Nhân dịp Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), ngày 12/5, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức giới thiệu và tiếp nhận tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của cố họa sĩ Bùi Trang Chước do gia đình trao tặng. Bà Nguyễn Thị Minh Thủy - con gái cố họa sĩ Bùi Trang Chước và gia đình đã trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III bức tranh vẽ bằng bột màu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là bức tranh do họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ tháng 5/1970. Bức tranh khổ lớn khoảng 90 cm x 120 cm.
Nói về cha, bà Nguyễn Thị Minh Thủy cho biết: "Ông là người từng gặp và được làm việc bên cạnh Bác. Ông đã thể hiện thành công nhiều chân dung Hồ Chủ tịch”.
Họa sĩ Ngọc Linh tuy đã 94 tuổi nhưng vẫn đến dự buổi lễ, chia sẻ: Tôi là học trò của thầy Bùi Trang Chước. Thầy học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Về đồ họa thầy là bậc thầy. Hình ảnh Hồ Chủ tịch được thầy vẽ nhiều lần, trên nhiều chất liệu. Bức tranh bột màu này của thầy thể hiện thần thái của vị lãnh tụ vừa anh minh vừa gần gũi với mọi người.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cảm ơn gia đình cố họa sĩ Bùi Trang Chước đã trao tặng Trung tâm những tài liệu quý. Nhiều năm trước, gia đình cũng đã trao tặng Trung tâm nhiều tài liệu quý, đặc biệt trong đó có những tài liệu mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia như Mẫu phác thảo Quốc huy Việt Nam. Gia đình cũng đã trao tặng trung tâm những phác thảo mẫu vẽ tiền, mẫu vẽ tem, mẫu “Huân chương” - Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động; Bằng khen; Mẫu thiết kế mặt tiền Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ: “Tôi thật sự xúc động và tự hào khi đưa tác phẩm chân dung Hồ Chủ tịch được đúc bằng vàng để mang theo lên tàu vũ trụ năm 1980. Mẫu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để đúc là của họa sĩ Bùi Trang Chước”.
Họa sĩ Bùi Trang Chước tên thật là Nguyễn Văn Chước, sinh ngày 21/5/1915 tại Phú Xá, Phú Thượng (TP Hà Nội). Ông tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1941. Ra trường, ông được mời về giảng dạy tại Trường Kiến trúc Đà Lạt.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, họa sĩ Bùi Trang Chước cùng gia đình chuyển ra Hà Nội và giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến, ông lên Việt Bắc theo cách mạng, giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Liên khu Việt Bắc.
Ngoài việc giảng dạy, họa sĩ Bùi Trang Chước dành nhiều thời gian cho việc sáng tác nghệ thuật, là một trong những họa sĩ tài năng hàng đầu của nền hội họa Việt Nam.