Ngày 12/4, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Martin Guzman đã đến châu Âu để tìm kiếm sự ủng hộ giữa các quốc gia thuộc Nhóm G7 và G40, nhằm đàm phán lại các khoản nợ hàng tỷ USD của nước này với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nhóm các quốc gia chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris. Cuộc gặp dự kiến kéo dài 5 ngày, cả phía cho vay lẫn phía đi vay đều “hồi hộp”. Tuy nhiên, không chỉ riêng Argentina, mà còn nhiều quốc gia khác rơi vào cảnh nợ nần cũng chỉ do Covid-19.
Trên nguyên tắc, Chính phủ của Tổng thống Argentina Alberto Fernandez phải làm sao đàm phán được khoản tiền khoảng 45 tỷ USD mà đất nước này nợ IMF. Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế vốn đã ốm yếu của đất nước vốn là nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới. Còn trước mắt, Argentina phải “ngay lập tức” đối mặt với khoản nợ 2,5 tỷ USD phải trả cho Câu lạc bộ Paris.
Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Argentina, tháng 12/2019, ông Fernandez đã tìm cách thương lượng lại các khoản nợ hàng tỷ USD, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ 45 triệu dân này rơi vào suy thoái kể từ giữa năm 2018. Theo các thỏa thuận đạt được dưới thời chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Mauricio Macri, Argentina đã nhận được 44 tỷ USD trong khoản vay 57 tỷ USD từ IMF. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, ông Fernandez đã từ chối nhận phần còn lại của khoản vay này. Thay vào đó, năm 2020 ông Fernandez đã đàm phán được một khoản vay 66 tỷ USD khác.
Phát biểu trên kênh truyền hình C5N, Tổng thống Fernandez nhấn mạnh: “Không phải là chúng tôi không trả nợ mà là tìm cách đạt được một thỏa thuận sẽ cho phép chúng tôi duy trì kế hoạch phát triển và tăng trưởng kinh tế mà không quên 40% dân số đang sống dưới mức nghèo khổ”.
Nền kinh tế Argentina suy giảm 9,9% trong năm 2020 do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tỷ lệ lạm phát trong năm 2020 của nước này ở mức 36,1%, và dự kiến sẽ ở mức 48% trong năm nay. Đó là những con số khổng lồ.
Kể từ năm 2018, cuối tháng 8, Argentina đã đề nghị IMF cung ứng khoản tín dụng trị giá 3 tỷ USD trong tháng 9, trong bối cảnh đồng nội tệ peso của nước này tiếp tục lao dốc xuống mức thấp kỷ lục mới 31,570 peso đổi 1 USD trong phiên giao dịch ngày 27/8/2018. Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Argentina Nicolás Dujovne bày tỏ hy vọng IMF sẽ cấp cho Argentina số tiền 3 tỷ USD, đồng thời dự báo tăng trưởng kinh tế của Argentina sẽ giảm 1% trong năm do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, đặc biệt do hoạt động sản xuất giảm và tác động của hạn hán đến ngành nông nghiệp.
Lúc bấy giờ, trong trường hợp IMF nhất trí, khoản 3 tỷ USD sẽ là đợt giải ngân thứ hai trong gói tín dụng dự phòng với tổng trị giá 50 tỷ USD mà IMF đã ký với Chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri trong tháng 6 trước đó, nhằm giúp Argentina ứng phó với tỷ lệ lạm phát tăng cao, thâm hụt ngân sách và đồng nội tệ mất giá.
Cũng cần nhắc lại, kể từ tháng Tư cho tới tháng Chín, đồng peso đã mất giá tới 48%, khiến Ngân hàng Trung ương Argentina phải nhiều lần tăng lãi suất để chặn đà lao dốc của đồng nội tệ và giảm bớt ảnh hưởng của tình trạng này đối với tỷ lệ lạm phát hiện ở mức 30%.
Sau khi IMF thông báo nhất trí cấp gói tín dụng kéo dài 3 năm với trị giá 50 tỷ USD, Chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri đã cam kết thực hiện mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách ở mức tương đương 1,3% GDP trong năm 2020. Nhưng điều đó đã không thành hiện thực.
Trong khi đó, người dân Argentina dồn dập tổ chức những cuộc biểu tình lớn phản đối việc Chính phủ “bắt tay” với IMF, cho rằng tổ chức tài chính này là nguyên nhân gây ra những cuộc khủng hoảng cho kinh tế Argentina, với những điều kiện để cho nước này vay tín dụng.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã lên tiếng bày tỏ sự tôn trọng và ủng hộ “những tiến bộ vượt bậc trong các chính sách kinh tế của Chính phủ Argentina” sau khi được tổ chức tài chính này thông qua khoản vay tín dụng lên tới 50 tỷ USD.
Để trấn an dư luận, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof khẳng định Argentia không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào từ IMF, bởi vì thể chế tài chính này không phải là chủ nợ của Buenos Aires. Tuy nhiên, ông Kicillof cũng phản đối việc IMF giám sát cuộc đàm phán nợ với Câu lạc bộ Paris. Năm 2005, Argentina thanh toán nợ với IMF và cắt đứt quan hệ tín dụng với IMF, do coi thể chế này là ‘’thủ phạm’’ gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng tại nền kinh tế Mỹ Latinh (cụ thể là hồi cuối năm 2001 và đầu năm 2002).
Bộ trưởng Axel Kicillof nhấn mạnh “Buenos Aires ‘không nợ IMF một xu nào’’.
Trước đó, sau khi tuyên bố vỡ nợ vào năm 2001, Argentina không nhận được vốn vay nước ngoài vì chưa giải quyết nợ với Câu lạc bộ Paris và với các ‘’quỹ kền kền’’ do họ đã kiện nước này ra một số tòa án quốc tế.
Con số chính thức của Nhà nước Argentina cho biết, dự trữ ngoại hối của nước này giảm mạnh từ mức kỷ lục 52 tỷ USD năm 2011 xuống 43,3 tỷ USD khi kết thúc năm 2012 và 27,6 tỷ USD vào thời điểm hiện nay, do Buenos Aires phải sử dụng ngoại tệ để trả nợ và đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án phát triển cũng như nhu cầu mua ngoại tệ để giữ tiền của người dân.
Như vậy, với những gì đang gặp phải trong đại dịch Covid-19, Argentina đang đứng trước lần vỡ nợ thứ hai kể từ năm 2011. Thực tế đó được coi là hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều quốc gia khi lâm vào cảnh nợ nần do dịch Covid-19.