Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Báo cáo Chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác. Cho nên, cần một Báo cáo Chính trị xứng tầm, đề ra được những chủ trương, quyết sách đúng đắn để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo.
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. (Ảnh: TTXVN).
1. Ngày 7/10, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII bắt đầu họp Hội nghị lần thứ 11. Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương nghe và cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 và một số vấn đề quan trọng khác.
Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Báo cáo Chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác. Cho nên, cần một Báo cáo Chính trị xứng tầm, đề ra được những chủ trương, quyết sách đúng đắn để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo.
Thực tế, kể từ khi các tiểu ban văn kiện của Đại hội XII được lập ra, các tiểu ban đã họp nhiều phiên. Đặc biệt, theo như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Dự thảo Báo cáo Chính trị đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, nâng cao, trên cơ sở tiếp thu, chắt lọc các kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; khảo sát thực tiễn và làm việc với 34 địa phương, ban, bộ, ngành; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý; đặc biệt là ý kiến của các vị nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào ngày 27/9 vừa qua. Với mục tiêu kỳ vọng là đánh giá chuẩn xác kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, tập trung vào 10 năm gần đây; mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước); định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược; nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển... Đặc biệt, chú ý những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá, khả thi cao và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Từ đó chỉ rõ, chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được quán triệt, cụ thể hoá, thể chế hoá và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực; những chủ trương, chính sách nào còn chậm hoặc chưa vào được cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng; nguyên nhân vì sao? Và quan trọng là phải trả lời cho được chủ trương, chính sách chưa sát hợp với thực tế hay do những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện? Tìm ra nguyên nhân mới có cơ hội khắc phục tồn tại, hạn chế để đề ra các chủ trương sát hợp, nhằm đưa đất nước phát triển.
2. Một trong những báo cáo cũng được đầu tư thời gian lớn, đó là báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua. Trên cơ sở tổ chức nghiên cứu theo 42 nhóm chuyên đề; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong nước và nước ngoài; tổ chức 7 hội nghị với đại diện lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trao đổi lấy ý kiến của các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khoa học... Với hàng chục cuộc họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc -Trưởng tiểu ban, một khối lượng công việc lớn đã hoàn thành để ra được dự thảo trình hội nghị như: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược 2011-2020 và 5 năm thực hiện “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016–2020”. Trên cơ sở đó, các thành viên tiểu ban đã xây dựng dự thảo “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2021–2025”.
Chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm được rút ra, phải chăng đó là: Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo vệ môi trường một cách tương xứng, hài hoà; cần phải tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện có chất lượng, sát thực tế và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt hệ thống luật pháp, chính sách?
Bên cạnh việc vạch ra đường hướng cho tương lai, hội nghị lần này cũng tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019-2020, trong đó, Trung ương sẽ xem xét tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh: Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu thấp hơn so với năm 2018 và dự báo còn có thể tiếp tục suy giảm trong năm 2020; cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại giữa các nước lớn ngày càng phức tạp, khó lường; thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế có nhiều biến động, gây tâm lý lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu... -Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bởi chỉ có xem xét thấu đáo, nhìn thẳng vào sự thật, phân tích cặn kẽ những điểm mạnh, mặt hạn chế của ta thì mới đề ra được mục tiêu, giải pháp sát, đúng cho năm tài khóa tiếp theo và làm tiền đề cho kế hoạc 5, 10 năm tới.
Và, lần này, tại Hội nghị, tình hình Biển Đông cũng đã được nhắc một cách trực diện khi ngoài khơi đang có những dấu hiệu phức tạp được dấy lên từ một phía. Cũng vẫn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các Ủy viên Trung ương: “Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua”. Vâng, chúng ta vốn là một quốc gia biển; nếu tình hình Biển Đông không thực sự êm ả, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển chung. Chúng ta kiên quyết, kiên trì giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển đảo và kiên trì đảm bảo an ninh, an toàn trong khu vực để phục vụ mục tiêu phát triển. Muốn thế, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những diễn biến phức tạp gần đây để “lường trước thời cơ” và “thách thức cần nỗ lực vượt qua” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Chúng ta hiểu hơn ai hết cái giá của hòa bình và cũng khao khát hơn ai hết về một nền hòa bình cho khu vực. Vì thế, có hiểu hết bối cảnh mới có được cái nhìn thấu đáo để xử lý các tồn tại hiện nay.
3. Trong vấn đề xây dựng Đảng, tại Hội nghị này, Trung ương sẽ tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng do Đại hội XII đề ra, trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, chắt lọc báo cáo tổng kết của 68/68 Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Đảng uỷ và 70 Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng trực thuộc Trung ương; 35 báo cáo chuyên đề; kết quả nghiên cứu, khảo sát tại 16 địa phương, cơ quan, đơn vị; 8 cuộc hội thảo của đại diện cấp uỷ, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương; và xin ý kiến trực tiếp của một số vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chuyên gia, nhà khoa học.
Trong quá trình Trung ương thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được; những hạn chế, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; sẽ phát lộ những đề xuất về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng nhiệm kỳ khoá XIII; những kiến nghị của các cấp uỷ, tổ chức Đảng về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; những hạn chế, vướng mắc do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, hướng dẫn chưa rõ…
Hội nghị Trung ương 11 khóa XII theo chương trình còn họp đến hết ngày 13/10. Hội nghị sẽ là bước cho ý kiến đầu tiên của Trung ương vào các báo cáo, văn kiện để nó được hoàn thành một bước, sớm lấy ý kiến vào dịp Đại hội Đảng các cấp, từ đó hoàn thiện hơn nữa.