Tiếp tục thúc tiến độ đầu tư công

Bắc Phong 31/10/2022 06:50

Tại Chỉ thị số 19, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký mới đây cho biết, với rất nhiều nỗ lực, trong thời gian qua tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực, kết quả giải ngân 9 tháng năm 2022 cao hơn khoảng 35.000 tỷ đồng (tăng 16%) so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng đạt 46,7% kế hoạch năm 2022 được giao. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu đề ra.

Thủ tướng chỉ rõ, việc giải ngân chậm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác kiểm tra, đôn đốc thiếu quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...

Mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2022 từ 95 - 100%, trong đó thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng cuối năm 2022 và những năm sau là rất quan trọng, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Cùng đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công.

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân và thực hiện các dự án từ nguồn vốn đầu tư công, ngày 16/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân công 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tại 41 bộ, cơ quan Trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân đến ngày 31/7/2022 dưới mức trung bình của cả nước (34,47%). Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm được cho là do lúng túng, vướng mắc khi chuẩn bị đầu tư; vướng giải phóng mặt bằng; Quy trình, thủ tục cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở các địa phương dài (từ 1,5 - 2 năm) ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai dự án; nhà thầu thi công cầm chừng, chờ điều chỉnh giá từ nhà nước…

Chính phủ đã nhiều lần đốc thúc việc giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Tuy nhiên, tiến độ dù đã nhanh hơn nhưng vẫn không được như kỳ vọng, trong khi thời gian còn lại của năm 2022 chỉ là 2 tháng. Nhiều ý kiến cho rằng, thật khó chấp nhận được việc giải ngân chậm chạp trong khi nguồn vốn đã có. Điều đó dẫn tới lãng phí lớn trong khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp và khó khăn của nền kinh tế rất lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng do lạm phát gia tăng.

Để xử lý, nhiều ý kiến cho rằng phải đưa trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương vào việc. Không thể chỉ vì sợ trách nhiệm, sợ sai hay bất cứ lý do nào khác mà “án binh bất động”. Đất nước còn nghèo, càng không thể để dòng tiền đầu tư công “nằm kho”.

Cùng với sự đôn đốc của Thủ tướng Chính phủ, những Tổ công tác của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng từng đề xuất 2 nhóm giải pháp triển khai kế hoạch đầu tư công những tháng còn lại của năm 2022, gồm: rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết nghị tại các Nghị quyết của Quốc hội là 526.105,895 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 304.105,895 tỷ đồng. Nếu tính cả 16.000 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sáng năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là 542.105,895 tỷ đồng.

Như vậy, vốn Chính phủ giao là kịp thời, chậm là ở phần triển khai giải ngân của các bộ ngành, địa phương.

Theo ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng), "có tiền mà không tiêu được" là vô lý. Ông Tạo cho rằng cùng với những “nút thắt” khác thì đấu thầu, đấu giá cũng là “nút thắt”. Trong đấu thầu, nhiều nơi có tâm lý ngại, không dám mua sắm. Sợ trách nhiệm đã làm lỡ việc chung. Còn theo ĐBQH Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu), trong việc chậm trễ này nguyên nhân chủ yếu là do con người và khâu tổ chức thực hiện. Có quyền nhưng sợ trách nhiệm, thiếu quyết đoán sẽ làm chậm dự án.

Nguyên nhân cũng đã rõ, quan trọng và cần thiết là biện pháp xử lý mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục thúc tiến độ đầu tư công