Nhằm tìm giải pháp giải quyết những bất cập, thúc đẩy du lịch phát triển, cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, sáng 15/7, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Vì môi trường Du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện”, với sự tham gia của các địa phương cùng một số đơn vị lữ hành du lịch.
Sa Pa là điểm nóng về đeo bám du khách.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại tọa đàm, sự phát triển của du lịch nước ta đang tỏ ra yếu kém nhiều mặt, ngay cả với các nước trong khu vực. Ngoài thắng cảnh đẹp, dịch vụ tốt thì việc làm thế nào để xây dựng một môi trường du lịch an toàn, thân thiện, yếu tố quyết định sự hấp dẫn khách đến lưu trú lâu dài là trăn trở không chỉ riêng của nhà quản lý, các đơn vị lữ hành. Trước thực tế ngành du lịch đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển, cạnh tranh với các nước trong khu vực, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy du lịch phát triển.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các địa phương trong ba nhóm vấn đề chính: tăng cường quản lý giá cả; bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch; bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một trong những vấn đề mà Chỉ thị 14 nêu ra, có thể nhận thấy rõ là nạn sớm giải quyết nạn “đeo bám” khách du lịch. Vấn nạn này ảnh hưởng đến trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch và xảy ra ở không ít địa phương. Tuy vậy, đối với các địa phương để giải quyết vấn đề này không phải là dễ dàng. Một trong những địa phương hiện là điểm nóng về nạn đeo bám du khách là khu du lịch Sa Pa, bởi khai thác dịch vụ du lịch nhỏ lẻ (bán hàng lưu niệm) còn là kế sinh nhai của đồng bào. Muốn giải quyết triệt để, phải thay đổi nhận thức, thói quen của người dân.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng, việc duy trì đường dây nóng là rất cần thiết để kiểm soát giá cả. Tại các điểm đến, ngành du lịch địa phương cần công khai, minh bạch, để các cơ sở kinh doanh đều phải đăng ký và niêm yết giá công khai. Cùng với đó là tăng cường công tác thông tin, chính sách cho khách du lịch và tăng cường công tác giám sát. Ở những nơi tập trung khách du lịch đông thì phải thành lập những trung tâm hỗ trợ để có thể giải quyết ngay những bất cập nảy sinh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay, hiện nay có 3 hạn chế ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của du lịch trong nước, cần sớm được khắc phục. Thứ nhất là mức độ thuận lợi để tiếp cận visa, thứ hai là việc kết nối đường bay trực tiếp tới các thị trường trọng điểm và thứ ba là thiếu nguồn đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch.