Toàn văn Diễn văn của Tổng biên tập Hồng Thanh Quang đọc tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Báo Cứu Quốc - Đại Đoàn Kết
Kính thưa đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Kính thưa đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên thường vụ thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Kính thưa các vị đại biểu, thưa các bạn đồng nghiệp
Vào những ngày này cách đây 75 năm, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Xứ uỷ Bắc Kì, tờ báo Cứu quốc đã được chuẩn bị tích cực cho việc ra đời số đầu tiên, để đến ngày 25/1/1942, trong một căn nhà lá nhỏ của một người nông dân nghèo ở làng Xuân Kỳ (nay thuộc xã Đông Xuân huyện Sóc Sơn - Hà Nội), báo Cứu Quốc - cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh đã ra số đầu tiên. Tòa soạn lúc ấy chỉ có 3 người: Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Ban Biên tập có các đồng chí Lê Quang Đạo và Lê Toàn Thư... Nhắc lại "những ngày đầu gian khó" ấy để thấy trong làng báo chí Cách mạng Việt Nam, có lẽ hiếm có cơ quan báo chí nào có được vinh hạnh đặc biệt như những người làm báo Đại Đoàn kết hôm nay là được thừa hưởng di sản từ một tờ báo lớn, ra đời cách đây 75 năm, có sứ mệnh và vị trí rất đặc biệt trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Tổng Bí thư của Đảng lúc bấy giờ là đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp viết bài và phụ trách báo từ năm 1942 đến 1944. Cho tới Tổng khởi nghĩa tháng 8 -1945, trong điều kiện hoạt động bí mật, hiểm nguy, gian khổ và thiếu thốn mọi bề, Cứu Quốc chỉ ra được 30 số, nhưng đã có đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp Cách mạng, cổ vũ, động viên nhân dân đứng lên giành độc lập.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, báo chuyển về Hà Nội và nhanh chóng trở thành tờ nhật báo lớn nhất nước thời ấy. Cứu Quốc là tờ báo đầu tiên có vinh dự được đăng những bài báo của Bác Hồ sau Cách mạng. Kể từ năm 1945 đến 1955, Bác Hồ đã viết và đăng trên Cứu Quốc khoảng 400 bài, với nhiều bút danh khác nhau. Có thể kể ra rất nhiều văn bản quan trọng của đất nước đều lần đầu công bố trên Cứu Quốc như Tuyên ngôn Độc lập, Lời thề của Chính phủ và Lời thề của Quốc dân được đăng ngay sau ngày Lễ Độc lập, Hiến pháp 1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Thông báo tìm người tài đức của Bác Hồ…
Sau đó, trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Cứu Quốc luôn là tờ báo đi đầu trên mọi mặt trận. Kể từ khi ra đời cho tới sau này, trực tiếp phụ trách và tham gia viết bài cho báo Cứu Quốc là những nhà cách mạng, nhà báo tên tuổi lừng lẫy của đất nước như Trường Trinh,Xuân Thủy, Lê Quang Đạo, Hồng Hà, Thép Mới, Nguyễn Thành Lê…cùng với rất nhiều văn nghệ sĩ trí thức hàng đầu như Tô Hoài, Nam Cao, Xuân Oanh, Trần Đình Thọ…
Chính tại Hội trường báo Cứu Quốc tại nơi tờ báo đứng chân ở An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên), năm 1950, Hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) đã ra đời với Chủ tịch sáng lập Hội là nhà báo Xuân Thủy - Chủ nhiệm báo Cứu Quốc thời ấy.
Cố nhà báo Hồng Hà - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên phóng viên báo Cứu Quốc, đã từng viết về báo Cứu Quốc: "Cứu Quốc là tờ báo hằng ngày đầu tiên của Đảng ta và Mặt trận Việt Minh, có truyền thống vô cùng oanh liệt, hết sức vẻ vang. Cứu Quốc là ngọn cờ tư tưởng và báo chí thời kỳ Việt Minh chói lọi, xứng đáng có một vị trí nổi bật trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam”.
Hòa bình lập lại, Cứu Quốc về Hà Nội, ở nhà 66 Bà Triệu bây giờ, một lực lượng cán bộ tinh nhuệ của tờ báo đã được chi viện cho báo Nhân dân khi tờ báo Đảng thay nhiệm vụ của báo Mặt trận xuất bản hàng ngày, Cứu Quốc trở thành tuần báo.
Đầu năm 1964, từ Hà Nội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định cử một đoàn cán bộ báo Cứu Quốc vào miền Nam làm nòng cốt để thành lập báo Giải Phóng – cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Các nhà báo Tống Đức Thắng (tức Trần Tâm Trí) và Thái Duy (tức Trần Đình Vân) phóng viên báo Cứu Quốc bằng đường bộ vượt Trường Sơn vào Nam. Riêng Tổng Biên tập báo Cứu Quốc nhà báo Kỳ Phương được đưa nhanh vào chiến trường theo một tàu không số chở vũ khí vào Bến Tre. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trực tiếp chỉ đạo việc ra báo. Cùng với lực lượng tại chỗ và cán bộ báo Cứu Quốc, ngày 22/12/1964, báo "Giải Phóng” với 4 trang khổ lớn, in hai màu đã xuất hiện trong vùng giải phóng miền Nam, vùng ven và đưa vào nội đô, sang Phnompenh và ra miền Bắc. Trong thư gửi Ban Biên tập báo "Giải Phóng” nhân dịp ra số đầu tiên, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã viết: "...Làm sao khi đọc báo "Giải phóng”, nhân dân miền Nam sẽ được động viên tinh thần yêu nước, tin tưởng ở sức mạnh của cách mạng. Báo "Giải Phóng” sẽ vượt vĩ tuyến 17 ra với đồng bào miền Bắc, cổ vũ bà con ngoài đó đóng góp sức người, sức của vào cuộc chiến đấu trên nửa đất nước. Báo "Giải Phóng” cũng đến với bạn bè quốc tế giúp họ hiểu rõ và hiểu đúng cuộc kháng chiến của chúng ta”. Những ngày tháng làm báo Giải Phóng cũng là những tháng ngày hết sức nguy hiểm, gian khổ, hi sinh của những người làm báo. Tờ báo cũng là nơi tập hợp những cây bút tên tuổi, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là tiếng nói của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đóng góp rất lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước được thống nhất, đầu năm 1977, báo Giải Phóng hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Cứu Quốc hợp nhất với báo Giải phóng, lấy tên là Đại Đoàn kết. Và tuần báo Đại Đoàn Kết, cơ quan Trung ương của Mặt trận tổ quốc Việt Nam hợp nhất từ báo Cứu Quốc và báo Giải phóng xuất bản số đầu tiên ngày 6/2/1977.
Tiếp nối truyền thống hết sức vẻ vang của 2 tờ báo Cứu Quốc và Giải Phóng, báo Đại Đoàn Kết trong những năm qua đã nỗ lực không ngừng. Đại Đoàn kết vẫn là tờ báo gắn bó sâu sắc với nhân dân, với khối đại đoàn kết toàn dân tộc , đồng hành cùng sự nghiệp Cách mạng, đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước. Đại Đoàn kết là nơi tập hợp và chuyển tải những ý kiến tham vấn, phản biện về các vấn đề lớn của đất nước. Đặc biệt kể từ sau Đổi mới đến nay, Đại Đoàn kết giữ vị trí tiên phong trong tham vấn về vấn đề đại đoàn kết hòa hợp, hòa giải dân tộc; chính sách thu hút kiều bào, nhân sĩ, trí thức tham gia xây dựng đất nước; đấu tranh chống tiêu cực, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về đạo đức và lối sống, đấu tranh quyết liệt với các âm mưu chia rẽ phá hoại khối Đại đoàn kết dân tộc. Đại Đoàn kết kiên trì trong việc phản ánh đời sống ở khu dân cư, nói tiếng nói rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, từ đồng bào thiểu số, các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức tiêu biểu đến kiều bào ở nước ngoài…Nhiều vụ việc và vấn đề phản ánh trên báo Đại Đoàn kết đã gây tiếng vang lớn trong dư luận nhân dân, được bạn đọc hoan nghênh, được đánh giá cao.
Ngay từ rất sớm, Đại Đoàn kết cũng là tờ báo khởi xướng những hoạt động, những phong trào, những cuộc vận động mà cho đến nay, tính đúng đắn của những ý tưởng mới mẻ đó đã được nhân rộng như tôn vinh hàng Việt Nam chất lượng cao bằng những lần tổ chức Hàng Việt vào Dinh từ cách đây 20 năm, tổ chức bình chọn Top Ten ca nhạc, tôn vinh đạo Hiếu và gần đây là các chương trình hoạt động xã hội khác…
Trong vòng mấy năm gần đây, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, trong điều kiện báo giấy đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi báo chí điện tử và mạng xã hội, báo Đại Đoàn kết đã có những bước phát triển mới. Kể từ năm 2012, báo Đại Đoàn Kết đã xuất bản hàng ngày, 7/7 kỳ mỗi tuần. Từ năm 2014, ấn phẩm Tinh hoa Việt bộ mới đã phát hành 2 kỳ mỗi tháng với những đổi mới căn bản về nội dung và hình thức được bạn đọc đón đợi. Tháng 6/2015, báo Đại Đoàn Kết Điện tử chính thức được khai trương, đáp ứng được đòi hỏi của thời kỳ mới, khi xu hướng làm báo Điện tử đang trở thành một ưu thế, cung cấp tới bạn đọc những thông tin nhanh nhạy hơn, kịp thời hơn…
Kính thưa đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Kính thưa đồng chí Phạm Thế Duyệt
Thực tiễn ngày nay đang đòi hỏi cả dân tộc tăng cường đoàn kết để xây dựng và phát triển,để bảo vệ đất nước. Đại Đoàn kết với trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp nối truyền thống 75 năm, tiếp tục là tờ báo tin cậy của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong tình hình đất nước có nhiều thay đổi, Đảng đã chỉ ra nhiều nguy cơ trong đó có tự diễn biến, tự chuyển hóa… Vị thế của tờ báo Mặt trận cần phải được nâng lên xứng tầm với đòi hỏi từ thực tiễn, từ thời đại để góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, thu hẹp phân tâm. Đây là nhiệm vụ của những người làm báo Đại Đoàn kết hôm nay trước lịch sử và sự tin yêu của bạn đọc.
Là những người tiếp nối truyền thống 75 năm hết sức vẻ vang của tờ báo Mặt trận, nhân dịp này, xin thay mặt cho thế hệ làm báo Đại Đoàn kết hôm nay được thành kính tưởng nhớ đến các nhà lãnh đạo đã sáng lập, dìu dắt, trực tiếp phụ trách và viết bài, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cố Tổng bí thư Trường Chinh, Cố Chủ tịch Lê Quang Đạo, Cố Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, các nhà báo Xuân Thủy, Hồng Hà, Thép Mới, Nguyễn Thành Lê...
Xin được tưởng nhớ các nhà báo của báo Cứu Quốc, Giải Phóng đã hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Xin được nhớ tới các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên của các báo Cứu Quốc, Giải Phóng, Đại Đoàn kết đã qua đời.
Nhân dịp này, tôi xin tỏ lòng cảm ơn và tri ân đến các thế hệ lãnh đạo báo Đại Đoàn kết qua các thời kỳ, các nhà báo lớp trước đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết xây dựng lên bề dày thành tích cho tờ báo trong suốt 75 năm qua.
Xin được cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo tận tình của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc VN, của cá nhân Chủ tịch Ủy ban Trung ươngMặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân, của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và Mặt trận Tổ quốc VN các tỉnh thành trong cả nước…
Xin được cảm ơn sự tham gia góp ý, viết bài của các nhân sĩ, trí thức, các nhà báo lão thành, các cộng tác viên trong và ngoài nước.....
Cảm ơn các doanh nghiệp, doanh nhân, các cơ quan đơn vị đã ủng hộ và đồng hành cùng báo Đại Đoàn kết.
Nhân dịp năm mới 2017, tôi xin gửi tới quí đại biểu lời chúc sức khoẻ, nhiều niềm vui,thành công và hạnh phúc!