Tìm cách giải hạn cho vùng hiếm nước

M.Đan 15/08/2016 09:10

Cuối tuần qua, cuộc họp do Ban chỉ đạo chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Đây được xem là động thái tích cực tìm cách giải hạn bền vững cho khu vực luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn nước.

Tìm cách giải hạn cho vùng hiếm nước

Nhiều nơi ở vùng cao vẫn thiếu nước sinh hoạt.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước là chương trình hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình hạn hán xâm nhập mặn vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL diễn ra rất gay gắt, nên cần được đầu tư giải quyết một cách căn cơ, bền vững.

Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Minh Khuyến- Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng và trình ban hành Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình, xây dựng kế hoạch hoạt động, quản lý và tổ chức thực hiện.

Ông Khuyến cũng kiến nghị bố trí kỳ họp thường niên Ban chỉ đạo 2 năm một lần; bổ sung kinh phí hoạt động của cơ quan chủ trì, quản lý và tổ chức thực hiện chương trình vào dự án 1, đồng thời, tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm, dự thảo văn bản của Bộ gửi Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT để triển khai thực hiện dự án 2 và 3 của chương trình.

Về kết quả thực hiện dự án 1 (điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước), ông Triệu Đức Huy- Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Trung tâm đã hoàn thành toàn bộ khối lượng được giao năm 2016 (10/10 vùng) với 100% lỗ khoan có nước với trữ lượng, chất lượng đảm bảo và đã kết cấu thành giếng khoan khai thác lâu dài, tổng lưu lượng khai thác đạt 354%.

Cụ thể, khu vực Tây Nguyên, lưu lượng trung bình mỗi lỗ khoan đạt 297m3/ngđ; lưu lượng khai thác các vùng đạt từ 117 đến 448% so với yêu cầu. Có thể xây dựng 7 trạm cấp nước tập trung với công suất từ 300 - 1000m3/ngđ, nguồn nước đủ đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho 69.266 người.

Khu vực ĐBSCL, lưu lượng trung bình mỗi lỗ khoan đạt 1.000m3/ngđ; lưu lượng khai thác các vùng đạt từ 145 đến 940% so với yêu cầu. Có thể xây dựng 4 trạm cấp nước tập trung với công suất từ 700 - 1.300m3/ngđ, nguồn nước đủ đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho 86.000 người.

Ông Huy cũng đề nghị Bộ TN&MT cho phép rà soát, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật Dự án cho phù hợp với hiện trạng và diễn biến hạn hán xâm nhập mặn, điều kiện thực tế thi công của từng vùng khu vực ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để nâng cao đầu tư của dự án. Đồng thời, Bộ cân đối ưu tiên bổ sung kinh phí năm 2016-2017 để thực hiện triển khai điều tra, tìm kiếm nguồn nước ở các vùng hạn hán, xâm nhập mặn ở các khu vực trên.

Về kết quả tình hình thực hiện dự án số 2 (nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước), bà Vũ Thị Hồng Nghĩa- đại diện Bộ KH&CN cho biết đến nay, 6 đề tài cấp quốc gia được Bộ KH&CN phê duyệt đã đạt được một số kết quả sau:

Điều tra, thu thập các tài liệu liên quan, phối hợp với các đơn vị, chuyên gia đi thực địa, khảo sát; nghiên cứu, đánh giá được thực trạng và hiệu quả hoạt động của các mô hình, giải pháp khai thác nước tại các khu vực nghiên cứu; sơ bộ lựa chọn được địa điểm xây dựng mô hình công nghệ khai thác và xử lý nước phù hợp, có tính khả thi để áp dụng tại các khu vực nghiên cứu; tổ chức được cuộc hội thảo khởi đầu về tiêu chí lựa chọn vị trí đặt mô hình thử nghiệm, các giải pháp thực hiện các nội dung của đề tài.

Cùng đó, bà Nghĩa đề xuất: “Có một số vị trí có tiềm năng để xây dựng mô hình thí điểm đã nằm trong danh mục của dự án của tỉnh chuẩn bị đầu tư hoặc đã đầu tư xây dựng xong nên việc triển khai xây dựng mô hình thử nghiệm ở khu vực đó là không phù hợp.

Mặt khác, có những xã đang rất có nhu cầu về cấp nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho người dân, đồng thời khu vực đó cũng rất thuận lợi cho việc xây dựng mô hình thử nghiệm nhưng không nằm trong danh mục các vùng khan hiếm nước theo Quyết định 264/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như xã Xuân Nội, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng và xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Do đó, đề nghị Ban chỉ đạo xem xét bổ sung các xã này vào Danh mục các xã thiếu nước ăn uống, sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước làm báo cáo trình Chính phủ kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và kiến nghị những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt lưu ý đến kiến nghị của Bộ NN&PTNT về vấn đề kinh phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cách giải hạn cho vùng hiếm nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO