Kỷ niệm 14 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), từ ngày 22/11 đến ngày 15/12 tại nhiều địa điểm của phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra chuỗi hoạt động văn hóa “Tiếng tơ” do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cùng các đơn vị liên quan, các nhà nghiên cứu phối hợp tổ chức.
Theo đó, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ) sẽ diễn ra chuỗi hoạt động như: Trưng bày giới thiệu một số công đoạn làm tơ của nghệ nhân Phạm Thị Thuận- người duy nhất “điều khiển” con tằm thành “thợ dệt” và bà cũng là người duy nhất thành công trong việc “bắt” sen nhả tơ; Trình diễn thời trang “Tiếng tơ” của các nhà thiết kế La Hằng, Trịnh Bích Thủy, Thùy Anh…
Tại đây cũng sẽ diễn ra toạ đàm “Câu chuyện tiếng tơ” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân và các nhà thiết kế; Biểu diễn âm nhạc nghệ thuật “Chuyện nhạc tiếng tơ”của nhóm Đông Kinh cổ nhạc.
Còn tại ngôi Nhà di sản 87 Mã Mây, với chủ đề “Huyền thoại trà di sản - Giàng Pằng Sùng Đô”, sẽ diễn ra hoạt động giới thiệu về quần thể 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ Giàng Pằng (tỉnh Yên Bái) đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây di sản Việt Nam. Chương trình này do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp cùng nghệ nhân văn hóa ẩm thực Nguyễn Cao Sơn tổ chức.
Cũng trong chuỗi hoạt động văn hóa “Tiếng tơ”, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp cùng sư thầy Thích Chỉnh Tuệ trưng bày giới thiệu 30 tác phẩm thi - thư - họa miêu tả vẻ đẹp hoa sen do sư thầy sáng tác tại đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm.
Các hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm bảo tồn các giá trị di sản, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; đồng thời, tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương có các điểm di sản trong cả nước trong việc trao đổi kinh nghiệm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.