Thông tin từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, năm 2022 tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc mà đơn vị đã thu là gần 256 tỷ đồng, và đã phân phối hơn 160 tỷ chi trả cho chủ sở hữu quyền tác giả. Con số trên đã “tiếp lửa” những người sáng tác âm nhạc và bỏ qua được những bức bối khi “đứa con tinh thần” của mình bị sử dụng “chùa”.
Cú hích cho bản quyền âm nhạc
Cụ thể, theo VCPMC, số tiền gần 256 tỷ đồng thu được được từ các nhóm sử dụng âm nhạc gồm biểu diễn; sử dụng âm nhạc nền (tại nhà hàng, khách sạn, siêu thị, quán cà phê, bar, karaoke…); phát sóng (đài phát thanh - truyền hình, truyền hình cáp, truyền hình trực tuyến); nhạc chuông, nhạc chờ; website, ứng dụng nhạc; sao chép (bản ghi âm - ghi hình, phim ảnh, quảng cáo…); tiền bản quyền nhận từ quốc tế. Có thể nói với việc thu 10 triệu USD/năm tiền sử dụng tác giả âm nhạc VCPMC đã chạm mục tiêu đề ra.
Theo ông Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC, để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian qua VCPMC đã tăng cường nhân sự, biện pháp kỹ thuật, công nghệ, tập trung xử lý dữ liệu, thu thập bằng chứng, xử lý vi phạm, làm việc với các đối tác trong nước và quốc tế nhằm đối soát để truy thu các nguồn tiền tác quyền thuộc các thành viên đang ủy quyền còn tồn đọng từ các năm trước ở các đơn vị sử dụng trực tuyến. Bên cạnh đó, VCPMC cũng đã hỗ trợ và tư vấn pháp lý, giải quyết khiếu nại của các tác giả thành viên; thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý hành vi xâm phạm ở các lĩnh vực sử dụng âm nhạc, cảnh báo vi phạm, áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền theo quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của tác giả thành viên.
“Dự kiến, tháng 1/2023, Trung tâm sẽ tổ chức một đợt chi trả tiền tác quyền trên 90 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền VCPMC đưa vào phân phối chi trả cho các chủ sở hữu đạt trên 250 tỷ đồng. Đây cũng là năm có số tiền phân phối chi trả cao nhất so với các năm trước” - ông Cẩn chia sẻ.
Có thể nói, nếu như năm những trước đây các nhạc sĩ, những người sáng tác phải “đau đầu” vì những “đứa con tinh thần” của mình bị sử dụng “chùa” thì giờ đây nhiều người đã “sống khỏe” nhờ bản quyền. Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, không chỉ bản thân, nhiều nhạc sĩ cùng thời đã ủy quyền quản lý tác phẩm cho VCPMC và thực sự chỉ được nhận tiền tác quyền từ khi là thành viên của trung tâm. Những khoản tiền tác quyền đều đặn ấy đã giúp các nhạc sĩ cao tuổi ổn định cuộc sống.
Còn theo nhạc sĩ Hoài An - một trong những người đầu tiên ký hợp đồng với VCPMC bày tỏ: “Từ ngày ủy quyền cho Trung tâm quyền lợi của tôi đã được đảm bảo. Tiền bản quyền hiện tại tôi thu được gấp vài trăm lần so với 20 năm trước. Các nhạc sĩ khác cũng tương tự. Điều quan trọng nhất là người sáng tạo yên tâm hơn để sáng tác. Ai cũng có những nỗi lo riêng, mà với người sáng tạo, việc tự mình đi lấy tiền bản quyền, gặp gỡ những trung tâm sử dụng tác phẩm nhưng không có thiện chí trả tiền bản quyền là việc rất đau đầu. Kể từ khi có VCPMC, tôi không phải đối diện với những cảm xúc tiêu cực đó nữa, hoàn toàn yên tâm sáng tạo”.
Muôn hình, vạn trạng kiểu lách Luật
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, thì câu chuyện bảo vệ tác quyền tác giả âm nhạc vẫn đang là một câu chuyện dài với nhiều thăng trầm. Ngoài những vi phạm trên không gian mạng, hiện nay có “muôn hình, vạng trạng” các kiểu lách Luật. Đơn cử như câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cách đây không lâu khi VCPMC thông báo có một công ty tự nhận đã mua độc quyền vĩnh viễn một số ca khúc của anh, yêu cầu VCPMC chuyển tác quyền thu được cho họ. Đến khi nhạc sĩ Chung đòi hợp đồng chứng minh thì họ mới thôi hành vi trên.
Việc đi thu phí bản quyền tác giả âm nhạc hiện nay cũng gặp vô số những trở ngại. VCPMC cho biết, ở lĩnh vực biểu diễn nguồn thu đã bắt đầu khôi phục kể từ sau dịch Covid-19. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng nhiều show diễn cố ý không trả tiền bản quyền đang trở nên phổ biến và dai dẳng, thậm chí lợi dụng truyền thông để phản đối việc trả tiền, kháng cáo bản án mà Tòa án đã xét xử yêu cầu bên sử dụng phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền.
Hay như lĩnh vực kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, cà phê, khách sạn, karaoke…) nhiều đơn vị sử dụng đã cố ý né tránh nghĩa vụ trả tiền bản quyền theo chiêu thức đẩy trách nhiệm pháp lý cho công ty kinh doanh/phân phối bản ghi, thiếu ý thức tôn trọng bản quyền cũng như cố tình vận dụng sai quy định pháp luật. Trung tâm đã bắt đầu đưa một số trường hợp xâm phạm bản quyền ở lĩnh vực này ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết...
“Đến nay nhiều Đài phát thanh - truyền hình vẫn còn đang trì hoãn việc trả tiền sử dụng tác phẩm với nhiều lý do, trong đó có lý do chưa đạt thỏa thuận. Nhiều đơn vị truyền hình trả tiền (truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số) vẫn không có thiện chí trả tiền bản quyền” - đại diện VCPMC cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, việc vi phạm bản quyền nói chung và bản quyền âm nhạc nói riêng vẫn đang là một thực trạng khá phổ biến, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội cần chung tay bảo vệ. Bên cạnh VCPMC, ở nước ta hiện nay còn có Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đang nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho các đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình ca nhạc. Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) tuy mới ra đời, song cũng có những bước đi ấn tượng trong việc bảo vệ nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, góp phần ngăn chặn vấn nạn xâm phạm bản quyền.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, bản quyền tác giả là hạt nhân quan trọng. Nghệ sĩ phải thực sự sống được bằng nghề để tiếp tục tạo ra tác phẩm truyền cảm hứng cho xã hội. Đó là lý do khi xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chúng tôi mong muốn có nhiều hơn những trung tâm bảo vệ bản quyền trong tất cả các lĩnh vực.