Dự án phát triển đô thị Hà Nội - Ile de France (IMV) vừa tổ chức cuộc tọa đàm kinh nghiệm bảo tồn di sản kiến trúc phương Tây tại Đông Nam Á nói chung. Mục đích nhằm tìm ra một giải pháp tốt nhất để tư vấn về chính sách bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc Đông Dương (kiến trúc Pháp) tại Hà Nội.
Dấu ấn kiến trúc cũ trên phố Hàng Bồ (Hà Nội)
Ảnh:Hoàng Long
Sự pha trộn phong cách kiến trúc Pháp - Việt
Theo đó, hội thảo hướng tới một nhận định chung rằng việc bảo tồn khu phố Pháp và những công trình biệt thự Pháp cổ có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ nét đặc trưng đô thị của Hà Nội hiện nay. Cách đây ít lâu, chúng tôi cũng đã có bài viết đặt ra vấn đề bảo tồn kiến trúc Đông Dương. Bởi người Pháp đã để lại một di sản văn hóa kiến trúc đáng kể ở Việt Nam. Dấu ấn những công trình kiến trúc Đông Dương không hề lẫn so với bất kỳ một hình thái kiến trúc nào. Ở Hà Nội là Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Phủ Chủ tịch, Bưu điện Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Khách sạn Sofitel Metropole, Thư viện Quốc gia Việt Nam… Bên cạnh những khu nhà hành chính, khu công nghiệp, còn có dấu ấn kiến trúc về nhà ở mang phong cách Đông Dương. Theo thống kê tại hội thảo, TP Hà Nội có khoảng 1.600 căn biệt thự thời Pháp, trong đó khoảng 500 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.
Nhìn một cách tổng quan về kiến trúc Pháp tại Hà Nội, cuốn sách “Hà Nội- giấc mơ Tây phương ở Viễn Đông” do các tác giả Virginie Malherbe- chuyên gia về di sản, và Stéphane Asseline, nhà nhiếp ảnh Pháp biên soạn, được xuất bản song ngữ Pháp - Việt nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội là một công trình nghiên cứu đầy đủ về di sản kiến trúc Đông Dương tại Thủ đô. Nhận định từ các chuyên gia nghiên cứu văn hóa Pháp cho thấy, kiến trúc Đông Dương là một nhân chứng rõ rệt cho những tiếp xúc giữa hai nền văn minh. Năm1923, Toàn quyền Đông Dương đã thành lập một Tổng Nha qui hoạch và kiến trúc. Tiếp đó, khoa Kiến trúc của Trường ĐH Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1926 cho phép tạo sự phát triển mới trong lĩnh vực xây dựng ở Hà Nội. Vậy là một thế hệ kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đầu tiên đã được học hành bài bản từ đây. Họ vận dụng rất tốt các nguồn tri thức của cả hai nền văn minh Pháp- Việt. Do không thể tham gia vào việc thiết kế các công trình công cộng, vốn chỉ dành cho các đồng nghiệp người Pháp, các KTS người Việt đành thể hiện mình qua những công trình dành cho các chủ sở hữu tư nhân. Với khao khát tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật, họ cố gắng khắc phục sự cố thiếu thốn sắt thép, chẳng hạn như dùng tre để tạo độ chắc chắn cho các kết cấu. Có khoảng 100 ngôi biệt thự ở Hà Nội là tác phẩm của họ. Bao gồm những biệt thự pha trộn ở khu phố Trần Quốc Toản, biệt thự ở ngõ Tức Mặc (phố Trần Hưng Đạo), biệt thự ở góc phố Nguyễn Du… Trong đó biệt thự ở số 68 phố Nguyễn Du có chi tiết trang trí mặt tiền là thiết kế của KTS Nguyễn Cao Luyện. Ở hình thái kiến trúc nhà ở pha trộn 2 phong cách, các KTS Việt Nam kết hợp đủ mọi kiểu trang trí; họ cũng biết cách sử dụng thành thạo nhiều phong cách khác nhau tùy theo sở thích của khách hàng.
Chuyên gia Pháp giúp trùng tu nhà ở
Hiện tại với sự hỗ trợ của các chuyên gia và tổ chức quốc tế, TP Hà Nội đã và đang tiến hành kiểm kê, phân loại, hỗ trợ người dân trùng tu và bảo tồn di sản kiến trúc các khu phố Pháp quý giá này. Đơn cử như khu phố Pháp nằm ở phía nam Hồ Gươm và trung tâm chính trị Ba Đình, với rất nhiều biệt thự và các công trình kiến trúc đặc trưng thời thuộc địa. Từ năm 2007, các chuyên gia dự án vùng Ile de France đã giúp thống kê và phân loại di sản biệt thự thời Pháp và đề xuất quy chế quản lý, bảo tồn cho khu phố này. Tại hội thảo, ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Dự án hợp tác Phát triển đô thị Hà Nội – Ile de France (IMV) cho biết, hiện nay dự án đang tiến hành 2 dự án thí điểm trùng tu biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội. Các chuyên gia đến từ Pháp tập trung nghiên cứu hiện trạng và kiến trúc đặc trưng của từng di sản riêng biệt để từ đó tư vấn phương án bảo tồn phù hợp.
Rất nhiều kinh nghiệm về bảo tồn kiến trúc Pháp đã được các chuyên gia đến từ Pháp, Việt, Lào, Thái Lan... chia sẻ tại hội thảo Di sản phương Tây tại Đông Nam Á diễn ra tại Hà Nội vừa rồi. Theo GS. KTS Hoàng Đạo Kính, trong quá trình phát triển, các nhà khoa học vẫn đặt vấn đề phải giữ quỹ di sản kiến trúc Đông Dương. Đó chính là di sản kiến trúc đô thị. Nó không chỉ cho thấy diện mạo của lịch sử, mà tự thân nó cũng mang giá trị kiến trúc, đô thị, lịch sử. Dẫu vậy, theo GS.KTS Hoàng Đạo Kính, vấn đề chúng ta đang phải đối mặt chính là tính khả thi của việc gìn giữ các di sản kiến trúc đô thị này. Việc bảo tồn còn khó vì chúng ta chưa nắm rõ 2 khái niệm bảo tồn di tích với bảo tồn di sản kiến trúc. Hiện tại với một ngôi biệt thự, chúng ta cứ chờ Bộ VHTT&DL công nhận là di tích. Trong khi đó, quỹ tài sản kiến trúc đô thị này lại có giá trị sử dụng, nghĩa là nó là di sản sống. Vì thế, không thể coi hàng ngàn cái nhà ở là di sản, di tích hết được… Vấn đề đặt ra ở đây là đừng ngồi chờ nó trở thành di tích rồi mới bảo tồn.
Giờ đây chính sách bảo tồn khu kiến trúc Pháp tại Thủ đô vẫn đang là vấn đề nan giải. Chỉ biết rằng, cho dù chỉ là một khu vực trong trung tâm thành phố hiện đại, song những giá trị di sản chứa đựng trong khu phố Pháp là một nguồn thư tịch cổ quý giá để qua đó người ta vẫn đọc được những dấu vết lịch sử của Thủ đô hơn 1.000 năm văn hiến. Có lẽ rất ít thành phố nào của châu Á còn lưu giữ được một nguồn di sản phong phú như vậy. Đó là nguồn tài nguyên có giá trị, chứa đựng cả giá trị về văn hóa và phát triển du lịch.