Tìm đất để xây trường mới

H.Vũ 21/08/2023 07:00

Về việc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề xuất cho phép xây thêm trường học mới ở khu đông dân cư, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cho rằng cần được triển khai áp dụng ngay.

Nhiều trường học ở Hà Nội quá tải. Ảnh: Bá Duy.

Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội đang có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Mỗi năm tăng từ 50.000-60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30-40 trường học. Trong khi đó, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất. Do đó, kiến nghị cho phép xây dựng trường học áp dụng tiêu chí tính diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên đầu học sinh nhằm đáp ứng chuẩn xây dựng trường học mới.

Tương tự, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện thành phố đang gặp khó khăn trong chính sách diện tích đất bình quân tối thiểu trong lĩnh vực giáo dục ở những khu vực đông dân và mật độ dân số rất cao. Các trường phải tăng số học sinh trên lớp, chia ca học đảm bảo đủ phòng học cho các em. Vì thế nên tính diện tích lớp trên đầu học sinh, chứ không phải diện tích đất trên đầu học sinh. Nếu áp dụng chính sách này sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc khó khăn hiện nay của thành phố từ đó nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học phục vụ cho các em học sinh.

Ông Lê Như Tiến cho hay, ông từng kiến nghị trước Quốc hội cho phép “nâng tầng” để tăng thêm phòng học tại Hà Nội và TPHCM, tất nhiên là phải kiểm tra về mặt kỹ thuật xây dựng, nếu kỹ thuật xây dựng đảm bảo, nền móng tốt có thể dùng vật liệu nhẹ để xử lý nâng thêm tầng.

Theo ông Tiến, những khu vực “nâng tầng” phía trên có thể làm bằng vật liệu nhẹ. Những khu đó dành cho Ban giám hiệu, các thầy cô giáo, phòng thí nghiệm, phòng truyền thống, phòng đọc sách... Còn các tầng dưới, sử dụng thường xuyên thì dành cho các lớp học. Vì số lượng học sinh đông, chưa kể khả năng tự vệ của các em càng ít tuổi thì càng kém. Cho nên tầng cao thì các thầy cô, các tổ bộ môn có thể làm việc để nhường phòng học cho học sinh. Đó là phương án khá khả thi khi những khu vực nội thành tại Hà Nội và TPHCM, tình trạng thiếu phòng học đang diễn ra rất gay gắt.

“Chúng ta không nên quá máy móc. Vì quỹ đất đang thiếu, bên cạnh việc tìm quỹ đất để xây trường mới thì cần đánh giá sức bền vật liệu, nghiên cứu các vật liệu xây dựng mới, nhẹ, thấy đảm bảo thì có thể thêm tầng. Tôi đã nghiên cứu tại một số trường khu vực nội thành tại 2 thành phố trên thấy một số trường đã nâng tầng. Tuy nhiên vấn đề này chưa được làm đại trà vì đang thí điểm, “vừa làm vừa nghe ngóng”. Quan trọng nhất là an toàn trong xây dựng, và đảm bảo cho các lớp học vừa khang trang, sạch đẹp nhưng vẫn an toàn. Chỉ nâng thêm 1 tầng là đã cải thiện được rất nhiều rồi” - ông Tiến nói và cho rằng “trong cái khó ló cái khôn”, và đây cũng là giải pháp trước mắt để giải quyết ngay vấn đề cấp bách đang thiếu trường lớp hiện nay.

Ông Tiến cũng cho biết, khi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học thì đều được ủng hộ, coi đó là phương án thiết thực, trước mắt và khá cấp bách, hiệu quả.

Về lâu dài, theo ông Tiến, Hà Nội và TPHCM cần giao cho UBND các quận, huyện dành quỹ đất cho giáo dục, y tế, các thiết chế văn hoá, nhất là khi dân số ngày càng tăng một cách cơ học. Nếu dễ dãi cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở thương mại, thấy lợi nhuận trước mắt mà không nhìn thấy dành đất, đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho tương lai của đất nước. Đồng thời cần nhanh chóng đưa các nhà máy, xí nghiệp, trường cao đẳng, đại học ra khỏi khu vực nội thành để dành đất cho giáo dục. Khi các nhà máy, trường cao đẳng, đại học ra khỏi nội thành thì quỹ đất dôi ra đó dành cho các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT.

“Bậc cao đẳng, đại học các em đã lớn, có thể đi xe buýt, hoặc tự đi học xa được. Còn các cháu mầm non, các học sinh bậc phổ thông, phụ huynh không thể đi xa để đưa đón được; bởi họ còn công việc hàng ngày. Cần tính đến “lợi ích kép”, đó chính là lợi ích của học sinh và cả phụ huynh. Trong đó có cả sự hợp lý hóa của các thầy cô giáo” - ông Tiến nói.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 1.976.744 học sinh các cấp (tăng 499.960 em). Tỷ lệ học sinh/lớp ở cấp Tiểu học là 32,1, THCS là 37,71 em/lớp và THPT là 40,27. Tuy nhiên, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỷ lệ quy định như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm đất để xây trường mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO