Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “vai trò của các tổ chức dân sự trong vận động phát triển chính sách phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá và rượu bia” do Liên minh Vận động Phát triển Chính sách Y tế dựa vào Bằng chứng Khoa học (EBHPD) và HealthBridge Canada tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tác hại lớn thuốc lá, từ rượu bia
Bà Phan Thị Hải, Phó Chánh văn phòng Chương trình PCTH của thuốc lá, Phó Giám đốc quỹ PCTH thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá 47,4%. Nước ta cũng là quốc gia đứng thứ 3 có số người hút thuốc lá cao nhất rong trong khu vực ASEAN. Trung bình hằng năm có tới 40 nghìn người tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, gấp 3 lần số người chết do tai nạn giao thông.
Năm 2012, Việt Nam đã tiêu tốn hơn 22 nghìn tỷ đồng cho các sản phẩm thuốc lá, chiếm 5-10% tổng số chi tiêu của hộ gia đình. Trong khi đó, phí điều trị ung thư phổi, bệnh tim và tắc nghẽn mãn tính. Đây chỉ là 3 trong 25 loại bệnh do hút thuốc lá gây ra, lên tới hơn 2 nghìn tỷ đồng năm 2013.
Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được thông qua vào năm 2012 đã có những tác động nhất định thông qua các biện pháp cắt giảm cung và cắt giảm cầu. Thực hiện đồng thời việc tăng thuế, quản lý chặt chẽ kinh doanh thuốc lá, cấm quảng cáo và ghi nhãn in cảnh báo về tác hại đối với sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay giá và thuế thuốc lá còn thấp, việc tiếp cận mua thuốc lá còn dễ dàng trong giới trẻ và người thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, tình hình vi phạm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá tại điểm bán lẻ còn phổ biến, đặc biệt ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, năng lực triển khai, quản lý chương trình phòng chống thuốc lá tại một số địa phương còn hạn chế, kết quả thanh kiểm tra và xử lý hành chính trong lĩnh vực PCTH thuốc lá chưa được thực hiện thường xuyên. Trên thị trường, xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới như Shisha, các loại thuốc lá điện tử… thu hút thanh thiếu niên và người tiêu dùng. Đó là những vấn đề khó khăn và thách thức đặt ra đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.
Rượu bia là 1 trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Trong đó, 50% ca tử vong do xơ gan, 20% do tai nạn. 30 bệnh có nguyên nhân trực tiếp do sử dụng rượu bia như viêm đa thần kinh, bệnh lý cơ tim, viêm dạ dày do rượu… Và 200 loại bệnh tật và chấn thương có một trong các nguyên nhân cấu thành sử dụng rượu bia như bệnh tâm thần kinh, ung thư, đái tháo đường…
Ở Việt Nam, rượu bia là 4 trong 8 yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với gánh nặng bệnh tật. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Công thương cho thấy, nước ta cũng trở thành quốc gia tiêu thụ rượu bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 4 ở châu Á với lượng tiêu thụ hơn 3 tỷ lít mỗi năm. Tiêu thụ rượu tăng hơn 7,5% chỉ trong 1 năm từ 63 triệu lít (2012) lên gần 68 lít (2013).
Việc tiêu thụ thuốc lá và rượu bia ở Việt Nam trong thời gian qua ngày càng tăng đã gây ra những gánh nặng không chỉ tổn hại về sức khỏe con người mà cả kinh tế- xã hội. Bên cạnh những gánh nặng về bệnh tật và tai nạn thương tích gia tăng, còn phải kể đến nguy cơ mất an ninh xã hội, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, các nguy cơ về nghèo đói…
Do đó, theo bà Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc tổ chức HealtheBrige Canada tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần phải có những chính sách hiệu quả trong kiểm soát quảng cáo và khuyến mãi thuốc lá. Ngoài ra, chính sách về môi trường không khói được xem là hiệu quả với phòng chống tác hại thuốc lá. Đồng thời, cần tăng cường giáo dục thanh thiếu niên về nguy cơ sức khỏe khi sử dụng thuốc lá, rượu bia trong nhà trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhà nước cũng cần cân nhắc đến việc tăng thuế với các mặt hàng này nhằm tăng thu ngân sách và giảm tiêu dùng cũng như các hệ lụy liên quan đến cả người sử dụng.
Vai trò các tổ chức dân sự xã hội
Thực tế cho thấy, mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng, từ các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp… Nhưng lại chưa tham gia tích cực, hiệu quả đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia. Trong khi đó, có rất nhiều hoạt động về phòng chống thuốc lá, rượu bia mà các tổ chức có thể tham gia.
Đó là hỗ trợ, cung cấp bằng chứng cho các cơ quan hoặc hoach định chính sách về tác hại thuốc lá và lạm dụng rượu bia, thực hiện truyền thông thúc đẩy người dân tham gia thực thi chính sách tại cộng đồng. Thực thi chức năng giám sát xã hội đối với hoạt động của chính phủ và các doanh nghiệp về triển khai luật và chính sách phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia.
Ông Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, trưởng ban Thường trực Hành động của EBHD cho rằng, thực trạng của các tổ chức xã hội dân sự hiện nay là do thiếu một chiến lược tập trung, chưa tạo được đầu mối tập hợp lực lượng và chưa có chiến lược cùng tham gia và cùng hành động trong khu vực phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia.
Hơn nữa, việc thiếu nguồn lực tài chính ổn định đảm bảo sự tham gia bền vững của các tổ chức này. Việc cần làm ngay đó là truyền thông thay đổi nhận thức, xác định vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia. Bản thân các tổ chức xã hội dân sự phải nhận thấy sự cần thiết phải liên kết, liên minh với nhau, tạo khung chiến lươc hành động cụ thể với thuốc lá và rượu bia giai đoạn 2015-2016. Chính phủ cần có một cơ chế tài chính dành riêng cho hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự trong lĩnh vực này.
Để đẩy mạnh hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá và lạm dụng rượu bia, bên cạnh phát triển chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá, rượu bia cần tạo môi trường rộng mở về cơ chế và tài chính cho các tổ chức tài chính cho các tổ chức xã hội dân sự cùng tham gia, với nguồn kinh phí ổn định trích từ thuế thuốc lá, rượu bia.
Bà Bungon Ritthitphakdee - Giám đốc Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á chia sẻ, năm 2014, nguồn thu cho quỹ ThaiHealth từ thuế phụ thu đối với các sản phẩm thuốc lá và rượu bia ở Thái Lan ước tính lên tới 150 triệu USD. Trong đó, có khoảng 10% tài trợ mở dành cho cộng đồng tham gia vào sáng kiến nâng cao sức khỏe. Đây là cơ hội dành cho các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá và rượu bia.