Trong thực tế, nếu nhìn ngôn ngữ trên truyền thông, nhất là mạng xã hội ngày nay, tiếng Việt đã xa vời vợi so với những gì được coi là chuẩn mực. Điều này được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ trong phát biểu tại Hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” mới diễn ra, khi ông cho rằng ngày càng có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, những biểu hiện quá dễ dãi trong phát triển, làm mới tiếng Việt.
Những vấn đề đặt ra tại cuộc hội thảo và ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại một lần nữa gióng một hồi chuông gay gắt: Mỗi ngày, bằng vào những biến đổi không ngừng, tiếng Việt đang đi đâu, về đâu?
Nói về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, có thể thấy tầm nhìn trong mối quan tâm của các nhà lãnh đạo đất nước ở vào thời kỳ cả dân tộc còn đang phải đổ máu xương dồn sức cho độc lập, thống nhất đất nước và cơm no áo ấm. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn lại trong cuộc hội thảo: “Bác Hồ đã có lời dặn rất sâu sắc về cách nói, cách viết sao cho ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói rất rõ ràng, trong sáng là trong trẻo, không có tạp chất, trung thành, sáng tỏ được ý muốn viết, muốn nói”.
Và trong câu chuyện cách đây 50 năm mà nhà báo lão thành Phan Quang kể trong buổi hội thảo: Mùa hè năm 1966, khi chiến tranh leo thang ác liệt. Hà Nội gấp rút sơ tán người già, trẻ em, các cơ quan không thật cần thiết có mặt ở nội thành, nơi nơi hối hả đào hầm trú ẩn. Đất nước đối mặt với bao khẩn thiết tột cùng. Anh em báo Nhân Dân bám trụ thủ đô, làm việc ngay trong căn hầm nằm dưới gốc đa ở 71 Hàng Trống, và Hội nghị “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” theo ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ được tổ chức bên gốc đa cổ thụ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tới dự và phát biểu. Bài nói của Thủ tướng ngắn gọn, được viết ra sau khi đã đọc toàn văn các báo cáo và tham luận, cũng như đã xem tất cả 120 bản tóm tắt gửi đến hội nghị. Sáng hôm sau, các hãng thông tấn Pháp, Anh, Mỹ đồng loạt đưa tin: “Trong khi tại Nhà Trắng, bộ tham mưu của Tổng thống Mỹ cấp tập hoàn chỉnh kế hoạch tập kích thủ đô Bắc Việt, thì tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam luận bàn về ngôn ngữ”…
Câu chuyện của nhà báo Phan Quang là một ví dụ sâu sắc về yêu cầu khẩn thiết phải giữ gìn tiếng Việt. Chẳng phải vô cớ mà giữa những ngày việc nước bề bộn ngổn ngang, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước lại luận bàn về ngôn ngữ. Nếu chúng ta nhớ rằng, đầu thế kỷ 20, học giả Phạm Quỳnh đã có một câu nói nổi tiếng: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”.
Sau này, khi xã hội ngày càng phát triển, kéo theo sự phát triển dữ dội của ngôn ngữ, vấn đề luật hoá việc sử dụng tiếng Việt cũng đã nhiều lần được đặt ra. Còn nhớ, khoảng những năm cuối thập niên 1990, GS Vũ Đình Cự lúc đó là Phó Chủ tịch Quốc hội cực kỳ tâm huyết và trăn trở về một dự án chuẩn hóa tiếng Việt, mà ông kỳ vọng sẽ đưa ra Quốc hội thông qua. TSKH Lý Toàn Thắng – khi ấy đang là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ cho biết GS Vũ Đình Cự tới thăm Viện Ngôn ngữ, đặt yêu cầu thực hiện một công trình chuẩn hoá ngôn ngữ và cũng ông đã nhiều lần đưa ra trước Quốc hội vấn đề trong sáng tiếng Việt. Rồi, không hiểu vì sao, đã không có một dự án chuẩn mực tiếng Việt nào có tính chất pháp lý được đưa ra.
Vào thời điểm ấy, tiếng Việt bắt đầu phát triển đa dạng, nhiều từ dùng mới xuất hiện trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, nó chỉ là ngôn ngữ đời sống và chưa đến nỗi xuất hiện trong sách báo. Tờ báo “xé rào” nhất về tiếng Việt khiến không ít người lớn lo lắng là những tờ dành cho tuổi học trò. Còn nhớ trên báo Đại Đoàn Kết vào khoảng năm 1998, trong bài trả lời phỏng vấn, TS Lý Toàn Thắng thích thú khi chúng tôi rút lời của ông thành tựa bài báo bằng chữ dùng của thanh niên thời ấy: “Tôi sẽ hơi bị buồn nếu thanh niên bây giờ không còn “vi tính” nữa” (chữ “vi tính” thời ấy được dùng với nghĩa là tinh vi, tinh tướng)…
Công bằng mà nói, với tư cách là một sinh ngữ, tiếng Việt đương nhiên phát triển, có rất nhiều từ ngữ mất đi, có những từ mới sinh ra và có nhiều từ được dùng theo một nghĩa hoàn toàn mới. Bởi vậy, ông Lý Toàn Thắng lúc ấy có cho rằng đúng là có những điều đáng lo lắng nhưng về cơ bản là không nên quá hoang mang, bởi vì một ngôn ngữ mà không tiếp tục phát triển thì nó sẽ nhanh chóng trở thành một tử ngữ, vả lại, sự phát triển sẽ làm tiếng Việt ngày càng phong phú. Vấn đề là có những gì thuộc về sự chuẩn mực thì phải gìn giữ và phát triển nhưng vẫn phải giữ được sự trong sáng, đẹp đẽ của tiếng Việt.
Kể từ cuối thập niên 1990 đến nay, gần 2 thập kỷ trôi qua, khái niệm chuẩn hóa tiếng Việt ngày càng trở lên xa vời. Cùng với sự phát triển của internet, có thể nói 2 thập kỷ vừa qua là thời kỳ phát triển dữ dội của ngôn ngữ. Nhưng phát triển tới mức nào là có thể chấp nhận được? Hay chúng ta để mặc cho nó tự do phát triển như ngôn ngữ đời sống hiện nay, đặc biệt là tiếng Việt trên mạng xã hội?
Rất nhiều người lớn tuổi hiện nay nếu đọc một đoạn viết trên trang cá nhân của các bạn trẻ sẽ không thể hiểu được họ đang nói gì. Ví dụ: “Ăn rồi” sẽ được viết thành “ăn òi”, tình yêu được viết là “tềnh iu” v.v…Cho đến thời điểm này nhiều người có thể vẫn tự an ủi rằng đó chỉ là ngôn ngữ mạng và nó không ảnh hưởng gì đến sự phát triển chuẩn mực của tiếng Việt. Nhưng ngôn ngữ mạng dần dần, vì nhiều lý do, để cho thời thượng hoặc để câu độc giả, đã chễm trệ ngồi trên mặt báo, trong nhiều trang văn, đặc biệt là trong các cuốn truyện tranh và các tờ báo dành cho tuổi teen, hoặc các tạp chí tình yêu, hôn nhân, pháp luật…
Đôi khi có một cuộc vận động giữ gìn tiếng Việt thì nó cũng chẳng ăn thua gì so với sự “sáng tạo” và “biến hóa” không ngừng nghỉ của người Việt với tiếng Việt hiện nay.
Đã có những ý kiến đề xuất tại cuộc Hội thảo về việc cần ban hành Luật Ngôn ngữ. Đây là ý kiến nhà báo Phan Quang: “Tôi nghe nói việc ban hành Luật Ngôn ngữ nước ta được đặt ra từ lâu nhưng chưa thực hiện, chủ yếu do chúng ta quá bận trước nhiều công việc khẩn thiết”. Nhưng với câu chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày trước luận bàn ngôn ngữ giữa những ngày chống Mỹ mà ông dẫn ra, thì giữ gìn tiếng Việt cũng khẩn thiết không kém gì những việc khác.
Trước khi ngôn ngữ được luật hoá, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cho rằng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trước hết thuộc về trách nhiệm của các nhà giáo, nhà văn, nhà báo: “Và tôi nghĩ rằng các nhà báo thì càng phải thấm thía, và phải rèn kỹ năng để thực hiện những yêu cầu này. Vì mỗi một phát ngôn, mỗi một câu văn của nhà báo có tính định hướng và lan tỏa rất sâu rộng trong xã hội, và lan tỏa rất nhanh trên môi trường mạng”.