Tiến sĩ Vũ Thế Long: Sống theo lối cha ông đã truyền dạy

Việt Quỳnh (thực hiện) 11/10/2022 15:16

Tiến sĩ Khảo cổ học Vũ Thế Long sinh năm 1947 tại Hà Nội. Ông là nhà nghiên cứu về khảo cổ, nhân chủng học, môi trường, lịch sử văn hóa. Cuốn sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời” của ông vừa được đề cử trong Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội” lần thứ 15.

Tiến sĩ Vũ Thế Long.

Hà Nội trong ông, là những điều đẹp đẽ gì?

- Tôi yêu Hà Nội của tôi. Với tôi, thì Hà Nội của tôi cái gì cũng đẹp. Dẫu rằng còn nhiều cái xấu do người Hà Nội mới hay cũ cùng tồn tại trên miền đất này có những tính cách và lối ứng xử có thể khác nhau khiến nó chưa được tuyệt hảo như ta mong muốn. Tôi quan niệm Hà Nội không phải chỉ của những người sinh ra, lớn lên ở đó hay những người có nhiều thế hệ sinh tồn ở đó.

Hà Nội là của cả nước nên tất cả dân Việt đều cần có sự tôn trọng giá trị chung của thủ đô và cùng vun đắp cho Hà Nội xứng đáng với vị trí của quốc gia. Làm sao cho Hà Nội của chúng tôi và của chúng ta sẽ ngày càng trở nên đẹp hơn.

Tôi là sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều thế hệ ở Hà Nội và gia đình vợ tôi cũng như vậy. Gia đình tôi thì bố là kĩ sư Vô Tuyến điện, mẹ tôi là viên chức sở giao thông Hà Nội lúc trước khi nghỉ hưu. Các cụ đông con, 7 anh chị em chúng tôi, là công chức nhà nước sống bằng tiền lương hưu nên cuộc sống khá vất vả vì phải nuôi các con. Sau này trải qua thời chiến tranh, rồi sống trong những thời buổi kinh tế khó khăn. Gia đình bên vợ tôi cũng là gia đình nghệ sĩ, các cụ là họa sĩ và điêu khắc gia, cũng như mọi người Hà Nội đều trải qua gian khó và vất vả. Kỉ niệm với gia đình và bè bạn đầy ắp mà nó nằm trong từng mẩu chuyện tôi viết.

Những mẩu chuyện đời tôi viết trong cuốn sách "Người Hà Nội - Chuyện ăn uống một thời" chủ yếu nói về chuyện ăn uống nhưng nó cũng là chuyện văn hóa và chuyện đời. Ăn uống là văn hóa, là cái tình và cái xảy ra suốt đời người. Tôi viết về tất cả những kỉ niệm gắn bó đời tôi với Thủ đô Hà Nội.

Hình ảnh người Hà Nội thanh lịch luôn gắn với vẻ đẹp văn hóa truyền thống của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Tinh tế từ cái ăn, cái mặc đến nết ở, nếp sống, người Hà Nội luôn ý thức gìn giữ những chuẩn mực đạo đức lối sống, nhất là nề nếp gia phong. Nhờ thế, dù những giá trị vật chất có ảnh hưởng sâu rộng và trở thành mục đích sống, thì người Hà Nội vẫn giữ được sự thanh thản bình an giữa sự phong phú về đời sống tinh thần.

Hà Nội tinh tế từ nét ăn, nét uống, ông đã quan sát và thấy cảm hứng ra sao để quyết định viết một cuốn sách về ăn và uống của người Hà Nội?

- Tôi không phải là người đứng ngoài và quan sát những nét đẹp, nét tinh tế trong ăn uống và ứng xử. Tôi đương nhiên phải sống theo lối sống mà cha ông, tổ tiên đã truyền dạy và tất nhiên cũng phải thích hợp với thời cuộc theo kiểu thích ứng của người Hà Nội.

Tôi viết những tản văn này và in rải rác trên một số tờ báo như: Thể thao & Văn hóa, Lao động, Đại Đoàn Kết, Văn hóa, và cả nhiều tờ báo chuyên ngành khác. Tôi viết không chỉ để ca ngợi mà còn thể hiện mong muốn của mình sẽ được đóng góp gìn giữ những giá trị truyền thống trong ăn uống và ứng xử của người Hà Nội với đời chứ không chỉ trong chuyện ăn chuyện uống, dẫu rằng ăn uống cũng là chuyện đời, là tính cách quý báu mà chúng ta cần gìn giữ, những thói xấu cần khắc phục và loại trừ.

Ông có thể chia sẻ về quá trình ông viết cuốn sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời”?

- Tôi viết những tản văn này khi có hứng và luôn coi việc viết ra những điều tốt và chưa tốt trong đời như một trách nhiệm của công dân, một người làm nghề nghiên cứu đa ngành có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Có nhiều bài viết rồi khi báo đăng lên thì các nhà quản lí có tâm rất lắng nghe và có những hành động tốt hơn để cải thiện nó. Nhưng có những điều nói mãi họ chẳng thèm nghe, đơn giản như chuyện cần có những nhà vệ sinh công cộng thì chẳng ai quan tâm cho thấu đáo cả.

Hà Nội ngày một phát triển về đời sống vật chất, nhưng nét đẹp của Hà Nội thực sự lại nằm trong cốt cách giữ gìn đạo đức văn hoá cha ông, từ nếp đi đứng ăn nói đến phong thái đối xử đầy nhân văn, ông chia sẻ sao về điều này?

- Tôi vô cùng tôn trọng những giá trị nhân văn, cốt cách của người Hà Nội được vun đắp từ nghìn năm. Việc gìn giữ những tinh hoa văn hóa, tinh hoa trong ứng xử đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, của nhiều thế hệ và vai trò của những nhà lãnh đạo. Hà Nội không thiếu những nhân tài và không thiếu những người vừa có tài, vừa có đức để quán xuyến việc chăm lo cho Thủ đô. Cần phải làm đồng bộ từ pháp luật cho đến giáo dục và dùng dư luận xã hội để loại trừ cái xấu, cái độc hại, xây dựng nếp sống tốt đẹp cho Thủ đô.

Dự định của ông tới đây về văn hóa?

- Tôi đã ở tuổi 75 nên tùy theo sức của mình mà chọn việc. Có thể tôi sẽ làm nốt việc xuất bản các cuốn sách viết về văn hóa đang dở và tham gia thúc đẩy Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam mà tôi cũng là một trong những thành viên sáng lập. Tôi muốn tham gia cùng ngành du lịch tiếp tục công việc giới thiệu và quảng bá du lịch Việt Nam, trong đó ẩm thực là chủ đề tôi quan tâm từ nhiều năm qua.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến sĩ Vũ Thế Long: Sống theo lối cha ông đã truyền dạy