Mặc dù Tiến sĩ Trần Hinh đã chính thức về hưu. Nhưng thầy vẫn tiếp tục giảng dạy, viết sách báo. Hiện thầy cùng vợ và con trai sống trong một căn nhà khoảng chừng 70 mét vuông tại khuôn viên của trường: “Căn nhà ấy cũng giống như công việc tôi đã lựa chọn. Tôi đã ở đó từ ngày đầu ra trường mà không có bất cứ sự thay đổi nào. Cuộc sống với tôi thật ra rất đơn giản”.
PV:Thưa thầy, nhớ về trước đây, mỗi khi đến năm học mới, đón chào các tân sinh viên, thầy thường có những cảm xúc, suy nghĩ gì?
Tiến sĩ Văn học/ Dịch giả Trần Hinh: Tôi từng làm nghề giáo hơn 40 năm qua, 40 năm chỉ duy nhất đau đáu với riêng một nghề này thôi, nên với nó tôi thấy thật sự sâu nặng. Tôi nhớ rằng, cứ mỗi năm sau kì nghỉ hè tạm xa giảng đường, xa học trò, khi năm học mới quay trở lại thì thấy đầy háo hức. Nghề giáo nó buồn cười lắm, đôi khi đang làm chính những công việc của mình, gặp một chuyện gì đó không hài lòng, thì thấy buồn, thậm chí còn ấm ức. Nhưng cứ mỗi lần được tiếp xúc với một lớp học trò mới, mọi thứ buồn bực lại gần như tan biến hết. Tôi hình dung sắp đến với bộn bề những công việc lo toan, sẽ vất vả hơn so với những ngày nghỉ ngơi trong tháng hè. Nhưng có lẽ cảm xúc mạnh mẽ nhất là tôi hình dung ra một lớp học trò mới, mỗi đứa sẽ mang về đây một “miền quê” riêng, một vẻ đẹp riêng, một tâm hồn, tính cách riêng, vậy là thích rồi. Với người làm nghề giáo, trong suy nghĩ của tôi, mỗi năm học mới, đều giống như một trang đời mới, nó chứa đựng nhiều “bí ẩn”, nhiều câu chuyện, nhiều “xôn xao” của cuộc đời. Vì thế mà, thông thường, khi những tờ lịch tháng 8 mỏng dần đi, thì cảm xúc trong lòng những người làm thầy như tôi lại lớn dần lên. Đó là những điều hoàn toàn chân thực.
Vì sao thầy đến với nghề giáo?
- Con đường dẫn tôi đến với nghề giáo hoàn toàn ngẫu nhiên. Như bạn thấy, tôi đâu phải là một giáo sinh theo nghề sư phạm. Năm 1971, tôi chính thức bước chân vào giảng đường Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp, bây giờ là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia, Hà Nội. Lúc ấy, đất nước đang có chiến tranh, là một học sinh nông thôn, thậm chí tôi còn không hình dung nổi cái khoa Ngữ Văn mà mình theo học nghĩa là gì. Chỉ biết khi còn học phổ thông, mình thích văn, nên khi đăng kí ngành học thì vào Tổng hợp Văn thôi. Vào những năm tôi vào đại học, chưa có mạng xã hội, chưa internet, truyền hình cũng không, nên học trò nông thôn chúng tôi lúc ấy quả thật không hề biết gì cả, cứ thích cái gì thì đăng kí vào học cái đó thôi. Rồi khi ra trường chọn nghề cũng thế. Tất cả đều do tổ chức của trường phân công hết. Thời kì ấy, chúng tôi thuận lợi và may mắn hơn các bạn sinh viên bây giờ nhiều. Ra trường không phải tự lo công việc, nên khi tốt nghiệp ai cũng đều nhận việc theo sự phân công của tổ chức. Tôi thuộc diện một trong những học sinh có kết quả học tập tốt hơn các bạn khác nên được giữ lại. Thế là trở thành thầy giáo, chứ chẳng phải vì tình yêu ghê gớm gì với công việc này. Chúng tôi, lớp học trò Tổng hợp lúc ấy thậm chí còn không được học một giở Giáo pháp học nào. Ở lại 6 tháng sau là lên lớp thôi.
Suốt 40 năm gắn bó với nghề giáo, đã khi nào thầy muốn dừng việc giảng dạy lại không ạ?
- Thú thực, không phải “lên gân lên cốt” gì, trong cuộc đời hơn 40 năm làm nghề giáo của mình, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ công việc giảng dạy của mình. Cách đây không lâu, có lần trong bữa cơm vui vẻ của gia đình dịp cuối tuần, cậu con trai cả của tôi, bất ngờ đặt một câu hỏi vui với bố mẹ: “Con thật sự không hiểu tại sao bố mẹ có thể làm một công việc trong suốt hơn 40 năm trời, với đồng lương ít ỏi mà không có lúc nào thấy chán nản, không chuyển sang một công việc gì khác?”. Thú thực lúc ấy tôi cũng hơi bí, không biết trả lời thế nào, nhưng trong lòng thì nghĩ rằng, cái thế hệ của bố mẹ là như vậy, quen với việc được sắp xếp, làm công việc gì thì cứ “chung thủy” với nó suốt đời, rất ngại có sự thay đổi. Nhưng nói thật, ban đầu do chưa có được trải nghiệm nhiều, tôi chỉ nghĩ đơn giản nghề của mình cũng như mọi nghề khác. Về sau khi đã trải nghiệm, được tiếp xúc với nhiều thế hệ học trò, thì tôi thực sự thấy yêu nghề. Vậy thì tại sao lại phải thay đổi? Lại còn thêm một lý do khác nữa, tôi tự nhủ trong lòng, nếu không làm nghề giáo, thực sự tôi cũng chẳng biết làm nghề gì. Cứ như đó là một thứ “thiên mệnh” vậy.
Những kỉ niệm đẹp với học trò mà thầy luôn nhớ tới?
- Kỉ niệm thì nhiều lắm, thật khó nói hết. Chẳng hạn, lúc mới vào nghề, những giờ lên lớp còn “ngây ngô”, nhưng nhìn vào ánh mắt của học trò phía dưới lớp, có cả sự thất vọng và sự động viên chia sẻ, thì thấy mình như được tiếp thêm năng lượng, và tự nhủ phải hết sức cố gắng. Rồi đến khi đã có sự tự tin, những giờ lên lớp trở nên “bay bổng” hơn cũng là nhờ những ánh mắt “lấp lánh” của học trò ở phía dưới lớp. Sau này khi đã có nhiều thế hệ học trò, thì niềm vui và sự thăng tiến trong nghề nghiệp càng được tăng lên, đi đến đâu, cũng đều có cảm giác như có ánh mắt dõi theo của học trò. Rồi mỗi sự thành công của học trò mà mình biết được, đều cảm thấy tự hào, và cả sự tiếc nuối, rằng trước đây lẽ ra mình phải làm tốt hơn nữa “thiên chức” của người thầy giáo. Có một kỉ niệm rất “ấn tượng” tôi muốn nhắc đến ở đây, là chính nhờ có sự giới thiệu của một học trò, mà chúng tôi đã được Quỹ Ford tài trợ dự án điện ảnh để xây dựng ngành Nghệ thuật học tại khoa Văn học hiện nay. Còn nhiều kỉ niệm lắm, tôi không thể nhắc hết đến ở đây được.
(Minh họa: liskfeng).
Khi lên giảng đường, thầy mong muốn trao truyền đến sinh viên những gì?
- Là giáo viên dạy văn, nên ngoài mong muốn truyền giảng cho sinh viên những kiến thức nghề nghiệp, tôi còn muốn gửi gắm vào các bài giảng của mình vẻ đẹp và tình yêu giữa những con người trong cuộc sống. Tôi vốn dạy văn học lãng mạn mà. Tôi là “đồ đệ” của Victor Hugo, chủ soái của trường phái văn học lãng mạn Pháp thế kỉ XIX.
Nhìn lại những việc đã làm, thầy cảm thấy ra sao?
- Tôi nghĩ bất cứ ai, dù có làm tốt thế nào, khi đã kết thúc công việc của mình, cũng khó mà thỏa mãn. Bản thân tôi cũng thế. Cho đến lúc này khi đã được nghỉ ngơi, tôi vẫn cảm thấy nuối tiếc, vì có nhiều việc mình chưa làm được. Hoặc nữa, có những việc đã làm được rồi, tôi vẫn cảm thấy lẽ ra mình có thể làm tốt hơn. Tuy nhiên, thành thật mà nói, tôi không có ân hận gì sau một chặng đường dài công việc: thỏa mãn thì không, nhưng bằng lòng thì có.
Rất nhiều sinh viên khi ra trường vẫn luôn nhớ tới thầy với niềm biết ơn và trân trọng, thầy nghĩ, cảm thấy sao về điều này?
- Tôi thật sự trân trọng những tình cảm của họ.
Xin cảm ơn thầy, và chúc thầy luôn có sức khỏe tốt, tiếp tục công việc đã gắn bó cả đời.