Thời điểm này, thị trường xăng dầu vẫn đang diễn biến phức tạp khi những hạn chế chưa được giải quyết. Bởi vậy việc góp ý Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 và Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu là rất cấp thiết. Nhiều ý kiến cho rằng quan điểm nhất quán khi sửa đổi Nghị định phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và minh bạch.
Cây xăng vẫn tự ý đóng cửa, bán sai giá niêm yết
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), đầu tháng 2, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện Cửa hàng xăng dầu Nam Triệu, địa chỉ 17-19 phố Thụy Khuê (Tây Hồ), dùng giấy chứng nhận hết hạn. Trước đó, qua kiểm tra một cơ sở kinh doanh xăng dầu trên phố Ba Thá, xã Viên An, huyện Ứng Hòa, Đội Quản lý thị trường số 23 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện cửa hàng này có hành vi niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá quy định. Với những sai phạm của điểm kinh doanh xăng dầu này, Đội Quản lý thị trường số 23 đã xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm của cơ sở kinh doanh xăng dầu trên. Còn tại Hà Nam, Tổ công tác giám sát xăng dầu của Tổng cục đã kiểm tra, giám sát tình hình cung ứng xăng dầu ở các tỉnh, thành phố phía Bắc. Trong thời gian từ ngày 25/1 đến 30/1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam đã phát hiện, xử lý 3 cây xăng vi phạm các quy định trong kinh doanh xăng dầu với tổng số tiền 45 triệu đồng. Tương tự, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Trị, lực lượng chức năng cũng phát hiện một số cửa hàng xăng dầu vi phạm.
Trước đó, tại tỉnh An Giang, lực lượng chức năng lại xử phạt cửa hàng xăng dầu bán sai giá. Cụ thể, ngày 13/1, Đội Quản lý thị trường số 5 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang phát hiện Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu An Thạnh Trung có dấu hiệu vi phạm hành chính: Niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định. Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 7.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cơ sở kinh doanh xăng dầu này… Có thể thấy nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây. Nếu như trước đây hiện tượng cửa hàng đóng cửa, niêm yết giá không đúng hay bán theo mức cửa hàng quy định chỉ xuất hiện khi giá xăng dầu thế giới tăng nhưng trong nước chậm được điều chỉnh, chiết khấu bất hợp lý khiến cửa hàng xăng dầu lỗ đậm. Sau khi điều chỉnh giá và chiết khấu, các cửa hàng sẽ bán trở lại. Nhưng tình trạng cây xăng tự ý đóng cửa, bán sai giá niêm yết vẫn diễn ra ngay cả sau khi giá xăng dầu đã được điều chỉnh.
Lý giải sự việc này, ông Nguyễn Xuân Thắng - đại diện một doanh nghiệp tại Lâm Đồng cho biết: Hiện nay, thị trường xăng dầu trong tình trạng thương nhân đầu mối lãi khủng, doanh nghiệp bán lẻ lỗ nặng vì điều chỉnh chính sách chưa hợp lý.
Cấp bách sửa đổi Nghị định xăng dầu
Những bất cập trong quy định về kinh doanh xăng dầu hiện nay cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 và Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu là rất cấp bách. Đã đến lúc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, để thị trường quyết định giá xăng dầu, sớm khắc phục những bất cập của thị trường, không để tình trạng càng sửa nghị định càng nhiều rào cản, doanh nghiệp càng bị bó cứng… Đó là hàng loạt kiến nghị của doanh nghiệp cũng như các chuyên gia tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức mới đây. Hội thảo có khoảng 300 doanh nghiệp từ 50 tỉnh, thành phố tham dự.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, việc sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu sao cho phù hợp nhất với bối cảnh thế giới, bối cảnh kinh tế xã hội trong nước, sát với các biến động thị trường và đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước nhưng phải làm sao tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân.
Về quan điểm trong việc soạn thảo dự thảo Nghị định lần này, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch. Khi đáp ứng yêu cầu này thì sẽ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời ông Anh Tuấn cho rằng, mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường. Nên ở góc độ nào đó, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi Nghị định 95 và 83 lần này.
Nhấn mạnh một số bất cập trong cơ chế, chính sách hiện tại khiến các doanh nghiệp lãi bán mà lỗ cũng vẫn phải bán. Ông Văn Tấn Phụng - đại diện Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Nai mong muốn cơ quan quản lý lắng nghe doanh nghiệp để đưa ra những điều chỉnh phù hợp, đánh giá đúng vai trò của thương nhân kinh doanh xăng dầu, bởi họ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế; Đồng thời đề nghị rút ngắn thời gian điều chỉnh giá để sát với thực tế; Tính toán quỹ bình ổn hợp lý...
Khó giải quyết tận gốc?
Có thể thấy, nguyên nhân nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu đóng cửa, gây bất an cho người tiêu dùng là bởi việc chiết khấu bất hợp lý khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng nề. Đại diện cho nhóm doanh nghiệp bán lẻ, ông Hà Thanh Tùng - Công ty TNHH Thương mại vận tải Hà Giang chia sẻ: Nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện có 950 thành viên, có trên 9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chiếm 53% số cửa hàng bán lẻ trên cả nước (17.000 cửa hàng). Do không có chiết khấu, nên thời gian qua, doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ nặng nề. Qua thống kê của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ, lúc cao điểm, các doanh nghiệp lỗ đến 900 tỷ đồng/tháng.
Ông Tùng cho rằng: Việc thua lỗ này không phải do doanh nghiệp bán lẻ không biết kinh doanh mà do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp. Cũng là thương nhân kinh doanh xăng dầu, có thương nhân đầu mối sau khi được điều chỉnh chi phí, quý IV/2022 lãi lên đến gần nghìn tỷ đồng. Còn những thương nhân bán lẻ không được hỗ trợ, lỗ đến cả nghìn tỷ đồng, thậm chí đứng trước nguy cơ phải xin rút giấy phép kinh doanh, do không thể tiếp tục gồng mình chịu lỗ.
Liên quan tới vấn đề chiết khấu, theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo, vấn đề chiết khấu phải do thị trường quyết định nhưng khi sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu thì lại đang càng ngày càng bó cứng doanh nghiệp thông qua các điều khoản khác nhau. “Để doanh nghiệp không đóng cửa, Nhà nước quản lý giá bằng công cụ, công thức, tính theo giá thế giới, còn chi phí của doanh nghiệp thì cũng phải được cộng vào cho đủ. Lúc đó đầu mối không thể kêu không đủ chi phí để chiết khấu cho bán lẻ. Việc sửa Nghị định cũng phải cố gắng có yếu tố thị trường rõ ràng hơn, nhưng vẫn có sự quản lý của Nhà nước” - ông Bảo kiến nghị.
Trước những ý kiến từ phía bán lẻ, ông Phạm Văn Thoại - Chủ tịch HĐQT Saigon Petro đại diện doanh nghiệp đầu mối, mong muốn các doanh nghiệp bán lẻ cùng tìm giải pháp tháo gỡ, cũng như chia sẻ với chính nỗi khổ của doanh nghiệp đầu mối. “Tôi rất chia sẻ với doanh nghiệp bán lẻ khi thời gian qua khó khăn và mong muốn chiết khấu cao hơn. Thế nhưng chúng tôi phải có lãi thì mới chia được, bản thân chúng tôi cũng lỗ” - ông Thoại nói.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Nam - Trưởng ban Chính sách Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), một ngày lỗ của doanh nghiệp đầu mối lớn hơn rất nhiều so với doanh nghiệp bán lẻ, vì lỗ nên không đủ nguồn lực chia sẻ lại chiết khấu cho bán lẻ. Trước đề xuất quay lại thay đổi điều chỉnh giá 7 ngày hay 15 ngày, ông Nam cho rằng không quan trọng bằng việc chu kỳ điều hành giá phải bao hàm được quy định dự trữ tồn kho của doanh nghiệp.
Trước những ý kiến khác nhau, từ góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: Việc đứt gãy thị trường xăng dầu trong thời gian qua đã bộc lộ những bất cập trong quản lý Nhà nước bởi trước đây đã từng có thời điểm giá dầu thô lên tới 140 USD/thùng, không phải bây giờ giá dầu mới cao.
Theo TS Cung, để phát triển thị trường xăng dầu thực thụ thì những rào cản cạnh tranh đều phải loại bỏ, ví dụ như: quy định về khoảng cách giữa hai cây xăng, quỹ bình ổn, chu kỳ điều hành 7 ngày hay 15 ngày… đồng thời chỉ giữ lại những quy định về chất lượng, an toàn.
Bên cạnh đó, TS Cung cho rằng, cần thành lập hội đồng có doanh nghiệp đầu mối - phân phối - bán lẻ, nhà khoa học, chuyên gia… để xây dựng công thức tính, thuê một bên thứ ba xác định giá tham chiếu, các doanh nghiệp dựa vào đó để công bố giá bán.
Một vấn đề khác được chuyên gia Nguyễn Đình Cung góp ý là quyền và trách nhiệm của thương nhân phân phối. Theo đó, việc đảm bảo cung cấp xăng dầu trong bất kỳ hoàn cảnh nào là trách nhiệm của Nhà nước, không thể chuyển sang cho doanh nghiệp. Do vậy, cần có dự trữ quốc gia về mặt hàng xăng dầu, khi nào thị trường bất ổn sẽ xả ra.
Vị chuyên gia này kỳ vọng những đổi mới trong các Nghị định sẽ không mang tính cơi nới, mà là sự thay đổi tư duy trong quản lý nhà nước để sớm tiến tới cải cách thị trường xăng dầu.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Phải có kế hoạch dự trù nguồn cung
Cần phải cấp bách xem xét sửa đổi Nghị định 83 và 95. Bộ Công Thương hiện đang xây dựng, lấy ý kiến dự thảo sửa đổi hai Nghị định này theo hướng rút ngắn chu kỳ điều hành từ 10 ngày xuống còn 7 ngày và nghỉ lễ vẫn điều chỉnh bình thường. Theo tôi, điều này là phù hợp.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phải có kế hoạch dự trù nguồn cung. Đồng thời, Bộ Công Thương cần kiểm tra sát sao đối với các doanh nghiệp đầu mối, làm sao cung ứng đủ, đảm bảo cho thị trường. Ngoài ra, một vấn đề hết sức quan trọng là các doanh nghiệp không chỉ trông chờ, ỷ lại tất cả cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa rủi ro về biến động giá. Bộ Công Thương cũng như các cơ quan chức năng đã cung cấp những thông tin dự báo về tình hình biến động giá thì doanh nghiệp phải có đủ năng lực, trình độ, nâng cao nhận thức để hiểu, dự báo giá và có những công cụ dự phòng về giá cho hợp lý.
Một điều tôi muốn nhấn mạnh, đó là các doanh nghiệp đầu mối lớn cũng phải cùng góp sức với Nhà nước, chia sẻ rủi ro với các đại lý bán lẻ. Lợi nhuận thì chia sẻ, mà rủi ro thì cùng gánh chịu.
PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân): Quỹ bình ổn xăng dầu chưa thực hiện tốt chức năng
Quỹ xăng dầu hiện đang hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau qua giá nên không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Cùng đó, Quỹ bình ổn xăng dầu có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm và ngược lại. Ngoài ra, việc trích lập khi giá thế giới tăng cũng khá phổ biến. Vì vậy, nguyên tắc này không đảm bảo "bình ổn" và Quỹ bình ổn xăng dầu chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá.
Có thời điểm, cơ quan điều hành ngược khi trích lập vào quỹ khi giá xăng dầu thế giới tăng. Như năm 2022, giá xăng gần 30.000 đồng/lít nhưng người dân vẫn phải đóng vào quỹ khiến giá xăng tiếp tục tăng. Hiện nay, giá xăng hơn 22.000 đồng/lít nhưng vẫn xả quỹ để bù vào giá xăng dầu. Một bất cập nữa của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là có tái phân phối thu nhập theo hướng làm gia tăng bất bình đẳng. Cụ thể, xăng E5, RON92 có số lần được chi quỹ nhiều hơn hẳn số lần phải trích lập. Các loại dầu phải trích lập nhiều hơn chi. Điều này khiến người sử dụng dầu đang phải “trợ giá’’ cho những người dùng xăng…
Tôi cho rằng, quỹ bình ổn chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt khi nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu. Rút ngắn thời gian điều hành giá và tái cấu trúc thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh hơn.