Tiếng lòng ngư dân

Hạnh Nguyên 02/07/2016 09:35

Một ngày sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân sự cố môi trường, chúng tôi xuôi về vùng biển thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh)- nơi bắt đầu sự cố và cũng là nơi Formosa đặt đường ống xả thải gây ra thảm họa. 

Ngư dân Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đợi ngày ra khơi.

“Thèm cá lắm rồi!”

Ba tháng nay, những ngư dân ở thôn Hải Phong 1 và 2 xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh) dẫu vẫn mặn mà với nghề và nhớ biển đến cồn cào, thèm cá đến phát bực nhưng họ không thể ra khơi. Những người đàn ông sạm đen ngồi u buồn trên bờ không buồn động đậy. Phụ nữ, trẻ em làng biển quanh quẩn trong nhà chẳng biết làm gì. Cuộc sống cứ vậy trôi qua ở cái làng vốn nhộn nhịp, tấp nập mỗi khi đến giờ ra khơi và cập bến.

Ngư dân Chu Văn Yên (thôn Hải Phong 2) chia sẻ, gia đình ông có 4 người đều bám biển mưu sinh, trước đây có thêm vài ba sào ruộng trồng lúa lấy gạo ăn nhưng 2 năm nay đã nhường tất cả cho doanh nghiệp. Khi chưa xảy ra thảm họa cá chết, gia đình ông Yên mỗi ngày một người có thể kiếm được bình quân từ 7 trăm đến một triệu đồng nhưng từ tháng 4 đến nay chỉ đi biển được vài ba lần.

“Một phần vì được ít, một phần vì có được cũng không ai mua nên thôi. Bữa ăn hàng ngày chỉ quay đi quay lại là thịt lợn với rau, trứng. Giờ thèm cá lắm rồi…!”- ông Yên nói.

Ngồi bên cạnh ông Yên là ngư dân Chu Công Dần, năm nay đã 60 tuổi nhưng ông Dần vẫn ngóng đợi mẹ biển “sống lại” để ông cùng hai đứa con trai đang tuổi lao động ra khơi. Ông Dần nói: “Cả nhà tôi sống nhờ vào biển, giờ biển bị tàn phá chẳng kiếm ra đồng tiền nào mà ăn. Hai thằng con đang tuổi sung sức nhưng không có nghề ngỗng gì sợ chúng hư mất”.

Ngồi nghe những tâm tư của ngư dân ở đây được một lúc thì có hai người vừa đi lặn sò về, đó là anh Chu Văn Thành và Chu Văn Sỹ. Hai anh dậy đi lặn sò từ lúc 5h sáng đến 3h chiều mới về, thành quả thu được là 8 kg sò chang chang. Sò này xuất khẩu nên được giá, mỗi kg là 200.000 đồng. Mỗi anh thu về được 800.000 đồng. Nhưng không phải ai cũng hành nghề lặn sò như anh Thành hay anh Sỹ và hàng trăm ngư dân thì chỉ có hai ngư dân này gặp may. Nghề lặn phải đánh đổi nhiều thứ.

Chị Chu Thị Tạnh (vợ anh Thành) tâm sự với chúng tôi: Phải nuôi 3 đứa con ăn học, trong đó hai đứa học đại học nên vợ chồng không quản vất vả kiếm tiền nuôi con. Vợ ở nhà mở quán bán hải sản còn chồng thì đi lặn sò. Trước đây mỗi ngày thu được hàng triệu đồng nhưng từ khi sự cố môi trường xảy ra đến nay không có một khách hàng nào ăn hải sản nên hàng quán của chị ế ẩm. Cả nhà chỉ dựa vào những chuyến đi lặn sò của anh Thành. Nhưng điều chị Tạnh lo nhất là sức khỏe của anh Thành vì càng ngày càng giảm sút mà không dám đi khám. Nếu xảy ra chuyện gì thì cả nhà coi như mất nốt chỗ dựa duy nhất.

Hàng chục ngư dân ngồi thở dài bên bờ biển đặt câu hỏi: Chúng tôi muốn biết bao lâu thì biển lại sạch như xưa? Hải sản ở vùng biển nào an toàn để chúng tôi đi đánh bắt?

Ông Chu Văn Quang- Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho biết: Sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân sự cố môi trường biển vừa qua thì lòng tin của người dân đối với Chính phủ đã tăng lên rất nhiều. Nhưng hiện nay, cái người dân cần nhất ngoài việc hỗ trợ, bồi thường trước mắt thì Chính phủ, các ngành chức năng phải làm sao công bố được vùng biển nào sạch để ngư dân yên tâm tiếp tục ra khơi và phải đảm bảo làm sao để Formosa không tiếp tục tái phạm.

Còn việc chuyển đổi nghề cho ngư dân là rất khó bởi lâu nay người dân có truyền thống đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản nên chuyển sang nghề khác là điều rất bất cập. Chỉ có cách là hỗ trợ đóng tàu công suất lớn để người dân đánh bắt xa bờ. Bởi như Kỳ Lợi có 812 tàu thuyền thì chỉ có 26 tàu đánh bắt xa và trung, còn lại là đánh vùng lộng.

Kịp thời hỗ trợ

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh vừa ký quyết định hỗ trợ tạm thời người dân một số chính sách để sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất do ảnh hưởng sự cố môi trường biển.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ gồm tổ chức, người lao động và các nhân khẩu trong hộ có hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản có tàu thuyền không lắp máy hoặc lắp máy có công suất nhỏ hơn 90CV; dịch vụ hậu cần nghề cá; nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp do sự cố môi trường tại TX Kỳ Anh và các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà và Nghi Xuân.

Cụ thể, hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các thành viên thuộc hộ gia đình bị ảnh hưởng sự cố môi trường, với thời hạn từ ngày 1/7/2016 đến 30/6/2017. Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn thực hiện chuyển đổi ngành nghề (từ khai thác đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản mặn lợ, hậu cần nghề cá, nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc làm nghề khác) đối với các khoản vay giải ngân phát sinh trong thời gian từ 1/7/2016 đến 31/12/2016, thời gian hỗ trợ lãi suất 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Mức vay vốn hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ.

Đối với việc khai thác hải sản, hậu cần nghề cá: Khi đóng mới tàu cá; tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản, được ngân sách hỗ trợ cụ thể như tàu công suất từ 400CV/chiếc trở lên, được hỗ trợ 600 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 300 triệu đồng. Đối với tàu công suất từ 250CV đến dưới 400CV/chiếc, được hỗ trợ 400 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 200 triệu đồng. Đối với tàu công suất từ 90CV đến dưới 250CV/chiếc, được hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 100 triệu đồng...

Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km với 4 cửa sông và nhiều bãi triều, có 34 xã ven biển và 12 xã ven cửa sông thuộc 06 huyện, thị xã ven biển với số dân 268.871 người (ven biển 198.731 người, ven cửa sông 70.140 người). Cả tỉnh có hơn 16.000 hộ có lao động gắn với hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá với khoảng 80.000 nhân khẩu; bên cạnh đó còn rất nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong các ngành, nghề liên quan đến biển như: Sản xuất muối, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ hải sản; kinh doanh dịch vụ hải sản, du lịch biển và các lĩnh vực khác… Sự cố môi trường vừa qua đã khiến hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, rơi vào cảnh khốn cùng. Formosa đã chấp nhận đền bù 500 triệu USD nhưng mong muốn thực sự của người dân lúc này là sinh kế lâu dài.

Hiện tỉnh Hà Tĩnh có 5.172 tàu, thuyền các loại, trong đó có 4.768 chiếc không lắp máy và lắp máy dưới 90CV khai thác vùng lộng, vùng ven bờ từ 20 hải lý trở vào, chiếm hơn 92%. Do sự cố môi trường biển, vùng lộng gần 3 tháng qua chưa được khai thác mà chỉ có vùng khơi. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là phải làm sao để ngư dân vùng lộng có được cuộc sống ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng lòng ngư dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO