Tiếp tục ‘cởi trói’ cho doanh nghiệp

Nguyên Khánh (thực hiện) 08/01/2021 07:21

Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương Phan Đức Hiếu cho biết: Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 sẽ tiếp tục cắt giảm các quy định, điều kiện kinh doanh không cần thiết, chồng chéo trói buộc người dân và doanh nghiệp (DN).

Ông Phan Đức Hiếu.

PV:Xin ông chia sẻ rõ hơn những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 02/NQ-CP vừa được ban hành?

Ông Phan Đức Hiếu: Nghị quyết lần này đã nhấn mạnh thêm 4 trọng tâm mới của Chính phủ. Trọng tâm thứ nhất là cải cách các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh một cách tổng thể, liên ngành chứ không còn khu trú trong một phạm vi, một lĩnh vực.

Chúng ta đều biết, DN chịu sự tác động của liên ngành, rất nhiều vấn đề không thể giải quyết được nếu chỉ cải cách thủ tục hành chính ở một số bộ, ngành nào đó. Theo đó, cần những thủ tục đột phá, được thực hiện ở tất cả những cơ quan có liên quan.

Trọng tâm thứ hai nhấn mạnh tới vấn đề chuyển đổi số. Nếu như trước đây, DN không tham gia vào “cuộc chơi” chuyển đổi số thì vẫn còn có cơ hội, nhưng hiện nay, nếu không chuyển đổi số sẽ bị đào thải.

Thứ ba là đẩy mạnh chính phủ điện tử, chính phủ số. Điều này tự nhiên cũng tạo ra một động lực để DN buộc phải chuyển mình. Ngoài ra, Chính phủ chuyển đổi số thì các DN có cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ. Nên trọng tâm này có tác dụng lan tỏa rất lớn.

Và thứ tư là phải ứng phó với Covid-19 nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, nên NQ đã đưa ra các giải pháp ứng phó với đại dịch. Chính phủ cũng đã nhấn mạnh cải cách thể chế vẫn là một trọng tâm để giúp DN linh hoạt hơn trong việc ứng phó với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có thể nói, 4 giải pháp trọng tâm của Chính phủ trong Nghị quyết 02 là rất căn cơ và tính trong dài hạn, thể hiện một quyết tâm, nỗ lực rất mạnh mẽ của Chính phủ đó là, gỡ mọi rào cản, tạo môi trường thông thoáng cho DN.

Ý ông là Nghị quyết này tiếp tục thực hiện nhiệm vụ gỡ những rào cản được coi là gây khó khăn cho người dân và DN?

Đúng vậy. Vừa qua, khi chúng ta tiến hành cắt giảm điều kiện kinh doanh, đâu đó còn nghi ngờ về tính hình thức. Nhưng thực tế cho thấy nhiều điều kiện kinh doanh không rõ ràng đã được bãi bỏ, giúp giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho DN, tăng cường được sự yên tâm trong hoạt động kinh doanh. Có thể nói, đợt cắt giảm điều kiện kinh doanh như vừa qua là đợt đầu, nhưng nhiều điều kiện kinh doanh được cắt bỏ là đã có tác động tích cực.

Vì thế, Nghị quyết 02 cho đến Nghị quyết 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 của Chính phủ lại tiếp tục kiểm soát, nâng cao chất lượng rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Nhiều công việc đã được thực hiện chưa có tiền lệ trong lịch sử, đó là lần này không chỉ cắt giảm, bãi bỏ những quy định về điều kiện kinh doanh mà Nghị quyết 68 còn yêu cầu cắt giảm tất cả những điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Vậy việc thực hiện cải cách sẽ có những khó khăn gì, nhất là khi Chính phủ đưa ra yêu cầu xác định rõ đầu mối chủ trì thực hiện, thưa ông?

Cái khó hiện nay là Chính phủ đưa ra rất nhiều đầu việc, phân cho các bộ, ngành nên phải giám sát việc thực thi như thế nào hiệu quả. Tuy nhiên, theo tôi, việc này đã có Tổ công tác của Thủ tướng với người đứng đầu là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Hoạt động của Tổ công tác này quyết liệt, xuống làm việc với từng cơ quan, bộ, ngành, yêu cầu cụ thể về thời hạn, chất lượng… thì sẽ góp phần đến 90% vào sự thành công của các Nghị quyết. Bởi nếu cứ để Nghị quyết trên bàn, không có khâu đôn đốc, giám sát thì đôi khi sẽ bị lãng quên, đến kỳ báo cáo mới nhớ ra để thực hiện.

Về việc phân công đầu mối chủ trì thực hiện, cái khó là phải xác định ai sẽ là cơ quan chủ trì. Ví dụ như đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành, giao cơ quan Hải quan là đầu mối. Đây là sự cải cách rất lớn khi tạo được sự đồng thuận giữa các bộ, ngành, tránh chồng chéo cho hoạt động của DN.

Tuy nhiên, nhiều vụ việc lại không phải lúc nào cũng đạt được sự đồng thuận như thế. Nên theo tôi, khi không thể xác định được cơ quan chủ trì thì nên hướng đến một cơ quan độc lập, để đứng ra chủ trì, tham mưu cho các bộ, ngành phương án giải quyết hiệu quả nhất.

Trân trọng cảm ơn ông!

3.893 điều kiện kinh doanh, 6.776 danh mục hàng hóa được cắt giảm

Từ khi được thành lập, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã tiến hành 103 cuộc làm việc.

Kết quả các cuộc kiểm tra đã kịp thời phát hiện nhiều quy định bất cập, chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, cần được bãi bỏ.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã có 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (63%), 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (68%) được cắt giảm, đơn giản hóa; góp phần tiết kiệm chi phí xã hội với hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục ‘cởi trói’ cho doanh nghiệp