Trước số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tiêu dùng tại nhà “lên ngôi” sẽ tiếp tục thành xu hướng tiêu dùng chính của toàn xã hội.
Tâm lý tiêu dùng tay của người dân thay đổi mạnh mẽ kể từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19. Thay vì đến tận nơi mua sắm nhiều người tiêu dùng đã ở nhà đặt hàng online. Kênh bán hàng trực tuyến đang cứu nguy cho nhiều doanh nghiệp, bên cạnh đó cũng tạo một thói quen mua sắm mới đối với người tiêu dùng Việt Nam. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền 2021, tiêu dùng tại nhà sẽ thúc đẩy, gia tăng doanh số của nhóm hàng tiêu dùng nhanh.
Báo cáo của Công ty Nielsen vừa công bố ngày 28/1 cho biết, tại Việt Nam, thời điểm này trong năm, người lao động trở về quê hương để đón Tết cùng gia đình và bạn bè. Đây cũng là lễ hội điển hình trong lịch hoạt động của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam, khi doanh số FMCG tăng cao hơn 12% -15% so với thời điểm không có lễ hội và chiếm gần 20% tổng doanh số FMCG diễn ra trong thời gian Tết. Các mặt hàng phổ biến trong dịp Tết là đồ uống, bia, bánh quy và bánh nướng, đồ ăn nhẹ, và cà phê, với mức tăng trưởng sản lượng từ 10% - 50% tùy loại.
Có thể thấy rõ, Covid-19 tác động mạnh mẽ đến xu thế tiêu dùng, thương mại điện tử trở thành kênh giao thương được các DN lựa chọn, cũng là “cứu cánh” của DN trong thờ điểm dịch bệnh hoành hành hiện nay.Giới chuyên gia nhấn mạnh, thương mại điện tử năm 2020 thực sự chuyển mình trở thành chiến lược chủ chốt để các DN đối phó với đại dịch và phát triển kênh phân phối mới.
Thời gian qua, nhiều DN Việt đã tìm ra hướng đi, nhanh chóng triển khai những giải pháp để duy trì hoạt động như đẩy mạnh hoạt động trên thị trường thương mại điện tử (TMĐT), cải thiện sản phẩm,chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với thị trường, tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra.
Có thể nhận thấy, năm 2020 là một năm bản lề cho việc chuyển mình của các DN Việt khi ứng dụng công nghệ số và TMĐT để phát triển kênh phân phối mới. Nhiều DN đã khai thác tốt các nền tảng trực tuyến và đẩy mạnh TMĐT là một trong các giải pháp được 14,6% DN lựa chọn để đối phó với đại dịch nên TMĐT đã dần trở nên phổ biến, vừa là giải pháp cho DN Việt, vừa tạo nên xu hướng mới, thuận tiện cho người tiêu dùng.
Chính bởi thế dù khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, TMĐT năm 2020 vẫn chứng kiến những sự tăng trưởng bùng nổ ngay sau khi hàng hóa biên giới được thông thương thuận lợi trở lại. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hai, nhưng cũng chính là “cú huých” đáng kể với TMĐT. “Nhiều DN và người tiêu dùng trước đây chưa từng bán trực tuyến nay đã bán trực tuyến. Covid-19, nhìn theo hướng tích cực là đã thúc đẩy chuyển đổi số. Với mục tiêu của Chính phủ đã được đề ra cùng sự đồng lòng của DN và người tiêudùng, thời gian tới TMĐT chắc chắn sẽ có bước khởi sắc đột phá”.
Thời gian qua, với chức năng quản lý và phát triển TMĐT, Bộ Công thương đã phối hợp chặt, chỉ đạo Sở Công thương các địa phương để triển khai các đề án thuộc Chương trình phát triển TMĐT và các chương trình hỗ trợ DN ứng dụng , từng bước đặt nền móng cho các hạ tầng phát triển TMĐT tại Việt Nam như Hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia KeyPay, Hệ thống Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store, Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday, Gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn TMĐT lớn…
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá, việc kích cầu cũng như hình thành thói quen mua sắm trực tuyến, đã góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng doanh số của các sàn TMĐT, nhất là các sàn TMĐT lớn.
“Sự vào cuộc kịp thời của các sàn TMĐT đã góp phần cho tăng trưởng thương mại điện tử B2C tại Việt Nam. Ngoài việc chú trọng phát triển sản phẩm và thị trường, thời gian qua các DN TMĐT cũng đẩy mạnh việc chú trọng đảm bảo chất lượng hàng hóa tạo thêm uy tín và sự thuận tiện cho người tiêu dùng”- bà Huyền nêu quan điểm.