Trao đổi với Đại Đoàn Kết, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng: Hỗ trợ vay vốn, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine, ưu tiên tiêm cho các đối tượng thuộc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và logistics; tạo điều kiện di chuyển, lưu thông hàng hóa… là những giải pháp cần phải thực hiện để giúp doanh nghiệp (DN) vực dậy sau đại dịch.
PV: Thưa ông, thời gian qua, dịch bệnh đã khiến DN rơi vào tình trạng thiếu lao động, thiếu vốn trầm trọng. Theo ông, cần có chính sách gì để khắc phục những tác động tiêu cực của đại dịch cũng như chuẩn bị cho sự phục hồi của DN?
TS Vũ Tiến Lộc: Thực tế cho thấy, hàng loạt biện pháp quyết liệt đã được Chính phủ triển khai để hỗ trợ DN sản xuất, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư... Để giúp DN tái khởi động và phục hồi, tôi nghĩ Chính phủ cần tiếp tục bổ sung và tổ chức thực hiện thật tốt, thật nhanh các gói hỗ trợ về tài khoá, tiền tệ, an sinh – xã hội cho người dân và DN. Các biện pháp giãn hoãn, giảm thuế, phí, giảm lãi suất, nới lỏng các điều kiện cho vay… cần phải được thực hiện với phạm vi rộng hơn, liều lượng lớn hơn, thời hạn dài hơn. Đối với mỗi DN, dòng tiền là “huyết mạch” và việc quản trị dòng tiền có thể quyết định sự sống còn của toàn bộ DN. Vì vậy, cần phải tích hợp, cộng hưởng tốt hơn giữa chính sách tài khoá và tiền tệ để “tiếp máu” cho DN.
Tôi đề nghị cần mở rộng phạm vi giảm thuế giá trị gia tăng, bổ sung các biện pháp mới như bảo lãnh tín dụng và cấp bù lãi suất cho vay từ ngân sách… để tăng hiệu quả cho những nỗ lực cho vay và giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng. Được biết, trước kiến nghị của cộng đồng DN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân.
Bên cạnh đó đẩy mạnh cải cách thể chế và thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN vẫn là nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường khả năng chống chịu cho DN và cho nền kinh tế trước mọi khó khăn. Việc cải cách thủ tục hành chính cho giai đoạn tái khởi động, phục hồi nền kinh tế cũng phải triển khai khẩn trương như việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh để tranh thủ thời cơ cho DN vượt lên.
Thời gian gần đây, một số DN phản ánh bị nhãn hàng hủy và trả đơn hàng do chậm giao. Điều đó cho thấy, lĩnh vực xuất khẩu cũng đang đối diện nhiều vấn đề, thưa ông?
- Xuất khẩu vẫn luôn là một động lực của phát triển kinh tế. Do vậy phải triển khai thực hiện thật tốt các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư để kết nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn lúc nào hết, phải tăng cường liên kết, mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ DN tiếp cận các thị trường. Trong thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, các chuỗi cung ứng đang được định hình lại thì sự nhạy bén của DN sẽ quyết định thành công của nền kinh tế.
Thời gian vừa qua, đội ngũ doanh nhân và khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có những bước tiến ngoạn mục. Cho đến thời điểm này, khu vực tư nhân là khu vực sáng tạo nhất. Theo ông, cần có những quyết sách gì để tạo động lực cho khu vực này bật dậy nhanh sau dịch bệnh?
- Chúng ta có trên 800.000 DN tư nhân hoạt động trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Chúng ta cũng có những DN lớn, sánh vai các thương hiệu hàng đầu trên thế giới và khu vực, góp phần làm rạng danh đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập toàn cầu.
Nhưng, chúng ta cũng chưa thể yên tâm khi số lượng DN lớn và vừa trong nền kinh tế nước ta còn quá ít. Các DN Việt Nam vẫn thuộc quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các DN chưa cao, định hướng phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm xã hội chưa trở thành hệ giá trị phổ cập trong cộng đồng DN.
Chúng ta mở rộng cửa, nhưng khu vực kinh tế nội địa vẫn chưa được hưởng lợi nhiều và chưa phát huy được hết tiềm năng. “Miếng bánh” hội nhập vẫn mang lại lợi ích nhiều hơn cho các DN ngoại. Trong bối cảnh của dịch Covid -19 hoành hành, cạnh tranh thương mại, cuộc cách mạng 4.0… chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở nên mong manh hơn, thị trường quốc tế dễ trở nên đứt gãy, các nền kinh tế Mỹ, châu Âu đang trở lại với tiến trình tái công nghiệp hoá, thị trường nội địa được đề cao… Trong xu thế này, việc phát triển cộng đồng DN dân tộc phải là quốc sách của chúng ta.
Chúng ta hoan nghênh các DN lớn của khu vực tư nhân đã có sáng kiến, kiến nghị và sẵn sàng đầu tư phát triển một số lĩnh vực và dự án công nghiệp trọng yếu có liên quan tới yêu cầu phát triển bứt phá và tự chủ của quốc gia. Chính phủ cần hỗ trợ cho họ thông qua những đột phá về thể chế và chính sách.
Trân trọng cảm ơn ông!