Tiếp cận lao động cho phụ nữ di cư

Lan Hương 29/03/2018 07:15

Ngày 28/3 tại Hà Nội, Tổ chức Plan đã công bố kết quả khảo sát thị trường việc làm cho phụ nữ nhập cư tại Hà Nội. Kết quả khảo sát cho thấy, dù làm việc ở Thủ đô nhưng việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội đối với nữ lao động di cư vẫn là thách thức lớn.

Tiếp cận lao động cho phụ nữ di cư

Lao động nữ di cư gặp nhiều áp lực trong cuộc sống.

Theo báo cáo khảo sát, cơ hội việc làm bền vững cho lao động nữ nhập cư ở cả khu vực chính thức và phi chính thức tại Hà Nội là khá lớn. Lao động nữ di cư có thể tìm việc khá dễ dàng và có cơ hội phát triển nếu được hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp phù hợp.

Tuy nhiên lao động nữ di cư gặp nhiều hạn chế khi muốn tìm kiếm việc làm tốt hơn và thu nhập cao hơn vì thiếu thông tin tuyển dụng, không được tiếp cận dịch vụ tư vấn về nghề và việc làm.

Đáng nói là cách chính sách ưu đãi về học nghề và việc làm thường gắn với hộ khẩu. Do đó vô hình chung lao động di cư bị gạt ra ngoài các chính sách hỗ trợ về đào tạo và việc làm hiện hành. Bên cạnh những thách thức về việc làm, đào tạo, trong cuộc sống thì việc không có nơi ở ổn định cũng là khó khăn đáng kể với lao động nữ di cư. Họ tự phải đi thuê nhà, tự trang trải cuộc sống và không nhận được nhiều sự hỗ trợ tại nơi đăng ký tạm trú.

Thực tế không chỉ ở Hà Nội mà việc khó tiếp cận các chính sách là thực trạng chung đối với lao động nữ hiện nay. Dù chiếm 48,4% tổng lực lượng lao động, tuy nhiên các khảo sát cho thấy, lao động nữ đang gặp rất nhiều rào cản trong việc làm và thu nhập, việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho nhóm đối tượng này còn nhiều hạn chế…

Theo một khảo sát năm 2017 của tổ chức Oxfam đối với ngành lắp ráp điện tử tại tỉnh Bắc Ninh, nơi phụ nữ chiếm tới 90% lực lượng lao động, có tới 71,8% người lao động phải làm thêm hơn 30 giờ/tháng và 54,5% đang làm thêm hơn 45 giờ/tháng. Thu nhập từ làm thêm giờ chiếm tới 32% tổng thu nhập và hơn 50% lương cơ bản trung bình của lao động trong ngành điện tử. Như vậy, nếu không làm thêm giờ, lao động nữ không thể trang trải các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. Họ phải làm thêm rất nhiều, có khi lên tới 115 giờ/tháng hoặc phải làm thêm một công việc phụ, thậm chí không “dám” mang thai.

Đặc biệt, lao động nữ thuộc khu vực phi chính thức thì những rào cản này còn lớn hơn nhiều. Hiện, Việt Nam có khoảng 7,8 triệu lao động nữ đang làm việc trong khu vực phi chính thức với điều kiện lao động không bảo đảm. Tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với mức 31,8% của lao động nam trong khu vực phi chính thức.

Theo đại diện cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN), cần mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật Lao động nhằm bảo vệ quyền của lao động ở khu vực phi chính thức. Trong đó bổ sung chế độ thai sản vào chương trình BHXH tự nguyện và khuyến khích các nhóm nữ công nhân nông thôn, những lao động trong khu vực phi chính thức tham gia vào chương trình này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp cận lao động cho phụ nữ di cư