Tắc đường tại Hà Nội, TP HCM thời gian qua đã trở thành vấn nạn, khiến người tham gia giao thông bức xúc. Nhiều giải pháp cũng đã được đưa ra nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Trao đổi với ĐĐK, bà Trần Thị Quốc Khánh - Đại biểu Quốc hội (Hà Nội) cho rằng, sở dĩ như vậy là do hậu quả của một thời gian dài các cơ quan quản lý các cấp và chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp đồng bộ, buông lỏng trách nhiệm trong kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bà Trần Thị Quốc Khánh.
PV: Là Đại biểu Quốc hội, bà nhận định thế nào về đề án cấm xe ngoại tỉnh vào Hà Nội bắt đầu thực hiện từ năm 2021? Nhiều ý kiến nhận định rằng quy định như vậy là bất cập và khó khả thi?
Bà Trần Thị Quốc Khánh: Trước hết, cần chia sẻ và ghi nhận sự cố gắng của Sở GTVT Hà Nội đang tìm cách chấn chỉnh, khắc phục những lộn xộn, bức xúc trong hoạt động giao thông trên địa bàn Thủ đô. Hằng ngày những ai phải đi lại trên các tuyến đường có các khu đô thị, nhà cao tầng mới mọc lên, những công trình hạ tầng đang xây, những nơi có nhiều trường đại học, bệnh viện, trung tâm thương mại như những đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Phan Trọng Tuệ…đều rất sợ hãi. Cả một biển người, đủ các phương tiện xe con, xe buýt, xe tải, xe máy, xe đạp, kể cả người đi bộ đều tràn trên mặt đường, bất kể là nắng hay mưa, cứ len lỏi, nhích từng tý một, tâm trạng ai cũng bức bối mà vẫn phải nhẫn nại.
Ngưới ta nói rằng, đến một quốc gia, cứ ra đường xem xét người dân đi lại thế nào là biết ngay trình độ phát triển, năng lực quản lý của quốc gia đó. Vì vậy, khách quan mà nói, để đến tình trạng ùn tắc, lộn xộn hôm nay, không phải chỉ là lỗi riêng của ngành giao thông Hà Nội.
Thực tế là công tác quản lý đầu tư, quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại… có dành đất thỏa đáng cho giao thông hay không lại do ngành Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng quyết định. Việc cho nhập xe ôtô, xe máy tràn lan, rồi liên doanh sản xuất xe máy bán ra thị trường thoải mái lại thuộc quyền quản lý của ngành Công thương.
Nói qua như thế để thấy, việc quy hoạch, tổ chức giao thông ở Hà Nội đến mức “báo động đỏ” như hiện nay là hệ quả của một thời gian dài các cơ quan quản lý các cấp và chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, buông lỏng trách nhiệm trong kiểm tra, xử lý vi phạm.
Mấy ngày gần đây, báo chí đưa tin Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Viện chiến lược phát triển GTVT (Bộ GTVT) chuẩn bị, đang được lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra quy định “cấm xe ngoại tỉnh bắt đầu thực hiện từ năm 2021”- khiến không ít người lo lắng, nhất là người dân ở các địa phương ngoài Hà Nội.
Vậy theo bà, để chống tắc đường chúng ta cần những giải pháp như thế nào?
- Theo tôi, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp trên địa bàn Hà Nội, giữa Hà Nội với các Bộ, ngành Trung ương, giữa Hà Nội với các địa phương lân cận... thì UBND thành phố cần phải có các giải pháp mang tính đồng bộ, tổng thể mới bảo đảm tính chủ động, khoa học trong quản lý, điều hành.
Tôi cho rằng, trước hết, thành phố cần bám sát và tổ chức thực hiện nghiêm Luật Thủ đô để từng bước giải bài toán ùn tắc. Bao gồm: Bố trí quỹ đất cho các cơ quan Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập để di dời trụ sở theo quy hoạch. Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Nghiêm cấm lấn chiếm, sử dụng vỉa hè, lòng đường trái quy định. Đồng thời cần quan tâm lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến của các tầng lớp nhân dân, nhất là các chuyên gia, các nhà khoa học, tâm huyết đóng góp cho Thủ đô.
Trong đó, chủ động nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế ứng dụng công nghệ cao xây dựng mạng lưới, tổ chức hệ thống hạ tầng, phương tiện giao thông thông minh, khoa học, tiết kiệm tài nguyên đất đai, năng lượng…trong giao thông ở Thủ đô. Cần có một cơ chế thực sự cầu thị và khuyến khích mọi người hiến kế giúp cho thành phố.
Là người tham gia xây dựng soạn thảo Luật Hành chính công, bà nghĩ sao khi Bộ Tài chính ban hành quyết định số 1997/QĐ-BTC về việc áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25. Bà có cho rằng đây là cách tiết kiệm cũng như giảm mật độ xe công trong giờ tan tầm giúp giảm tắc giao thông?
- Nhiều năm nghiên cứu pháp luật về hành chính công ở Việt Nam và thế giới, tôi thấy pháp luật hành chính công ở nước ta còn rất bất cập. Nhiều quy định không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo nhau, rất khó thực hiện. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, kể cả cấp tỉnh, cấp Trung ương trong quản lý, điều hành, quản trị công, không phân biệt được việc công - việc tư hay phải chăng cứ muốn nhập nhằng công và tư? Vụ gắn “biển xanh”- xe công vào xe tư ở Hậu Giang, gây thất thoát của công như Vinaline, Vinashine, Ngân hàng Xây dựng… là những vụ việc điển hình. Vì thế, Bộ trưởng Tài chính ban hành quyết định này đã thể hiện tính gương mẫu trong lĩnh vực Bộ đang quản lý.
Tuy nhiên, cần phải đánh giá tổng kết cụ thể những thuận lợi, vướng mắc trong quản lý sử dụng xe công một cách xác đáng hơn để đưa ra giải pháp thiết thực. Có thể nói đây cũng được coi là giải pháp làm giảm mật độ “xe công” trong giờ tan tầm, nhưng đồng thời lại có “xe riêng” để thay vào vị trí đó, cho nên lưu lượng xe tham gia giao thông nói chung có thể vẫn không thể giảm trong bối cảnh hiện nay.
Thời gian qua chúng ta đã đưa ra vấn đề khoán xe công nhưng ít người thực hiện. Bà có nghĩ quyết định của Bộ Tài chính sẽ khả thi góp phần nhằm giảm ách tắc giao thông cũng như tiền bảo trì xe công?
- Việc khoán xe công từ lâu đã được khuyến khích nhưng việc thực hiện không dễ chút nào. Tôi biết có nhiều người trong đối tượng sử dụng xe công đã có xe riêng, nhưng vẫn muốn (hoặc “phải”) đi xe công, không phải vì “giải quyết khâu oai” như nhiều người nói hay cố ý không chấp hành quy định, mà thực chất là để bảo đảm chất lượng, yêu cầu công việc của họ. Những đối tượng được sử dụng xe công là những người có vị trí, cương vị công tác nhất định, có nhiệm vụ thường xuyên phải di chuyển họp hành, làm việc với cơ quan Trung ương, địa phương.
Ở các nước, nhất là các nước phát triển, pháp luật về hành chính công minh bạch, công khai, rõ ràng việc công - việc tư; nhận thức về trách nhiệm đạo đức công vụ của các nhân viên làm việc cho Nhà nước không lẫn lộn, mập mờ công - tư để lạm dụng, lạm quyền. Nói như thế để thấy ở Việt Nam hiện nay vấn đề xe công nếu chỉ được xác định là nhiệm vụ của một ngành, một cấp, một đối tượng cụ thể nào thì cũng không thể giải quyết được. Nó cần phải được giải quyết trong mối quan hệ tổng thể, đồng bộ, nhất quán từ trên xuống dưới với cơ chế căn cơ, khoa học, giải quyết tận gốc. Trong đó, phải tập trung xây dựng và hoàn thiện pháp luật Hành chính công cho đồng bộ, tương thích với pháp Luật Tài chính công (đã có), pháp Luật Tài sản công (đang làm). Ngoài ra, bài học về sự nêu gương của người đứng đầu các cấp cũng cũng có ý nghĩa rất quan trọng.
Tôi cho rằng, quyết định của Bộ Tài chính không sử dụng xe công đưa đón lãnh đạo từ hệ số 1,25- 1,3 sẽ làm giảm tiền bảo trì xe công, nhưng chưa chắc làm giảm ùn tắc giao thông, nếu các lãnh đạo trên đây vẫn sử dụng xe riêng hoặc phải đi thuê xe khác đưa đón. Nhiều cử tri cho rằng, để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cần phải có giải pháp mạnh mẽ để chống thất thoát, chống tham nhũng; đặc biệt phải tham mưu với Chính phủ phối hợp với các cơ quan tư pháp ở Trung ương, kiên quyết thu hồi những tài sản do tham nhũng mà có đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trân trọng cảm ơn bà!