Ngày 1/12, Vasep và Quỹ bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) tổ chức hội thảo “Sự phân bố và bảo tồn các loài đang bị đe doạ ở ĐBSCL đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) bền vững”.
Quang cảnh hội thảo.
ĐBSCL đa dạng về hệ sinh thái, liên kết giữa các vùng thông qua đường biển và đất liền, đây cũng là nơi di cư của nhiều loài chim. Mỗi tỉnh trong vùng có đặc trưng riêng về hệ sinh thái và có tính đa dạng sinh học khác nhau.
TS Dương Trí Dũng, Khoa môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, đã chỉ ra các loài đang bị đe doạ ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL: Vùng ĐBSCL có 129 loài, trong đó nhiều nhất ở An Giang với 75 loài (thực vật có 31 loài, bò sát 15 loài, 14 loài chim), nhiều thứ 2 là tỉnh Bến Tre với 69 loài (22 loài bò sát, 16 loài chim, 13 loài thú và 8 loài thực vật), thứ 3 là Kiên Giang và Cà Mau với 42 loài…
So sánh sự biến động của các loài đang bị đe doạ ở vùng ĐBSCL giữa năm 2012 với 2016, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Cần Thơ gồm ThS Trần Sỹ Nam, PGS. TS Nguyễn Văn Công, TS Dương Trí Dũng chỉ ra, có tất cả 6 nhóm đang bị đe doạ gồm: Thực vật, chim, cá, động vật có vú, bò sát và lưỡng cư.
Đồng Tháp nhiều loài chim quý hiếm cần được bảo vệ.
Năm 2012 nhóm đã nghiên cứu có 17 loài sinh vật bị đe doạ, trong đó số loài sinh vật trong sách đỏ Việt Nam 17 loài, sách đỏ IUCN là 10 loài. Tuy nhiên theo tìm hiểu của nhóm đến năm 2016 có tới 72 sinh vật nằm trong danh sách bị đe doạ, danh sách đỏ Việt Nam là 63 loài, sách đỏ của IUCN là 40 loài…
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu này, mật độ của một số loài quý hiếm có xu hướng tăng do công tác bảo tồn được quan tâm.
Hội thảo tập trung thảo luận về các giải pháp bảo vệ các loài đang bị đe doạ từ việc nuôi trồng thuỷ sản.
Trong các giải pháp để bảo vệ các loài đang bị đe doạ từ việc nuôi trồng thuỷ sản, PGS. TS Nguyễn Văn Công, khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ chỉ ra các nguyên nhân đe dịa đến các sinh vật quý hiếm như: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện hữu sang ao nuôi thuỷ sản làm giảm nơi sinh sống, cư trú sinh vật quý hiếm; bơm bùn cải tạo ao nuôi thuỷ sản, nguy cơ ảnh hưởng đến thuỷ sinh vật quý hiếm; để lưới tạo ao sẽ làm nguy cơ ảnh hưởng đến sinh vật quý hiếm.
Ông Công cũng đề xuất một số giải pháp để bảo tồn như: Trồng và duy trì thảm thực vật ở những khu vực hợp lý nhất trong trang trại nuôi thuỷ sản, sẽ tạo nơi cư trú tạm thời cho các loài quý hiếm; cần bố trí ao trữ bùn và ao xử lý nước thay ra từ quá trình nuôi thuỷ sản; khuyến khích nuôi thuỷ sản theo chứng nhận khác nhau…