Tìm cát để làm cao tốc

Đoàn Xá 10/07/2023 07:30

Với gần 500 km vừa mới được triển khai, đang trong giai đoạn chuẩn bị san lấp nền, nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng (chủ yếu là cát) cho các dự án hạ tầng đường bộ cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn.

Nhiều dự án đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long thiếu cát xây dựng.

Tương tự, một số dự án đường cao tốc, đường bộ khác ở quanh khu vực TPHCM cũng cần một lượng lớn cát, dự kiến sẽ được khai thác từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đưa về, làm gia tăng nỗi lo thiếu hụt loại vật liệu này.

Chỉ trong ít tháng đầu năm 2023, hàng loạt tuyến đường cao tốc quan trọng như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hay Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - An Hữu… được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nỗi lo thiếu cát, nguồn nguyên liệu chính để xây dựng đường cao tốc. Với đặc thù nền đất thấp, hầu hết các đoạn đường cao tốc ở khu vực này đều có nhu cầu cát san lấp nhiều hơn so với các khu vực khác. Như tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc trục cao tốc Bắc - Nam dài 109km, đi qua 5 tỉnh thành (Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau) cần tới 18,5 triệu m3 cát đắp nền. Hầu hết trong số này phải được sử dụng trong năm 2023 và 2024 để dự án hoàn thành việc đắp nền, trước khi tiếp tục thực hiện các hạng mục thi công khác.

Rộng hơn, tổng số các dự án đường cao tốc khu vực này cần khoảng gần 48 triệu m3 cát, chủ yếu trong thời gian 2 năm (2023 và 2024). Nếu tính thêm các dự án hạ tầng khác như đường tránh, đường nối, quốc lộ, đường tỉnh… được triển khai ở khu vực ĐBSCL thời gian này, tổng lượng cát cần sử dụng lên tới khoảng 53 triệu m3. Trong khi đó, vùng ĐBSCL hiện có 24 mỏ cát đang được cấp phép khai thác, chủ yếu là các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long với công suất khoảng 6,2 triệu m3. Hiện nay, các mỏ cát này đều được cấp phép để tăng thêm 50% công suất so với sản lượng nhằm có thêm vật liệu để kịp tiến độ thi công các dự án. Ngoài ra, hàng loạt mỏ cát hết giấy phép khai thác cũng vừa được các bộ ngành, địa phương phối hợp để gia hạn, cấp phép khai thác nhằm đảm bảo đủ nhu cầu nguyên vật liệu của các dự án này.

Tuy nhiên, toàn bộ các mỏ cát này khai thác cũng chỉ đáp ứng chưa tới 80% nhu cầu cho các dự án đường cao tốc (không tính các dự án khác) khiến cho nỗi lo về việc thiếu nguyên vật liệu hiện hữu bởi các dự án trên đều đã khởi công, đang trong giai đoạn san lấp nền. Theo tính toán của các bộ ngành, lượng cát quy hoạch để cấp phép khai thác (tới năm 2025) ở khu vực vùng ĐBSCL là khoảng hơn 88 triệu m3. Hầu hết các mỏ cát ở khu vực là do phù sa bồi đắp, việc khai thác cần có tính toán kỹ lưỡng để không phát sinh tác động về môi trường, dòng chảy nước. Đặc biệt, các khu vực khai thác các cũng cần gần với khu vực thi công dự án để đảm bảo tiến độ, nguồn vốn.

Để giải quyết bài toán này và đáp ứng kịp tiến độ các dự án đường cao tốc trên (hầu hết sẽ hoàn thành năm 2026), Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều văn bản đốc thúc, phối hợp, gỡ khó vấn đề thủ tục để các địa phương đẩy nhanh tiến độ khai thác cát nền cho các dự án. Gần nhất, ngày 8/7 tại hội nghị tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy việc triển khai các dự án cao tốc ở vùng ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng và cần thiết của các dự án đường cao tốc ở khu vực. Ngoài trục đường cao tốc Bắc - Nam, khu vực ĐBSCL sẽ có thêm một số trục cao tốc ngang để tăng tính kết nối, thêm các lựa chọn di chuyển cho người dân.

Theo kế hoạch, các dự án đường cao tốc với tổng nguồn vốn lên đến hơn 94.000 tỷ đồng sẽ được hoàn thành vào năm 2026. Mặc dù có một số khó khăn như thiếu nguồn nguyên liệu cát nhưng Thủ tướng cho biết các phương án tháo gỡ đã được triển khai sẽ đảm bảo nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm trên. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị thực hiện nghiên cứu sử dụng nguồn vật liệu là cát biển và phương pháp xây dựng đường cao tốc trên cầu cạn nhằm mang đến thêm các lựa chọn khi thi công.

Việc bảo đảm cát xây dựng cho các dự án đường cao tốc ở miền Tây Nam bộ cần có sự chung tay tay giải quyết của nhiều bộ ngành, địa phương. Thực tế, dù nhu cầu nhiều nhưng dư địa khai thác của khu vực vẫn có thể đáp ứng. Tuy nhiên, chọn lựa khai thác ở khu vực nào, trữ lượng bao nhiêu để thực hiện dự án cũng là một vấn đề quan trọng, bởi không thể khai thác cát ở hạ lưu sông Tiền rồi vận chuyển về tận Cà Mau (khoảng cách 2-3 trăm cây số) để phục vụ việc thi công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cát để làm cao tốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO