Vốn là thể loại “kén” khán giả, tuy nhiên với những câu chuyện “người thực, việc thực” được phản ánh sinh động, phim tài liệu Việt Nam đang dần khẳng định thương hiệu. Tuy nhiên, để tìm được cơ hội xuất hiện tại các phòng vé vẫn đang là một hành trình đầy gian nan.
Dấu ấn của sự dấn thân
Sau 1 năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 12 vừa chính thức khép vào ngày 12/6, tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (DSF) với những dấu ấn đặc biệt. Bên cạnh các bộ phim đặc sắc đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Âu, 10 tác phẩm của Việt Nam được công chiếu đã mang đến tín hiệu đầy khởi sắc cho phim tài liệu của nước nhà. Ở đó, Liên hoan phim không chỉ cuộc giao lưu văn hóa mà còn cho thấy sự dấn thân, “bứt tốc” của những nhà làm phim trẻ.
Một trong những ghi nhận lớn nhất tại Liên hoan phim là nhiều bộ phim đã tạo nên những cơn “sốt vé”. Đơn cử như, phim “Mẫu Liễu Hạnh” của đạo diễn Trần Phương Thuỷ, Trịnh Quang Tùng. Đây là bộ phim nằm trong dự án làm phim về “Tứ bất tử” nổi tiếng trong văn hóa Việt Nam. Hay bộ phim “Cuộc chiến không giới hạn” của đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Ánh Ngọc khắc họa về “cuộc chiến” phòng chống Covid-19. “Những vùng đất hồi sinh” của đạo diễn Đỗ Huyền Trang là câu chuyện công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin mà Mỹ rải xuống Việt Nam. Phim có kịch bản chặt chẽ, được dựng gọn gàng, gây thiện cảm với người xem.
Bên cạnh đó, còn có thể kể đến phim “Đình làng Bắc Bộ”, đạo diễn Đào Đức Thanh khi mang đến Liên hoan phim một trong những biểu tượng của làng quê Việt, đó là đình làng - sợi dây gắn bó tạo mối quan hệ khăng khít trong cộng đồng làng xã, nơi nghệ thuật dân gian thăng hoa và tỏa sáng, những ước vọng bình yên của người dân được gửi gắm qua từng nét chạm khắc. Phim “Hai bàn tay” của đạo diễn Đặng Thị Linh kể về cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Nguyễn Sáng, một trong những cây đại thụ của mỹ thuật Việt Nam. Trong khi đó, đạo diễn Hoàng Hà Lê mang đến câu chuyện đầy xúc động từ hậu trường của nghề xiếc với phim “Phía sau ánh hào quang”. Khán giả cũng có dịp gặp lại đội nữ du kích sông Hương trong chiến dịch Mậu Thân 1968 qua bộ phim “Nữ du kích sông Hương” của đạo diễn Đào Duy Từ…
Có thể thấy, với 10 bộ phim với 10 câu chuyện khác nhau các bộ phim mang thương hiệu Việt Nam không chỉ mang đến những thông tin xác thực, khách quan mà còn mang tới những hơi thở của cuộc sống thời đại. NSƯT Trịnh Quang Tùng - Phó Tổng giám đốc DSF cho biết, các phim Việt Nam tham gia Liên hoan phim có đề tài rất đa dạng, từ văn hóa, tín ngưỡng, chân dung nghệ sĩ, cho đến các vấn đề xã hội đương đại, và cả cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Theo đánh giá chung, các bộ phim đều có chất lượng tốt và có đề tài tương đồng với các bộ phim của châu Âu để trình chiếu. Điều đặc biệt, năm nay có sự tham gia của nhiều đạo diễn trẻ của Việt Nam, ngoại trừ gương mặt “kỳ cựu” là đạo diễn Nguyễn Như Vũ. Có thể kể đến Đỗ Huyền Trang với phim “Những vùng đất hồi sinh” hay Đặng Thị Linh với phim “Hai bàn tay” đã có cách làm phim mới mẻ, hấp dẫn.
Tìm cơ hội để nâng tầm
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và đã trở thành thương hiệu thì Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 12 cũng để lại những niềm trăn trở cho những nhà làm phim Việt Nam. Mặc dù, nếu so sánh với các bộ phim đến từ châu Âu đã được đề cử hoặc giành các giải thưởng quốc tế uy tín là quá “khập khiễng” với các bộ phim Việt Nam, nhưng có một điều dễ nhận ra, sự phát triển của phim tài liệu Việt vẫn đang ở mức độ tiềm năng.
Đơn cử, hầu hết phim tài liệu Việt Nam hiện nay thời lượng vẫn rất “eo hẹp” chỉ khoảng 30 phút. Nhiều bộ phim dù nội dung dù rất hấp dẫn những chưa thực sự làm khán giả “đã mắt”. Thậm chí nhiều bộ phim khi đang đưa khán giả đến “đỉnh” của cảm xúc lại “vội vã” kết thúc cho kịp đủ thời lượng quy định. Ở đó, nguyên nhân chính vẫn là vấn đề muôn thủa kinh phí. Bởi có một thực tế hiện nay, mỗi năm, số lượng đầu phim được nhà nước đầu tư khác nhau. Trung bình, nhà nước đặt hàng, đầu tư cho phim tài liệu với kinh phí khoảng 700 - 800 triệu đồng/phim có thời lượng khoảng 30 phút, với khoảng hơn 20 đầu phim.
Theo NSƯT Trịnh Quang Tùng, mảng phim tài liệu của Việt Nam hầu hết được Nhà nước đầu tư sản xuất, nguồn ngân sách cấp theo năm. Do đó, mỗi dự án phim thường thực hiện từ 4 đến 6 tháng, dài lắm là 1 năm, kinh phí ít. Cũng theo ông Tùng, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc phim tài liệu Việt Nam thường có thời lượng ngắn, khó “bước chân” ra rạp chiếu phim trong nước cũng như nước ngoài.
Xa hơn nữa là khó tìm được cơ hội phát triển vì không thể tham dự những Liên hoan phim dành cho phim tài liệu dài mà chỉ có thể tham gia Liên hoan dành cho phim tài liệu ngắn. Mới đây, Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đã trình đề xuất sản xuất phim tài liệu dài lên Bộ Tài chính và đang chờ duyệt. Đến nay, kế hoạch sản xuất phim tài liệu dài vẫn chờ kinh phí để triển khai.
Thực tế cho thấy, không phải phim tài liệu Việt Nam không có cơ hội để phát triển. Bởi nếu so với các dòng phim khác, phim tài liệu hoàn toàn không “bí” đề tài khi đang sở hữu một kho tàng tư liệu “đồ sộ” có thể kể với thế giới - những câu chuyện, văn hóa, cuộc sống con người Việt Nam. Bên cạnh đó, trừ các hãng phim nhà nước đang phải “ngóng” kinh phí thì thời gian qua việc nhiều trung tâm làm phim tài liệu ra đời với kinh phí được hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, hay các trung tâm văn hóa nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã “tiếp sức” cho các nhà làm phim trẻ có thể thỏa sức sáng tạo và thể hiện cá tính của mình.
Thời gian qua, nhiều bộ phim tài liệu của các tác giả dòng phim độc lập đã được mời tham gia các Liên hoan phim quốc tế và giành được nhiều giải thưởng cao quý – chính là những minh chứng rõ nhất.
Theo NSƯT Trịnh Quang Tùng, mảng phim tài liệu của Việt Nam hầu hết được Nhà nước đầu tư sản xuất, nguồn ngân sách cấp theo năm. Do đó, mỗi dự án phim thường thực hiện từ 4 đến 6 tháng, dài lắm là 1 năm, kinh phí ít. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc phim tài liệu Việt Nam thường có thời lượng ngắn, khó bước chân ra rạp.