa học: Họ Phùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước; Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp; Thái phó Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp; Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp, Tiến sĩ Đinh Công Vỹ không chỉ đảm đương viết những tham luận nòng cốt mà ông còn tham gia biên soạn toàn bộ các tham luận trong Kỷ yếu và luôn xung phong viết Chúc văn cho các nhân vật lịch sử trong hội thảo. Viết Chúc văn là việc cực khó không chỉ bởi với thể loại song thất lục bát vốn đòi hỏi niêm luật nghiêm nhặt mà còn phải là người am tường những điển cố sâu xa, một kiến văn rộng lớn và đặc biệt phải có tấm lòng kính ngưỡng tiền nhân mới có thể dễ dàng thể hiện một cách vừa chặt chẽ vừa khoáng hoạt thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của các vị anh hùng.

Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ: Bóng đao ánh kiếm chạnh niềm thiên thu - 1

Những tác phẩm Chúc văn đã được viết ra đã là một thành tựu riêng của Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ.

Dù đã nhiều năm, trong không khí linh thiêng nơi Đường Lâm cổ tự, mỗi buổi sáng ngày mùng 8 tháng Giêng, mỗi khi thấy Tiến sĩ Đinh Công Vỹ mũ đỏ, quần áo đỏ, đôi hia đỏ trang nghiêm đọc chúc văn ca ngợi công đức của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng trong khói hương trầm mặc ai ai cũng như thấy tiếng vọng của hào khí non sông ăm ắp ùa về. Từng câu, từng lời vang lên trong tiếng chiêng tiếng trống như càng thúc giục mỗi người phải biết trân trọng những giá trị văn hiến của cha ông. Tôi thấy Tiến sĩ như hóa thân vào một vị đại quan bộ Lễ đang đĩnh đạc tuyên đọc hịch văn trước triều đình. Ở đó toát lên vẻ đẹp nghìn năm, khí chất mã thượng, thanh cao, nhân văn của muôn dân Lạc Việt.

Là người làm sử, Tiến sĩ Đinh Công Vỹ luôn toát lên tinh thần khoa học, tinh thần kiếm khách thượng tôn sự thật, mong muốn phải biết tường tận cả mặt phải và mặt trái của lịch sử, mặc kệ những gì tưởng như đã ổn định, đã đóng đinh trong chính sử. Đây chính là con đường gai góc nhất mà vị Tiến sĩ họ Đinh cam tâm tình nguyện lựa chọn cho chính mình. Lựa chọn con đường này là chấp nhận sự cam go, nếu ở một người khác, chắc đã tự thoái lui từ lâu. Nhưng đây là Đinh Công Vỹ nên mọi thứ đã rất khác. Những cuốn sách, công trình mà ông trình bày ra, có người hoặc ngay cả bản thân ông cũng nói rằng đó là Bên lề chính sử tôi thấy rằng quả là chưa thỏa đáng, chưa đích đáng với cống hiến và sức lực của ông, chưa công bằng với ông và những tác phẩm mà ông đã công bố. Ở đây tôi muốn nói thêm, chính những gì tưởng như dông dài, đậm tính huyền sử, đưa văn học vào lịch sử như Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam; Chuyện tình kẻ sĩ Việt Nam; và sắp tới là Chuyện tình dân dã Việt Nam đã khiến không ít người nghiên cứu đồng thời hồ nghi vào tính khoa học và sức vóc của các công trình của Tiến sĩ Đinh Công Vỹ. Tôi lại cho rằng khác, rất khác. Chính những ngóc ngách của lịch sử, từ những chuyện tình được lưu giữ trong dân gian kia phải luôn là một phần quan trọng nhất của lịch sử. Nếu lịch sử chỉ dựa vào những văn bản vốn chẳng nhiều nhặn gì, lại luôn khô cứng, giáo điều thì dân tộc Việt đã chẳng phát triển hùng mạnh được như hôm nay. Bản sắc văn hiến Việt Nam, tầm vóc văn hóa Việt Nam, bản lĩnh con người Việt Nam có được phải được hun đúc từ ngọn nguồn phong phú và linh hoạt của mọi tầng lớp, một điều quá hiếm trong chính sử.

Bởi những lý do ấy, tôi luôn khâm phục Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, khi ông đã một mạch mấy mươi năm đi vào tận cùng mọi ngóc ngách của cuộc sống, mọi điểm mờ trong chính sử, những ánh vàng trong dã sử, đường mòn lối mở của huyền tích dân gian để khai mở và trình ra những quan điểm, chính kiến, bài học quý giá của lịch sử. Ông đã chịu nhiều búa rìu, thậm chí là phủ định, thành kiến, khinh khi những tác phẩm thấm đẫm mồ hôi và trí tuệ đằng đẵng mấy chục năm. Những người thiếu bản lĩnh sẽ dễ dàng chùn bước.

Nhưng đối với Đinh Công Vỹ thì tuyệt nhiên không.

Gần một đời làm công tác nghiên cứu lịch sử, duyên nợ ba sinh, độc mã đơn thương dặm trường tự quyết, luôn không hổ thẹn với chính mình, với lịch sử và nhân dân, dường như Đinh Công Vỹ đã đi trọn con đường không một chút ấm êm phẳng lặng mà đầy rẫy thác ghềnh bóng đao ánh kiếm vẫn an toàn cho tới hôm nay đã là một đặc ân của tạo hóa dành cho vị Đinh tiến sĩ. Một điều lạ là Đinh Công Vỹ cũng chẳng đòi hỏi gì cho riêng mình. Tiền tài, danh phận, ngay cả những thứ vui chơi thường nhật Đinh Công Vỹ cũng chẳng đam mê thái quá điều gì. Sống làm sao thấy ổn thỏa với chính mình là được. Đến lúc này đây, tôi mới giật mình thấy Tiến sĩ họ Đinh hóa ra đã từ lâu ngộ được đạo trời. Đã biết buông bỏ những gì cần buông bỏ. Sôi sùng sục đấy nhưng cũng rất tùy duyên. Đi đến tận cùng, đến máu chảy đầu rơi nhưng cũng biết uyển chuyển linh hoạt tìm sự bình yên trong bóng đao ánh kiếm.

Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, ở những lúc gần gũi ông nhất, tôi luôn cảm thấy sự hấp dẫn đặc biệt từ chính sự say mê lịch sử của ông. Ông say mê đến độ có lúc tưởng như quên đi chính mình, gia cảnh của mình. Cuộc đời vốn đường xa dặm thẳm. Có biết bao nhiêu thứ không theo được ý ta. Ở con người hay cười hay nói ấy có những lúc cũng lặng đi, trầm xuống bởi chất chứa quá nhiều tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ: Bóng đao ánh kiếm chạnh niềm thiên thu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO