Được xem là chiếc phao cứu cánh cho người bệnh, nhất là đối với những bệnh nhân nghèo. Tuy nhiên theo thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tỉnh mức độ bao phủ BHYT chỉ đạt trên 50%.
Để tăng độ bao phủ BHYT không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành chức năng
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Nhiều địa phương không chú trọng tới BHYT
Thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến 31-5, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT (tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4%, so với cùng kỳ năm 2014), đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các địa phương. Đặc biệt, 8 tỉnh gồm An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long mới chỉ đạt độ bao phủ BHYT trên 55% dân số.
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá việc triển khai Luật BHYT mới đây, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh thẳng thắn nói, dù BHYT được xem là giá đỡ giúp người dân đồng thời giảm gánh nặng cho Nhà nước song ở nhiều nơi chính quyền địa phương không quan tâm tới chính sách này, không tuyên truyền để người dân hiểu và biết đến chính sách BHYT. Do đó tỷ lệ người dân tham gia BHYT rất thấp. Việc tuân thủ pháp luật trong tham gia BHYT của nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa cao.
Cũng theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, trong kế hoạch thực hiện BHYT toàn dân của các địa phương, hầu hết chưa xây dựng chỉ tiêu phát triển BHYT theo từng nhóm đối tượng tiềm năng để có lộ trình và giải pháp phù hợp, hiệu quả. Việc thực hiện BHYT đối với người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg ngày 27/05/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-BLĐTB&XH ngày 29-08-2014 đến nay các địa phương vẫn chưa triển khai... Tất cả những yếu tố này cho thấy việc mở rộng 4% (tương ứng với gần 5 triệu người) tham gia BHYT vào cuối năm 2015 theo Nghị quyết của Quốc hội thực sự là một thách thức rất lớn.
Đồng quan điểm đại diện Bộ Y tế cho biết, đến nay việc thực hiện chính sách BHYT vẫn tồn tại nhiều bất cập; một số tỉnh, thành phố, công tác bao phủ BHYT toàn dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thiếu sự chỉ đạo triển khai quyết liệt. Các địa phương chưa giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, chưa hướng dẫn đầy đủ việc kê khai lập danh sách đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; người dân ít thông tin về BHYT, chưa thấy hết lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm tham gia BHYT. Một số nhóm đối tượng chưa đạt tỷ lệ tham gia BHYT như nhóm tham gia theo hộ gia đình; người thuộc hộ cận nghèo; người vừa thoát khỏi diện cận nghèo; người lao động trong các doanh nghiệp; học sinh, sinh viên trong hệ thống các trường học.
Cần coi là chỉ tiêu phát triển của mỗi địa phương
Để đạt mục tiêu bao phủ 75% dân số tham gia BHYT trong năm 2015, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ tập trung triển khai các giải pháp để mở rộng đối tượng, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, tập trung chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT thấp dưới 60%, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các địa phương để cùng chung tay tháo gỡ tồn tại, làm gia tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với một số nhóm đối tượng...Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng để tiến tới đạt độ bao phủ 75% trong năm 2015 sẽ gặp không ít những thách thức và nếu chỉ có sự quyết tâm của cơ quan BHXH và Bộ Y tế thôi chưa đủ.
Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, hiện công tác triển khai thi hành Luật BHYT vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc như: tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHYT tại các DN vẫn diễn ra khá phổ biến và kéo dài qua nhiều năm. Theo thống kê, có khoảng 49% số người trong các DN không tham gia BHYT nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp để giải quyết có hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT còn nhiều hạn chế. Tại nhiều địa phương, nhiều địa bàn dân cư, số lượng người dân tham gia BHYT rất ít, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, đặc biệt là các hộ nghèo và cận nghèo, NLĐ thuộc DN tư nhân, nhóm đối tượng tự nguyện... tham gia BHYT với tỷ lệ thấp. Do đó để triển khai các giải pháp có hiệu quả, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân theo đúng lộ trình, điều kiện cấp thiết là Chính phủ nên giao chỉ tiêu cụ thể thực hiện bao phủ BHYT toàn dân cho các địa phương. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị cấp dưới thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về BHYT. Các địa phương cần huy động nguồn lực để hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại theo chỉ đạo của Chính phủ cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích và các quy định tham gia BHYT.