Sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP HCM), một trong những địa điểm luôn tấp nập người qua lại với khoảng 40 triệu lượt hành khách/năm (tương đương hơn 100 ngàn người/ngày), mấy ngày gần đây khá vắng vẻ. Trái với khung cảnh trước đó chừng hai tuần khi người dân chen chúc di chuyển về quê dịp Tết Nguyên đán.
Kiểm tra chống dịch tại Sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại đây, nhiều phương án phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra đã được triển khai khẩn trương; cho dù nhiều chuyến bay từ TP HCM đi Trung Quốc đã tạm ngưng. Tương tự, ga Sài Gòn hay các bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây… cũng có ít hành khách hơn so với thời điểm các năm trước.
Trong khi đó, lễ hội Chùa Bà (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) diễn ra ngày hôm qua 8/2 (tức ngày rằm tháng giêng) là một trong những hội có truyền thống và thu hút đông người tham gia nhất ở khu vực phía Nam. Chỉ trong vòng 1 ngày, nơi đây thu hút khoảng 1 triệu lượt người ghé viếng trong những năm trước. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp, Ban trị sự Chùa Bà đã quyết định tạm dừng nhiều hoạt động văn hoá đặc trưng của lễ hội này.
Tương tự, nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng ở TP HCM như đường sách TP HCM, Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng TP HCM, Bưu điện TP… dù không thông báo đóng cửa nhưng lượng khách ghé thăm rất ít. Bên cạnh đó, nhiều địa điểm công cộng như siêu thị, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim hay thậm chí cả các khu vui chơi, quán cà phê, quán ăn… cũng khá thưa thớt khách hàng. Nếu có, hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc, ngồi gần những người lạ.
Trước đó, ngày 7/2, UBND TP HCM đã có văn bản yêu cầu các ban ngành khẩn trương rà soát, tìm hiểu tất cả các công dân đến từ vùng dịch trong vòng 14 ngày qua để thực hiện quy trình xử lý. Riêng với người đến từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc sẽ buộc phải cách ly như người mắc bệnh. Sở Y tế TP HCM, Viện Pasteur tiến hành tập huấn cách phòng chống, quy trình xử lý bệnh để đảm bảo không có trường hợp nào nhiễm bệnh bị tử vong.
Còn tại tỉnh Long An, đã buộc phải cách ly, cấm tiếp xúc với 11 người Trung Quốc ở Vũ Hán. Đây là những người Trung Quốc làm việc trên địa bàn huyện Đức Hoà, họ vừa trở lại Long An sau kỳ nghỉ tết ở quê nhà Vũ Hán. Theo quy trình, việc cách ly này bao gồm theo dõi sức khoẻ 11 người trong vòng 14 ngày và tiến hành phun thuốc khử trùng, xịt khuẩn toàn bộ khu dân cư mà 11 người đang cư trú. Ngoài 11 người đến từ Vũ Hán thì tại Đức Hoà cũng có thêm 15 người Trung Quốc mới đến từ các địa phương khác, cư trú tại 2 khu vực là Khu dân cư Tân Đức và Khu đô thị Bella Villa. Toàn bộ đã chấp nhận quy trình cách ly, cam kết không tiếp xúc với các người dân địa phương khác trong thời gian 14 ngày để đảm bảo an toàn theo quy trình của Bộ Y tế. Được biết, theo chính quyền địa phương, hiện có khoảng hơn 500 người Trung Quốc đăng ký tạm trú, làm việc trên địa bàn huyện Đức Hoà. Chính quyền đang tích cực liên hệ với những người này để khám sức khoẻ và xử lý theo quy trình.
Theo kế hoạch, tỉnh Bình Định được phân công tiếp nhận và cách ly, theo dõi đối với 1.260 công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các nước có dịch nCoV về nước tại Sân bay Phù Cát, nếu đi đường biển sẽ tiếp nhận tại Cảng Quy Nhơn. Hiện Bình Định đã thiết lập xong 2 khu cách ly quân sự để tiếp nhận công dân, tại Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh thuộc Trung đoàn 739 nằm trên địa bàn xã Cát Tân (huyện Phù Cát) sẽ tiếp nhận khoảng 460 người và Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia II nằm trên địa bàn xã Bình Thành (huyện Tây Sơn) tiếp nhận 800 người.
Quang Khánh